Một hôm, ông cho gọi họa sĩ tới vẽ chân dung cho mình. Họa sĩ này làm cái việc được cho là thông minh: vẽ toàn chân dung nhưng tránh đụng vào khuyết điểm mũi đỏ của vua. Anh ta chỉ vẽ hình dạng cái mũi bình thường mà không tô đỏ lên, nhờ thế mà bức chân dung trông “đẹp” hơn nhiều. Thế nhưng, sau khi ông vua này qua đời, người con lên nối ngôi. Một hôm, vua con đi vào Thái miếu, nhìn thấy bức chân dung của vua cha, cho rằng vẽ như thế là mất đi vẻ chân thật, vua con phán: “Phụ thân ta rõ ràng có một cái mũi đỏ, sao bức chân dung lại không có dấu vết cái mũi đỏ, mau mau tô cho đỏ lên!”
Mũi cà chua trong câu chuyện này chỉ là cái cớ để nói tới chuyện thật thà hay không thật thà hoặc những chuyện xa xôi khác. Nhưng trên thực tế, mũi cà chua đã gây ra nỗi khổ rất thật, không biết bao nhiêu mà kể cho những người trót “cưu mang” nó ngay giữa mặt mình. Bệnh mũi đỏ (còn gọi là mũi cà chua hay bệnh Rosacea) tuy không phải là chứng bệnh nghiêm trọng, nhưng vì nó phát bệnh ở đầu mũi và hai cánh mũi nên nói không ngoa là nó ảnh hưởng vô cùng nặng nề về mặt mỹ quan. Người có dáng chuẩn, da đẹp, mắt phượng mày ngài, môi trái tim chúm chím xinh tươi thế nào cũng sẽ bị nhạt nhòa bởi cái mũi đỏ. Nỗi mặc cảm mang tên cà chua này khỏi nói cũng biết nó ám ảnh khôn nguôi.
Đã có người chỉ vì mũi đỏ mà hụt làm cô dâu, chú rể, bị người nọ chê, người kia cười. Họ dù có cố trang điểm hay ăn mặc cho ấn tượng để đánh lạc hướng, nhưng rốt cuộc mũi đỏ vẫn hoàn đỏ, quả cà chua ngự giữa mặt vẫn là tâm điểm chú ý của người đối diện, mấy ai bản lĩnh để tự coi đó là chuyện chẳng đáng kể gì?
Trước đời Minh, người ta cho rằng chứng bệnh mũi đỏ này có liên quan tới rượu, bởi tà nhiệt của khí rượu xông lên mà thành. Theo quan sát lâm sàng hiện đại thì bệnh này không liên quan tới rượu nhiều, nhưng kiêng uống rượu là việc nên làm. Trong cuốn sách “Ngoại khoa khải huyền” đời Minh, tác giả cho rằng bệnh mũi đỏ là do “nhiệt huyết ngưng kết”, “bệnh này vì phế khí bất thanh, thọ phong mà nên, hoặc do dùng nước lạnh rửa mặt dẫn đến nhiệt huyết khởi tại mặt mà sinh bệnh”.
Trên cơ sở đó, về mặt chữa trị, thời xưa chủ trương dùng thuốc Thanh phế tiêu phong hòa huyết để trị liệu, kèm với bôi thuốc ngoài da. Phương pháp chữa trị trong ngoài kết hợp này được hậu thế chọn dùng phổ biến. Cuốn “Y Tông Kim Giám” đời Thanh bổ sung rằng, bệnh này phát sinh có liên quan tới dạ dày. Sách “Y Lâm Cải Thác” thì đề ra thuyết pháp về “ứ huyết” (máu tụ), cho rằng màu đỏ của mũi là do máu ứ, đề xuất cách chữa bằng hoạt huyết hóa ứ.
Theo y văn hiện đại, các triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh Rosacea là có các đám màu hồng hoặc đỏ nổi lên trên bề mặt da, có thể gặp ở đầu mũi, hai bên má sát mũi, cằm, giữa 2 đầu lông mày. Thông thường người bệnh không có cảm giác ngứa ngáy hay đau nhức gì, trừ một số ít người thấy hơi nóng rát.
