Lạm phát 20% mới sửa thuế TNCN: Thiệt cho dân?

Ngay sau khi Bộ Tài chính công khai phương án điều chỉnh mới về thuế thu nhập cá nhân, các chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục chỉ ra những điểm còn tồn tại dù, dự thảo mới này được coi là tiến bộ hơn trước.

Không mong khủng hoảng để được sửa thuế

Trao đổi với PV Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet, TS Vũ Đình Ánh – Học viện Tài chính bày tỏ: “người dân phải có mức thu nhập đủ sống trước đã rồi mới đóng thuế là hợp lý. Vì vậy, Bộ Tài chính tăng các mức các mức giảm trừ gia cảnh là sát với thực tế thu nhập hiện nay của người dân hơn. Đó là ưu điểm hơn hẳn đề xuất trước của Bộ”.

“Tuy nhiên, quy định “mở” của dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, sẽ điều chỉnh dựa theo mốc biến động giá cả tới 20% thì cần xem xét lại”, ông Ánh nói.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, mốc lạm phát (CPI) tới 20% để điều chỉnh lại thuế là quá cao. Trong lịch sử lạm phát Việt Nam từ năm 1995 đến nay, chưa năm nào lạm phát cuối kỳ lên tới 20%. Năm 2008, lạm phát tăng phi mã tới đỉnh cao thì tính ở cuối kỳ, mới là 19,89%. Nếu tình bình quân năm 2008 so với bình quân năm 2007, lạm phát xấp xỉ 23%.

Thuế thu nhập cá nhân cần sửa lại theo biến động tiền lương tối thiểu

Năm 2011, lạm phát cũng tăng rất cao nhưng cả hai chỉ số tính cuối kỳ hay tình bình quân năm cũng mới trên 18%.

Biến động của lạm phát tác động manh tới người tiêu dùng, nhất ở nhóm thu nhập thấp và trung bình. Với nhóm người dân có thu nhập tới 9 triệu, nộp thuế bậc 1 cũng là nhóm có thu nhập trung bình nên sẽ chịu tác động rất lớn nếu lạm phát cao xảy ra.

Nói cách khác, Bộ Tài chính lấy mốc CPI tăng 20% để làm căn cứ điều chỉnh lại thuế là không thực tế, cần điều chỉnh lại, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Trên thực tế, dự thảo sửa đổi Luật tại khoản 5, điều 1, bổ sung quy định về giảm trừ gia cảnh chỉ nêu rằng: “Trường hợp giá cả thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh bằng tiền quy định tại khoản này cho phù hợp với sự biến động của giá cả”.

Ông Ánh phân tích: “Luật phải làm rõ khái niệm “biến động giá cả” ở đây là gì? Là lạm phát tính theo năm vào cuối kỳ hay là lạm phát tính theo mức bình quân. Chưa kể, CPI còn được tính theo cách so sánh với tháng liền kề trước. Vậy, Luật sẽ lấy phép tính nào?”

Dẫn chứng lại về sự khác biệt giữa các phép so sánh, ông Ánh nói: “Ngay như CPI tháng 7 vừa qua, nếu so với tháng 12/2011 thì tăng 2,22% nhưng nếu so bình quân 7 tháng đầu năm với 7 tháng năm 2011 thì CPI đã là 11,2%. Nếu không chuẩn xác, sau này, diễn giải Luật sẽ có tình trạng mỗi nơi một kiểu”.

Liên quan đến biểu thuế lũy tiến đang được cho là quá gần, gây bất bình đẳng giữa các nhóm người dân có thu nhập chịu thuế, TS Ánh bày tỏ, câu chuyện này liên quan đến nguồn thu. Biểu thuế và khung thuế suất phải cân đối trong chiến lược thuế, giảm dần tỷ trọng thuế gián thu, tăng dần tỷ trọng thuế trực thu.

Khi giữ nguyên bậc thuế hiện hành thì Bộ Tài chính chưa nêu rõ quan điểm điều tiết thu nhập của Bộ Tài chính là gì? Vì cách chia bậc phải được căn cứ vào kết quả điều tra thu nhập trung bình, phân nhóm thu nhập để tạo sự bình đăng tương đối.

Ông Ánh cũng chia sẻ: “Việc so sánh cách tính thuế với các quốc gia khác cũng phải ở mức tương đối, vì GDP bình quân theo đầu người của các nước cao hơn Việt Nam rất nhiều.


Cần tính thuế theo lương tối thiểu

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến người dân, nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Song, cũng đồng tình với các phân tích của Ts Vũ Đình Ánh, bà Lan bày tỏ: “Phương pháp luận tính thuế cũng phải tính lại. 9 triệu đồng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tuy cao hơn trước nhưng xét cho cùng, vẫn là tăng theo mức cứng. Bất cứ một con số cứng nào đưa vào Luật, dù là 6 triệu, 9 triệu thì rồi vẫn bị phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của giá cả. Tâm lý chung toàn xã hội lâu nay vẫn sợ lạm phát. Vì thế, việc đưa ra mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cần có một cơ sở lâu bền để xem xét.

Bà nói tiếp: “Ngay từ đầu khi bàn Luật thuế thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến cũng đã phản biện nên tính theo lương tối thiểu hơn,thì sẽ công bằng hơn, sẽ tạo được khả năng, dư địa cho Chính phủ dễ dàng điều chỉnh khi cần thiết hơn. Tôi không hiểu tại sao, Bộ Tài chính vẫn không tính thuế dựa trên một căn cứ đỡ tiền lương tối thiểu, đỡ phức tạp hơn CPI”.

Chưa kể, bên cạnh đó, với lạm phát như ở Việt Nam, biến động mạnh và thất thường như vậy, đồng tiền mất giá rất nhanh, 9 triệu đồng bây giờ nghe là “to”, nhưng khi đối chiếu vào cuộc sống thực tế, chưa chắc đã phù hợp. Không ai dám chắc là tới ngày 1/7 sang năm sau, mức 9 triệu đó có lại lạc hậu không, bà Lan phân tích.

Góp ý về điểm mới lấy mốc CPI tăng 20%, vị chuyên gia này cũng phản đối mạnh. Theo bà, đây là ngưỡng biến động quá lớn, không thiết thực! Năm 2011 lạm phát trên 18% đã làm kinh tế liêu xiêu, bao nhiêu DN đóng cửa, giải thể. Nếu lạm phát 20% thì nền kinh tế không chịu nổi. Liệu, Chính phủ có để cho nền kinh tế chờ tới biến động lạm phát tới mức nay hay đây lại là dự báo mới?

Bà Lan đề nghị, dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân lần này đã sửa đổi thì nên sửa đổi triệt để, đã lắng nghe thì nên lắng nghe đầy đủ hơn. Cách tính thuế cần thoáng hơn và đừng bị “ám ảnh” bởi việc giảm thu ngân sách.

Phương pháp tạo sự đồng thuận lớn nhất là nên để điều chỉnh thuế theo mức lương tối thiểu. Vì hiện nay, tiền lương tối thiểu cũng sẽ phải điều chỉnh để phù hợp biến động giá cả và cũng đều là “chạy” theo lạm phát.

Theo dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế tăng từ 4 triệu hiện hành lên 9 triệu đồng/tháng, tương ứng 108 triệu đồng/năm. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng hiện hành lên 3,6 triệu đồng/tháng. Khi đó, 2,6 triệu người dân đang nộp thuế bậc 1 hiện nay (nếu không tăng thu nhập) thì sẽ không phải nộp thuế.

Tháng 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp bàn về dự thảo Luật. Chính phủ sẽ trình chính thức Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

Theo Vietnamnet


From the same category