Kỳ họp thứ 6 (khóa VIII) HĐND TP.HCM khai mạc sáng 4/10, với chuyên đề “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị” sẽ tập trung thảo luận về quy hoạch đô thị, đền bù, giải tỏa đất, tái định cư… Đặc biệt, nội dung được quan tâm nhất là kỳ họp sẽ mổ xẻ những dự án “treo” nhiều năm trên địa bàn thành phố.
“Treo” hơn 20 năm
Con hẻm 383 Bình Quới (thuộc khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) dẫn vào nhà bà Lê Thị Lâm (60 tuổi) nhếch nhác, nước ngập tràn lên đến tận sân nhà, bùn đất lênh láng. Khi thấy những người lạ vào con hẻm này, những đứa trẻ chơi giữa đường liền dùng chân hất nước vào họ và cười tinh nghịch.
“Chúng nó thể hiện thái độ thích thú đấy vì rất hiếm khi có người lạ vào con hẻm này”, bà Lâm giải thích hành động của tụi trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh bên ngôi nhà cũ kỹ của nhiều thế hệ gia đình sống ở đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh bên ngôi nhà cũ kỹ của nhiều thế hệ gia đình sống ở đây.
Con hẻm này có hơn chục hộ gia đình sinh sống, trong đó có 6 hộ là cùng huyết thống đã sống ở đây gần 57 năm. Do các hộ này không có giấy tờ chủ quyền nhà, đất nên nhiều lần họ xin xây nhà, sửa nhà, làm đường… đều không được chấp thuận vì “vướng vào quy hoạch”.
Cũng nằm trong dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, chạy dọc con đường Bình Quới đến gần khu bờ sông, nhiều hộ dân còn khốn khổ vì có đất, có nhà nhưng bán không ai mua, thế chấp cũng không được… Lý do là đất, nhà của họ nằm trong khu quy hoạch.
Ngôi nhà nhỏ bằng tôn bà Nguyễn Thị Thanh làm tạm bợ để cho thuê.
Bà Thanh cho biết, năm 1992, người dân P.28 vui mừng khi UBND TP.HCM thông báo khu đất Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch thành “Khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí” của thành phố. Tuy nhiên, dự án này bị treo 12 sau đó. Đến năm 2004, người dân lại mừng vui khôn xiết khi hay tin UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng công ty xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
“Đến giữa năm 2007, chủ đầu tư bắt đầu tìm đối tác để thực hiện thì bất ngờ UBND TP.HCM lại ra thông báo thay đổi chủ trương là phải tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư cho dự án này. Sau đó, mọi chuyện gần như án binh bất động”, người đàn bà này giải thích độ ì ạch của dự án.
Dự án “treo” quá lâu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân khiến họ bức xúc. “Đã quy hoạch rồi thì phải cho dân biết khi nào làm? Làm thì khi nào xong? Nếu không làm thì phải giải tỏa cho người dân làm ăn”, bà Thanh nói.
Mong muốn lớn nhất của bà Thanh là xây dựng một dãy nhà trọ nhưng suốt hàng chục năm nay ý nguyện của bà không thể thực hiện vì vướng quy hoạch. Do cần tiền để sống, bà làm liều cất một ngôi nhà nhỏ bằng tôn để cho thuê trọ. “Đó là cách tốt nhất để kiếm tiền. Tôi đã lên ngân hàng thế chấp nhà nhưng không được họ đồng ý. Bán nhà cũng chẳng ai mua. Khổ trăm bề”, bà Thanh than thở.
Đứa trẻ chơi đùa dưới nước ở con hẻm 383 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh)
Điều đáng nói, năm 2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi dự án từ chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn và khẳng định, người sử dụng đất trong khu vực được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
Tuy nhiên, chưa hết mừng thì các hộ dân trong khu vực này thất vọng vì mặc dù thành phố đã xóa dự án “treo” nhưng lại vẫn còn là quy hoạch là Khu đô thị sinh thái. Vì vậy, chỉ khoảng 1.200 hồ sơ nhà, đất sử dụng trước năm 1992 (thời điểm công bố quy hoạch) đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền. Số còn lại không có giấy tờ chủ quyền nhà, đất vẫn phải chịu cảnh không được cắt đất xây nhà, sữa chữa…
Gần 30 dự án, quy hoạch “treo”
Ngoài khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn gần 30 dự án, quy hoạch “treo” gây bức xúc cho người dân. Điển hình như đồ án quy hoạch ở khu phố 8, ấp Doi (P.15, Q.Gò Vấp) để làm khu cây xanh. Dến nay đã hơn 14 năm nhưng đồ án này vẫn chưa có đồ án quy hoạch 1/2.000.
Tại quận 8, hiện có nhiều dự án được phê duyệt từ lâu nhưng không có kinh phí thực hiện nên vẫn “dậm chân tại chỗ” như khu tái định cư và công viên văn hóa phía bắc đường Tạ Quang Bửu (P.4), khu D-E Phú Mỹ Hưng (P.7), quy hoạch các công viên cây xanh dọc kênh Đôi…
Tại quận Bình Thạnh, có quy hoạch kéo dài 20 năm vẫn “treo” như Khu đô thị thanh niên Văn Thánh, dự án khu nhà ở ven sông Sài Gòn (P.25), dự án bắc Đinh Bộ Lĩnh và dự án dọc trục Đinh Bộ Lĩnh (P.26)…
Theo nhiều đại biểu HĐND TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo là do chưa đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa người dân – chính quyền và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng và quá trình lập quy hoạch chưa tính được tính khả thi.
Đại biểu Lâm Đình Chiến đề nghị hai giải pháp. Thứ nhất là cần rà soát lại các dự án, quy hoạch “treo”, dự án nào đã giao trong vòng 12 tháng mà không làm mà do nguyên nhân chủ quan thì phải thu hồi lại. Thứ hai, khi giao dự án thành phố phải yêu cầu các bên liên quan cam kết thời gian và có phương án thực hiện khả thi. Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng đề nghị thành phố công khai trên địa bàn có bao nhiêu dự án “treo” và “treo” trong thời gian bao lâu?
Theo VEF