Cần để chi tiêu cá nhân
Bạn bè ai cũng có tiền tiêu vặt trong khi trẻ không có. Nhìn con lủi thủi trong đám bạn, không dám ăn hàng quán, uông nước khi khát, vợ chồng chị Hải Nguyên (Q3, Tp,HCM) chợt thấy băn khoăn trong lòng. Con trai chị đang ở độ tuổi phát triển tâm lý, những bức xúc nhỏ khi không có tiền xài như đám bạn khiến cậu đôi khi nổi quạu với ba mẹ. Chị cũng muốn dúi cho con tiền nhưng anh lại ngăn cản, sợ con hư, có tiền sinh ra tụ tập, phá phách. Việc cho con xài tiền hay không trở thành vấn đề nóng trong nhà.
Chị chỉ nghĩ đơn giản, con trai đã 12 tuổi, cậu đã có những mối quan hệ nhỏ, những nhu cầu nhỏ, và vì thế số tiền nho nhỏ cho cậu cũng là điều chính yếu. Quan trọng là cách chị hướng dẫn con xài tiền và dạy con biết quý trọng đồng tiền như thế nào. Sau nhiều lần thỏa hiệp, cuối cùng vợ chồng chị cũng thống nhất hàng ngày cho con trai 10.000 đồng tiền xài cá nhân. Số tiền vừa đủ để cậu vun vén cho sinh hoạt hàng ngày của mình.
Bạn đừng khắt khe với suy nghĩ cho trẻ tiền tiêu vặt sẽ khiến con hư. Trái lại, đó là cách để trẻ học về chi tiêu, quản lý và tự lập khi có tiền. Tùy vào tính cách của trẻ mà có thể cho con tiền tiêu vặt sớm hay muộn, nhưng theo các chuyên gia tâm lý, thời điểm tốt nhất để cho con tiêu tiền là khi trẻ học cấp 2. Đây là thời điểm trẻ đã cần phải tự chi tiêu nhiều khoản cho cá nhân và cũng là lúc trẻ đã hiểu giá trị của đồng tiền nhiều hơn.
Biết quý trọng đồng tiền
Nếu cho con một khoản tiền tiêu vặt định kỳ hàng tuần, con bạn có thể tiết kiệm để mua những thứ thật sự cần, được học cách quản lý tiền và lập kế hoạch chi tiêu. Với việc có một khoản tiền cố định, trẻ sẽ tự xoay xở trong số tiền đó và nếu thích mua món đồ nào đó nhiều tiền hơn, trẻ sẽ học cách tích lũy, tiết kiệm tiền dành dụm…
Đừng tạo cho con suy nghĩ cứ xin tiền, sẽ có tiền. Tiền kiếm không dễ dàng. Vì thế, nếu được hãy dạy con bạn những bài học “được – cho” để bé quý trọng đồng tiền. Khi trẻ làm việc nhà như lau dọn phòng, làm bếp, gấp quần áo… bạn có thể thưởng cho con để trẻ biết rằng muốn có tiền phải lao động, tiền không phải là chiếc lá hai bao nhiêu trên cây cũng được. Tuy nhiên, việc áp dụng “được – cho” này nên có giới hạn vì dễ làm trẻ có suy nghĩ lệch lạc rằng bạn phải trả công khi trẻ làm việc nhà.
Quan trọng hơn hết, bạn hướng con đến việc tiết kiệm tiền. Một món đồ nhiều tiền hôm nay chưa mua được, trẻ phải học cách chi tiêu tích lũy để có tiền mua nó. Tính toán khéo léo là kỹ năng sống cần thiết không chỉ trong cách xài tiền mà còn rất đáng quý trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Gia đình trẻ