Lạm phát phim dở
Cảnh trong phim Hello Cô Ba |
Cách đây chừng 5 năm, phim Việt mới mỗi năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay và là đặc sản của mùa Tết. Giờ thì thời cuộc đã khác, các hãng phim mọc nhanh như nấm và sẵn sàng ra mắt phim vào bất cứ thời điểm nào trong năm, ban đầu là các dịp lễ tết, sau đó chiếm lĩnh luôn cả mùa hè, vốn được xem là lãnh địa của phim bom tấn Hollywood. Và hầu như phim Việt nào ra mắt cũng được quan tâm đặc biệt. Nhưng phim Việt đầu tiên phá vỡ thế độc tôn của phim ngoại phải kể đến “Hộ chiếu tình yêu”, “Để mai tính”, “Cánh đồng bất tận”. Trong đó, “Hộ chiếu tình yêu” đánh dấu màn chào sân khá ấn tượng của đạo diễn Victor Vũ, “Để mai tính” làm hài lòng cả giới báo chí và công chúng bằng một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng được làm chỉn chu. Còn “Cánh đồng bất tận” làm bùng nổ một cuộc bút chiến liên miên và kéo theo doanh thu cao ngất ngưởng.
Nhưng dường như chiến thắng quá dễ dàng đã khiến các nhà sản xuất bắt đầu xem nhẹ chất lượng phim, tìm cách giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận. Thêm vào đó, tấm gương nhãn tiền của một số nhà đầu tư dốc quá nhiều vào phim nên không thu hồi được vốn cũng khiến họ phải thận trọng hơn. Đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận, “Dòng máu anh hùng” ngoài việc khiến anh thỏa chí làm phim và tạo được thương hiệu khi chào sân khán giả Việt, thì nó cũng khiến anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Bộ phim dã sử “Thiên mệnh anh hùng” được đầu tư hoành tráng nhất trong thời gian qua với kinh phí lên đến 24 tỉ đồng, dù rất ăn khách và ra mắt vào dịp Tết đầy thuận lợi, vẫn còn cách điểm hòa vốn quá xa. Theo một người trong ngành, khả năng của thị trường điện ảnh Việt hiện nay không thể đạt tới ngưỡng 50 tỉ đồng để có thể giúp nhà sản xuất hòa vốn, sau khi đã ăn chia với bên phát hành và rạp chiếu.
Kèm theo giảm chi phím các nhà làm phim tỏ ra nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả. Biết rằng đa số khán giả nằm trong độ tuổi teen, đến rạp để giải trí là chính và không quá khắt khe trong việc đánh giá một bộ phim theo các tiêu chí nghệ thuật, các hãng phim bắt đầu bước vào một cuộc đua tung chiêu câu khách, gây cười, bấp chấp cả những cảnh thô tục, phản cảm mà những người có văn hóa một chút sẽ khó mà cười được. Có phim chọc cười bằng việc khai thác giới tính (Nàng men chàng bóng, Cưới ngay kẻo lỡ, Vũ điệu đường cong). Có phim làm “ngu hóa” nhân vật để mua tiếng cười (Em hiền như ma sơ, Nhật kí bạch tuyết, Hello Cô Ba, Long ruồi, Giấc mộng giàu sang, Ranh giới trắng đen). Có phim lại đơn giản một cách ngạc nhiên đến nỗi bộ phim gần như rỗng tuếch (Ngôi nhà trong hẻm, Cột mốc 23). Cứ thế, chất lượng phim ngày càng tỉ lệ nghịch với số lượng. Mỗi khi có một phim Việt ra mắt, giới truyền thông và công chúng lại kỳ vọng, để rồi thêm một lần thất vọng.
Cảnh trong phim Long ruồi và Để mai tính |
Lỗi tại khán giả?
Không thất vọng sao được bởi trong khi nhiều người không chịu đựng nổi những bộ phim được làm quá cẩu thả, nhếch nhác thì không ít khán giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua một tiếng cười rẻ rúng, dễ dãi. Trong số 4 bộ phim chiếu Tết 2012 thì “Hello Cô Ba” bị đánh giá là nhảm nhất, lại về đích sớm nhất trong cuộc đua doanh thu. “Cưới ngay kẻo lỡ”, một phim hài có nhiều cảnh thô tục, phản cảm cũng mang lại số tiền vé ngang ngửa bom tấn Avengers vào dịp 30/4. Và gần đây nhất là “Nàng men chàng bóng”, mặc dù bị báo chí “ném đá” không thương tiếc, vẫn trụ rạp sau gần 3 tuần công chiếu! Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn phân tích: “Đừng đổ lỗi hết cho nhà sản xuất. Bởi vì khán giả thích ‘ăn’ thế nào thì họ cung cấp ‘món’ đó. Và cứ thế, mỗi lần tăng thêm một chút”. Đúng là một phần lỗi nằm ở khán giả thật, nhưng điều nguy hiểm hơn là rất nhiều nhà làm phim vin vào doanh số để mà tự hòa. Họ thách thức những phê bình của báo chí, cho điều đó chẳng khác nào “bới lông tìm vết”, bởi phim của họ vẫn đáp ứng đông đảo khán giả!
Và như thế, thước đo doanh thu đã không phản ánh đúng chất lượng khi chính các “thượng đế” chưa được trang bị một chuẩn mực nghệ thuật nhất định, cổ súy cho tất cả những chiêu trò. Còn những người hiểu biết chỉ có thể phản ứng bằng cách quay lưng, đoạn tuyệt với điện ảnh Việt và tìm đến với phim ngoại. Dù rằng cách làm đó có phần tiêu cực, nhưng nếu nhà sản xuất chỉ lo chạy theo sở thích hời hợt của một bộ phấn khán giả bình dân thì rõ ràng giới trí thứ chẳng thể làm gì hơn, bởi làm gì có phim nào tử tế dành cho họ. Rốt cuộc, hậu quả nhãn tiền là trình độ thưởng thức điện ảnh của công chúng sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới, trong khi các “đạo diễn bạc tỉ” vẫn ảo tưởng về năng lực của mình, còn nhà sản xuất, nhà phát hành thì hoan hỉ với túi tiền rủng rỉnh. Nền điện ảnh Việt Nam sẽ chỉ là một “đống rác thải” không có lấy một điểm sáng để khoe với bè bạn quốc tế.
Cần lắm những nhà đầu tư có đạo đức nghề nghiệp để kéo lại cả một guồng máy đang bên bờ vực. Cần lắm những người biết cân bằng giữa kinh doanh và nghệ thuật. Cần lắm những bộ phim được làm một cách tâm huyết và tinh tế như Chạm để giữ lại lòng tin của các khán giả nghiêm túc. Và thêm vào đó là một chút hy vọng vào những tác phẩm được đầu tư một cách nghiêm túc trong thời gian tới như “Lấy chồng người ta” (Lưu Huỳnh), “Scandal” (Victor Vũ), “Bước khẽ tới hạnh phúc” (Lưu Trọng Ninh), “Nước” (Nguyễn Võ Nghiêm Minh)…
Cảnh trong phim “Nàng men chàng bóng’ |
Bài: Kim Vân
Theo Sành điệu