‘Tiên học lễ…’ không có lợi?

Sản phẩm của Nho giáo Trung Quốc

Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” là sản phẩm giáo dục Nho giáo của Trung Quốc. Đức Khổng Tử đưa ra triết thuyết với mong muốn phục hưng lễ giáo nhà Chu (khoảng thế kỷ thứ X trước Công Nguyên), nhằm ổn định xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ bằng “đức trị” và “lễ trị”.

Quan hệ thầy trò cần trật tự trên dưới hay dân chủ để có thể tranh luận? (Ảnh minh họa: Hương Giang.)

Theo quan niệm Nho giáo, trung tâm của đạo đức là Nhân (là lòng nhân, nhưng cũng là con người), mà biểu hiện của nhân là “lễ”. Lễ ở đây là nghi lễ, nhưng cũng là các chuẩn mực đạo đức, xã hội mà một người “quân tử”, mẫu người lý tưởng trong xã hội phong kiến, phải sở đắc trong các mối quan hệ hằng ngày như vua – tôi, vợ – chồng, cha – con, thầy – trò, bạn hữu…

Trong bất kỳ xã hội nào, các chuẩn mực, các giá trị liên quan đến cách đối nhân xử thế cũng phải có, cũng phải được truyền thụ trong nhà trường để duy trì đời sống chung giữa các cá nhân, thế nhưng nội dung “lễ” trong Nho giáo có một đặc điểm khởi thuỷ là củng cố  và bảo vệ các mối quan hệ đẳng cấp trong xã hội phong kiến theo trật tự “Quân – sư – phụ”.

Là dân, thì lời vua là “thánh chỉ” nên buộc phải tuân phục một cách tuyệt đối. Là trò, thì lời thầy là chuẩn mực, là thước đo, nên trò cứ vậy chép, học thuộc lòng, áp dụng trong cuộc sống. Đặt lại vấn đề, tranh biện với thầy lắm khi lại bị cho là “vô lễ”.

“Tiên học lễ…” đi ngược với tinh thần giáo dục hiện đại

Chữ “lễ” trong câu khẩu hiệu mà chúng ta muốn học sinh học trước tiên, có lẽ trước hết có gốc gác và ý nghĩa như trên. Một số ý kiến cho là nên hiện đại hoá cách hiểu về câu khẩu hiệu, “tiên học lễ”- giáo dục học trò làm người trước khi dạy các em học kiến thức khoa học và kỹ năng nghề nghiệp.

Tôi hoàn toàn đồng ý là phải chú trọng việc dạy làm người, nhất là trong giáo dục bậc phổ thông. Tuy nhiên, mẫu người lý tưởng trong thế kỷ 21 này không thể theo chuẩn mực của “người quân tử” trong xã hội phong kiến Nho giáo ngày xưa được. Chữ lễ quy định, chi phối tất cả các mối quan hệ, nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn đến mối quan hệ thầy – trò.

Nội dung chữ lễ tạo ra nơi mối quan hệ này một thứ bậc trên dưới, thể hiện bằng các hành động bên ngoài, cũng như tạo ra những khoảng cách tâm lý trong não trạng, trong thói quen tư duy của thầy và trò. Một trò ngoan là trò luôn vâng lời, biết dạ, thưa, khoanh tay, cúi đầu khi đối diện với thầy, những điều như thế tạo ra một trật tự, nhưng rõ ràng là nó gây khó khăn cho trò trong việc tranh biện với thầy một cách sòng phẳng, điều mà giáo dục hiện đại lấy trò làm trung tâm luôn đề cao.

Chúng ta đang sống trong thời kinh tế tri thức, quốc gia nào đào tạo được những công dân có khả năng sản sinh ra tri thức, quốc gia đó sẽ làm chủ. Một hệ thống giáo dục đề cao giáo dục sự tuân phục, sự vâng lời theo tinh thần chữ “lễ” trong Nho giáo sẽ không có lợi gì cho những phát minh, phát kiến khoa học.

Tinh thần này xa lạ với văn hoá phản biện, một thứ công cụ thúc đẩy sự phát triển khoa học, cũng như phát triển xã hội nói chung. Văn hoá phản biện này không phải tự dưng mà có, mà phải được nuôi dưỡng, đào tạo ngay ở cấp tiểu học thông qua nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá kết quả học đường, cũng như thông qua quan hệ dân chủ trong mối liên hệ thầy- trò.

Quan hệ thầy – trò trong giáo dục Phần Lan

Gần đây, cả thế giới biết đến mô hình giáo dục Phần Lan vì sự thành công kỳ diệu của quốc gia này. Các nhà nghiên cứu đã quan sát và thấy rằng trong các bí quyết làm nên sự thành công này thì mối quan hệ thầy – trò là quyết định nhất.

Các giáo viên Phần Lan được tuyển lựa rất kỹ, họ không những là những nhà sư phạm trong việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh, mà còn là những chuyên gia giáo dục trong việc dạy con trẻ thành người.

Các giáo viên Phần Lan không tìm cách làm cho trẻ vâng phục, không tạo khoảng cách về không gian và tâm lý giữa họ và học trò. Họ gần gũi từng học sinh trong nhiều năm, họ làm việc với học trò trong lớp, ăn với học sinh ở cantine trường… để thấu hiểu từng học sinh, và từ đó có những sách lược giảng dạy với từng em phù hợp với tâm lý, thể trạng, năng khiếu của từng học sinh.

Học sinh Phần Lan không “thưa thầy” như học sinh ta, nhưng gọi thẳng tên của thầy cô một cách đầy thân thiện, các em cũng không trật tự, ngồi ngay hàng thẳng lối nghe thầy cô giảng, mà tụm ba, tụm bảy, chạy nhảy trong lớp một cách ồn ào, nhưng tất cả đang làm việc theo cách của từng em, theo cách của từng nhóm trong lớp.
 
Đương nhiên người Phần Lan cũng có những chuẩn mực và giá trị để làm căn cứ nhằm dạy dỗ con trẻ thành người, họ quan niệm nhà trường phải là nơi làm cho các học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất, vì những học sinh hạnh phúc cũng là những học sinh phảt triển cân bằng, dễ dàng lĩnh hội mọi thứ.

Để kết thúc bài viết, tôi xin trích phát biểu của Condorcet, triết gia người Pháp, trước quốc hội Pháp năm 1792 để mọi người cùng suy nghĩ: “Mục tiêu của giáo dục … không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải tuân phục theo những tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, mà để soi sáng những điều này nhằm mục đích làm cho mỗi người ngày càng xứng đáng với phẩm giá, và dùng lý trí của riêng mình để tự điều chỉnh lấy bản thân”.

Nguyễn Khánh Trung (viết từ Pháp)

Theo Vietnamnet


From the same category