Live show Bằng Kiều: Cũng bình thường thôi!

Đêm 26/10 tại sân khấu Lan Anh, TP.HCM đã diễn ra đêm đầu tiên của Bằng Kiều in Concert 2012. Sân khấu Lan Anh gần như kín khán giả, tuy nhiên tình trạng sốt vé và vé chợ đen đẩy giá lên cao thì không có. Sát giờ biểu diễn, khán giả cũng có thể mua vé một cách dễ dàng, khác với tình trạng vé chợ đen cao ngất ngưởng như tại Hà Nội.

Cả Bằng Kiều và 3 khách mời Hồng Nhung, Mỹ Linh và Minh Tuyết đã trình diễn tổng cộng khoảng 25 ca khúc với nhiều dòng nhạc khác nhau.

Ánh sáng của “phù thủy”

Như cái tên của chương trình – Bằng Kiều in Concert – chữ “concert” mang ý nghĩa chú trọng vào yếu tố âm nhạc (như một buổi hòa nhạc). Vì vậy không có những “chiêu trò” để “câu” khán giả, không vũ đoàn minh họa, không cả màn hình LED. Sân khấu được thiết kế khá ấn tượng với các hình cách điệu kiểu “người que” trên nền phông khá độc đáo, ở giữa nổi bật chữ BK (viết tắt tên của Bằng Kiều). Đặc biệt, sân khấu được thiết kế mở rộng tràn ra hết chiều ngang bên ngoài phạm vi sân khấu, nhưng liền lạc một khối làm sân khấu thêm phần hoành tráng và tạo nhiều góc nhìn cho khắp các vị trí ngồi của người xem.

Ánh sáng sân khấu sang trọng, đẹp mắt được đổi màu tùy tính chất, cao trào của bài nhạc đã làm tăng hiệu quả nghe và nhìn. Ánh sáng có khi “mạnh mẽ, nóng bỏng”, đúng nhịp điệu bài nhạc, như khi chuyển từ đoạn nhạc chỉ 1 guitar acoustic sang “tutti” toàn dàn nhạc (trong bài Cho em một ngày của Dương Thụ do Hồng Nhung biểu diễn). Có khi ánh sáng “tàn úa” (bài Mưa trên ngày tháng đó của Từ Công Phụng). Hay ánh sáng xanh sáng, cam vàng rực rỡ (trong bài Chuyện lạ của Bằng Kiều)… Đạo diễn Phạm Hoàng Nam một lần nữa lại cho thấy tài nghệ “phù thủy” của mình trong lĩnh vực này.

Về phần trình diễn của ca sĩ Bằng Kiều. Trước tiên cần nói rằng Bằng Kiều có giọng hát đẹp, truyền cảm, lại được hỗ trợ bởi dàn nhạc nhẹ điện tử, dàn dây và phần lớn là những bản phối khá hay. Phần nhạc đệm thực sự ấn tượng và “đẳng cấp” đủ để Bằng Kiều có thể bay bổng trên nền nhạc đó.

Nói như vậy để thấy rằng hiệu quả chung phần trình diễn của Bằng Kiều không phải dở, nhưng xem xong để đọng lại một ấn tượng gì đó đặc biệt thì hơi khó.

Bằng Kiều đa năng

Bởi chính cấu trúc chương trình làm loãng những gì cần gây ấn tượng. Bằng Kiều như thể hiện một ca sĩ “đa năng”, hát mỗi thứ một chút, từ nhạc “thâm thúy” như của Phú Quang (Em ơi Hà Nội phố), Dương Thụ (Lắng nghe mùa xuân về, song ca cùng Hồng Nhung), Thanh Tùng (Trái tim không ngủ yên, song ca cùng Mỹ Linh); cho đến nhạc “trữ tình” của Ngô Thụy Miên (Bản tình cuối), Từ Công Phụng (Mưa trên ngày tháng đó), rồi những bản nhạc thị trường nhàn nhạt, cho dù là những bài hit của Bằng Kiều (Xin lỗi anh, Để nhớ một thời ta đã yêu, song ca cùng Minh Tuyết) và cả nhạc “sến” của Lam Phương (Thao thức vì em, Phút cuối).