Bệnh mũi đỏ cà chua thường xuất hiện ở những người da dầu, nhất là vào giai đoạn cơ thể có sự thay đổi lớn về nội tiết như tiền mãn kinh chẳng hạn. Bản chất của bệnh là tình trạng giãn mao mạch. Các mạch máu rất nhiều và nhỏ tập trung ở vùng mũi, má nơi sát hai bên mũi bị giãn nở mạnh, trong khi da ở các vùng này khá mỏng, dễ bị kích ứng nên bề mặt da đỏ ửng lên. Trong những trường hợp khác, mũi đỏ lựng lên là do sự tăng kích thích của các tuyến tiết chất nhờn, làm da ở vùng mũi và cằm dày lên kèm theo những nốt rỗ; mũi đỏ mọng và to khác thường.
Thói quen xấu khi cạy, nặn trứng cá mất vệ sinh cũng có thể gây bệnh, do mao mạch vùng mũi bị tổn thương, xung huyết. Trên thực tế, khi gặp tình trạng này, bệnh nhân lại hay tự ý tìm mua dược mỹ phẩm về bôi khiến mũi càng đỏ và sần sùi. Nắng nóng, giá rét, thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn, cafein… cũng làm bệnh nặng hơn hoặc dễ tái phát.
Bệnh mũi đỏ thường rất dễ tái phát nên người bệnh cần chú ý phòng ngừa bằng cách tránh dùng thức ăn có chất kích thích, tránh tiếp xúc với nắng nóng kéo dài. Không nên tùy tiện dùng các loại mỹ phẩm, dược phẩm bôi lên da. Tránh bóp, nặn mụn trứng cá gây tổn thương vùng mũi.
Mũi đỏ khó coi thật đấy, nhưng rất may cho các cô nàng thích đẹp vì nữ giới thường ít bị chứng bệnh này. Tuy nhiên ắt sẽ vẫn có những cô nàng muốn tham khảo những cách chữa bệnh mũi đỏ để hóa giải nỗi buồn cho những người thân của mình chẳng hạn.
Theo lời khuyên của các bác sĩ ngày nay, trong quá trình điều trị bệnh mũi đỏ, bệnh nhân phải hết sức kiên trì và tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bệnh nặng, mũi phình to gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng thì có thể phẫu thuật hay đốt bằng laser mới khắc phục được.
Trong sách “Y Tâm Phương” của người xưa để lại có bài thuốc Tân lục phương chữa mũi đỏ với thành phần: mộc lan bì, chi tử nhân, đậu sị (đậu sị là đậu đen đã chế biến và phơi hay sấy khô, còn có tên là đạm đậu sị, đỏ đậu sị) với tỉ lệ như nhau: 1:1:1. Đem những nguyên liệu này nghiền thành bột mịn, pha thêm giấm, trộn với nhau. Mỗi đêm dùng thuốc bôi lên chỗ bị bệnh, đến sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch lại.
Chi tử vị đắng, tính hàn, thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết giải độc, chữa được “mặt đỏ, mũi đỏ” (theo “Thần Nông Bản Thảo Kinh”). Chi tử nhân là vị thuốc chủ yếu dùng chữa bệnh mũi đỏ ngày xưa. Mộc lan bì cũng có vị đắng, tính hàn. Đậu sị giải phiền nhiệt, giải độc…
Chế biến đậu sị cũng không có gì khó khăn, mà lại rất hữu hiệu trong chữa trị nhiều chứng bệnh khác. Chỉ cần lấy đậu đen rửa sạch, ngâm nước một đêm, sau đó đồ chín. Rải đều trên nia, đợi cho ráo nước thì phủ lá chuối lên cho kín. Đợi 3 ngày mở ra xem nếu thấy mốc vàng đều là được. Vẩy nước cho ẩm đều, cho vào thúng phủ lá dâu tằm cho kín, khi lên mốc vàng đều, đưa ra phơi khô rồi tưới nước cho ẩm đều, phủ lá dâu tằm và ủ; cứ làm như vậy cho tới khi tất cả đậu có mốc vàng đều thì lấy ra phơi khô là được.
