Xe máy Tàu cũng như xe máy Nhật?
Nhiều bạn đọc đồng tình với quyết định của một số địa phương vì “không thể né tránh thực tế về chất lượng đào tạo tại chức”: từ thi đầu vào đến kiểm tra trong quá trình học còn hình thức, thời gian học ít ỏi lại hay nảy sinh tiêu cực, dẫn đến chất lượng đầu ra không đảm bảo, khó đáp ứng yêu cầu “quan phải có trình độ cao hơn dân”.
So với thời gian và công sức mà người học phải bỏ ra để có bằng ĐH chính quy thì thực sự có một khoảng cách lớn về mức độ tin cậy của hai tấm bằng. Do đó, độc giả Hoang Ngoc Tuy (ngoctuy@…) nhận định “nói chính quy, tại chức giá trị như nhau thì khác gì nói xe máy Nhật và xe máy Tàu như nhau”.
Lưu ý thực tiễn “xã hội đánh giá thấp tại chức hẳn có lý do”, độc giả Hà Châu (hachau@…) nhắc Bộ Nội vụ rằng người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền chọn người có năng lực thực sự để làm việc. “Mệnh lệnh hành chính không thể can thiệp được vào sinh mệnh của các tổ chức”, độc giả này viết.
Theo nhiều độc giả, tuyển dụng công chức cũng cần theo quy luật thị trường, không thể trách người sử dụng lao động nếu họ ưu tiên chọn lựa những “thương hiệu” cho đầu vào.
Độc giả thanhbinh (thanhbinh@…) còn ví von: “Khi mua hàng người ta thường quan tâm đến hãng sản xuất, made in Japan, Korea, hay USA, UK…, cho dù có những hàng thương hiệu tốt nhưng cũng bị lỗi”.
Theo độc giả Anh (6064099@…), việc ưu tiên người tốt nghiệp ĐH chính quy cũng là để trẻ hóa đội ngũ công chức: “Học chính quy là lứa tuổi rất trẻ, học tại chức thì thường độ tuổi cao hơn. Đã mất công đào tạo thì hãy đào tạo lớp trẻ để sử dụng lâu dài”.
Tuyển công chức là tìm người có năng lực phục vụ đất nước.
Ảnh minh họa: Bình Minh
Cái bằng không có tội
Cũng có một số lượng độc giả không nhỏ phản đối sự “ruồng bỏ, tẩy chay, miệt thị” của các địa phương với người học tại chức.
“Nhiều người có năng lực nhưng nhà nghèo, phải vừa học vừa làm”, độc giả Trang Nhung (boiquyen058@…) viết. “Làm vậy không phải là cắt đứt hi vọng vào Nhà nước của những người có năng lực sao?”
“Không phải ai cũng có điều kiện học hành, họ phải bôn ba cuộc sống, làm công nhân, rồi dành dụm mới có điều kiện thực hiện mơ ước của mình, họ có ý chí, khát khao, cần được tôn trọng”, độc giả Hiếu (x_menofvn@…) cũng chỉ ra.
Chính vì vậy, “cái bằng không có tội”, độc giả Tu Yen (nguyentuyenvn74@…) khẳng định. “Nhà nước khuyến khích ‘học tập suốt đời’ mà hình thức thì phải hết sức phong phú như tự học, học ở nhà, từ xa, du học, liên kết…, miễn là phù hợp với nhu cầu. Quyết tâm học hành nghiêm túc của người học mới quan trọng chứ không phải cái bằng”, độc giả này viết.
Đồng tình nhận định này, độc giả Hiếu nêu: “Nhiều người có bằng cấp chính quy đàng hoàng, loại khá trở lên, nhưng khi vào thực tế công việc họ lại là con số 0, trong khi công nhân làm thực tế nhiều nên họ làm nhoay nhoáy, đặc biệt với những công việc phải nắm rõ nguyên lý hoạt động thì mới làm được”.
Chia sẻ quan điểm “tuyển công chức là tìm người có năng lực phục vụ đất nước chứ không phải tìm bằng chính quy”, nhiều độc giả thậm chí còn thẳng thắn chỉ ra việc từ chối bằng tại chức là “thể hiện sự ‘yếu kém’ của các nhà tuyển dụng.
Độc giả nt du băn khoăn: “Phải chăng những người lựa chọn kém khả năng nên không dám đối diện với rủi ro khi phỏng vấn những cử nhân tại chức, đồng nghĩa với việc bó hẹp phạm vi tuyển dụng nhân tài?”. Độc giả nghia tran (nghiatd.hnu@…) thì khẳng định: “Chỉ những người không đủ năng lực tuyển dụng mới săm soi loại hình bằng cấp”.
Độc giả Nguyễn Luyên (luyenqptb@…) cho rằng: “Một nhà tuyển dụng giỏi sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho mọi người, nhưng để ‘lọc’ được người tài thì cần một đề thi có tính ‘khoa học’, ‘chọn lọc’, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức thực sự, có tư duy tốt mới có thể vượt qua, chứ không phải kiểu thi công chức với các nội dung chỉ cần chịu khó học thuộc như hiện nay”.
Thi trước, nhìn bằng sau
Độc giả Trần Phước (tpnam08@…) cũng thấy “để công bằng trong tuyển dụng, không thể chỉ dựa vào kết quả của nội dung thi công chức với vài ba môn có khi không liên quan gì đến chuyên môn nghiệp vụ”.
Độc giả Vũ Văn Minh (vuminh1082@…) thì hiến kế “làm như các công tư nước ngoài”: Khi tuyển dụng nhân sự đừng nhìn vào bằng cấp, hãy nhìn vào năng lực thật sự.
“Tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ, nhưng khi xin vào các công ty nước ngoài, họ tạm gác bằng cấp sang một bên, phải tuân thủ quy trình tuyển dụng của họ, nếu vượt qua hết thì họ tuyển, sau đó mới xem đến bằng cấp”, độc giả này chia sẻ và cho biết ĐH Sư hạm Kỹ thuật TP.HCM đã áp dụng một quy trình tuyển dụng khắt khe và công bằng: tiếp nhận hồ sơ -> kiểm tra IQ -> kiểm tra ngoại ngữ -> giảng thử – vượt qua hết thì được tuyển làm giảng viên.
Kể cả với các công chức, độc giả Lê Văn Hiền (vanhien1962@…) góp ý, cũng cần được liên tục đánh giá: 3-5 năm một lần phải thi theo các đề thi đại học chính quy, nếu trượt thì hạ lương hoặc cho nghỉ việc theo thỏa thuận trước khi được tuyển dụng.