Chỉ có phần đầu chương trình với những ca khúc tái hiện lại thời Làn sóng xanh là đúng chất và đúng “tầm cỡ” Bằng Kiều nhất. Khi giọng ca của anh vừa cất lên và sân khấu từ từ “mở màn” khán giả đã la hét và vỗ tay rần rần.

Bằng Kiều không phải là giọng ca “khám phá” với những độc đáo hoặc hát “nhập đồng” như kiểu Tùng Dương khiến người trong nghề cảm kích, thán phục. Giọng ca của Bằng Kiều và ca khúc ở phần này cho thấy là một giọng ca đại chúng, có chất lượng, “văn minh”, các ca khúc có chiều sâu và hai màn song ca với hai diva rất hiệu quả. Tất cả những điều đó làm cho Bằng Kiều “có giá” hơn.

Nhưng phần kế tiếp, khi Bằng Kiều hát những bản nhạc trữ tình, anh thể hiện không có cái riêng đặc biệt của mình, không hiệu quả bằng các ca sĩ cũ của dòng nhạc này. Hát các bản nhạc “sến” anh thiếu chất “sến”, mùi mẫn. Nói chung, Bằng Kiều hát hai loại nhạc này thiếu điều cần thiết để đi đến cái tận cùng của nó.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trên sân khấu của Bằng Kiều in Concert 2012, có thể thấy đó là hành trình ca hát của Bằng Kiều. Trên con đường ca hát, người nghệ sĩ cũng có lúc thế này, lúc thế khác, có thể vì cuộc sống hoặc để phù hợp với bối cảnh, môi trường họ đang sống. Nhưng với mỗi nghệ sĩ, cái cần nhất là xác định cho mình một con đường, xác định cái sở trường của mình, live show là dịp mà họ có thể làm điều đó nhất.

Live show cũng là dịp người hâm mộ được giáp mặt thần tượng của mình bằng xương bằng thịt để nghe thần tượng hát những bài nhạc mà họ yêu mến. Bằng Kiều đã làm điều đó, không sai, nhưng giá anh chọn lọc để có một dòng nhạc và đối tượng khán giả “thuần khiết” hơn, có lẽ anh sẽ để lại ấn tượng nhiều hơn.

Với giọng ca của Bằng Kiều, nhiều người khen là có thể lên những nốt cao hiếm có, nhưng trong âm nhạc hát được những nốt cao chưa là tất cả. Kể cả ngân được nốt thật dài như Bằng Kiều đã biểu diễn trong bài Phút cuối của Lam Phương.

Một live show không có phần nhìn hiện đại của “công nghệ biểu diễn”; không có những chiêu trò như “nhát ma”, bay lượn làm khán già ú tim hoặc thích thú; không vũ đoàn tấp nập, trang phục hoành tráng… Bởi chủ đích thực hiện live show này không phải như vậy. Phần chọn bài không thể hiện xuyên suốt “đẳng cấp” nghệ thuật, cũng không phải thuần “sến” hoặc “rặt” thị trường… Nhìn chung, dưới góc độ một live show, không có gì quá đặc sắc, cũng… bình thường thôi. 

Một số hình ảnh trong đêm diễn của Bằng kiều tại TP.HCM:

Song ca cùng Hồng Nhung

Hồng Nhung trình diễn bài Cho em một ngày (Dương Thụ)

Bằng Kiều cùng Mỹ Linh hát bài hit song ca một thời – Trái tim không ngủ yên (Thanh Tùng)

Ba cậu con trai dễ thương mà Bằng Kiều ví là 3 bài hát tâm đắc nhất của anh

 Song ca cùng ca sĩ hải ngoại Minh Tuyết

Minh Tuyết, Bằng Kiều, Mỹ Linh và Hồng Nhung cùng biểu diễn bài Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu)

 

(Theo TT&VH Online)


From the same category