Theo tài liệu cổ, đậu sị vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh phế và vị, có tác dụng giải cảm, trừ phiền. Nó được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chữa chứng khi sốt, khi rét, đầu nhức, ngực đầy trướng, phiền nhiệt. Những người không phải phong hàn ngoại cảm không dùng được. Hiện nay, đậu sị thường được dùng chữa cảm mạo, thương hàn, đầu nhức, sốt, sốt rét, trong người phiền muộn, hai chân lạnh nhức. Mỗi ngày dùng 12 – 24g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Suy từ các vị thuốc chủ yếu có tác dụng làm mát các tạng trong cơ thể, có thể thấy việc ăn uống đồ mát để điều hòa cơ thể là chủ trương chính của ngự y trong vấn đề này. Tiếp thu tinh thần đó, dân gian cũng tự tìm ra những bài thuốc dễ kiếm, đơn giản hơn để chữa bệnh mũi đỏ. Cụ thể như cách thức sau (lưu ý là phải rửa sạch mũi trước khi đắp hoặc bôi thuốc):
– Mướp đắng rửa sạch, thái mỏng, xóc muối, lại rửa sạch, dùng ăn sống hoặc đảo qua dầu thực vật, ăn cùng với cơm trong vài ngày.
Mướp đắng
– Rau sam hoặc các loại rau khác như: rau cần, ngó sen, bèo tây rửa sạch, để ráo, giã nát, chắt lấy nước về đắp mũi mỗi ngày 2 – 3 lần trong 5 – 7 ngày.
– Lạc sống mỗi ngày ăn 1 lạng vào sáng sớm hoặc lúc đói trong 1 tháng.
– Hành củ 15g, bột hoàng liên giã chung, đắp mũi, ngày bôi 2 lần trong 5 – 7 ngày.
– Dưa chuột 1 quả, đường phèn 30g. Ép dưa chuột lấy nước, hòa đường phèn thành nước bôi mũi, ngày 2 lần trong 5 – 7 ngày.
– Bí đỏ 30g, muối ăn 1 thìa, giã chung cho nát ra, đắp ngày 1 – 2 lần trong 3 – 5 ngày.
– Bí đao gọt vỏ, ép cùi lấy nước, bôi ngày 2 – 3 lần trong 5 – 7 ngày. Có thể pha thêm với bột hoàng liên với tỉ lệ 30ml nước bí đao: 2g hoàng liên đắp mũi ngày 1 lần trong 5 – 7 ngày.
– Hạt hạnh nhân sấy khô nghiền bột, hòa với nước thành dạng kem, đắp mũi ngày 1 – 2 lần.
– Rễ cỏ tranh 30g, sinh địa 20g, sắc uống ngày 2 lần trong 5 – 7 ngày.
– Riềng tươi 60g rửa sạch, thái sợi, sắc uống ngày 2 lần.
– Ngải cứu rửa sạch, giã lấy nước bôi mũi.
Mướp đắng, rau sam, rau cần, ngó sen, bèo tây, lạc, hành củ, dưa chuột, bí đỏ, bí đao, hạnh nhân, riềng tươi, ngải cứu… đều là những dược vật thiên nhiên đồng thời là thức ăn hàng ngày, dễ dàng trồng trong vườn nhà hoặc mua được ở chợ. Chỉ có điều không phải ai cũng biết cách thức sử dụng chúng để giải trừ một chứng bệnh đặc biệt, có nguy cơ biến khổ chủ thành anh/chị hề bất đắc dĩ mà thôi
Giờ thì “chìa khóa” đã trao tay bạn rồi đó!
Đông Nhan (theo Đang yêu)