“Tạm biệt” rối loạn kinh nguyệt

Hầu như chị em phụ nữ nào cũng đã từng gặp phải các vấn đề về rối loạn kinh nguyệt ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh để có hướng giải quyết đúng đắn và kịp thời.

Đa dạng nguyên nhân

Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến phụ nữ từ độ tuổi sinh sản đến trung niên hoặc mãn kinh. Những vấn đề dễ nhận biết nhất là đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, hội chứng tiền kinh nguyệt… Mỗi biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt thường đem đến cho phụ nữ những phiền toái nhất định trong cuộc sống, nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố, bệnh lý và lối sống không lành mạnh gây ra.

– Đau bụng kinh: Đau bụng kinh xảy ra do sự co thắt của tử cung. Chính prostaglandin – một hoạt chất giống như hormone do các tế bào niêm mạc tử cung sản sinh và tuần hoàn trong máu là thủ phạm gây ra sự co thắt này.

 

– Kinh nguyệt không đều: Được biểu hiện ở từng giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của phụ nữ, từ lần đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt tới thời kỳ tiền mãn kinh (40-50 tuổi). Nguyên nhân chủ yếu là do trứng không rụng thường xuyên, cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc không đủ estrogen, progesterone. Tuy nhiên, có thể còn do biểu hiện của một số bệnh lý như: tuyến giáp gặp vấn đề, rối loạn đông máu, u xơ tử cung, thai ngoài tử cung…

– Vô kinh: Vô kinh được chia ra làm 3 loại với những nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Vô kinh nguyên phát có thể là do dị tật sinh dục bẩm sinh như: không có tử cung, không có âm đạo, buồng trứng không phát triển, màng trinh bịt kín. Còn suy buồng trứng sớm, dính buồng tử cung sau nạo hút thai, rối loạn nội tiết, stress, tập thể dục quá sức, sụt cân đột ngột làm ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể sẽ dẫn đến vô kinh thứ phát. Vô kinh sinh lý là tình trạng mãn kinh khi buồng trứng đã ngưng hoạt động.

– Hội chứng tiền kinh nguyệt: Là những thay đổi về sinh lý và cảm xúc xuất hiện khoảng 5-7 ngày trước khi có kinh. Biểu hiện thường thấy là đầy hơi, đau ngực, mệt mỏi, tay chân vụng về, dễ nổi giận, tâm trạng thất thường, mất tập trung… Nguyên nhân chủ yếu là do sự mất cân bằng hormone trong cơ thể trước ngày hành kinh và một số tác nhân như thiếu vitamin, ăn quá mặn hay uống rượu bia, cà phê.

Cần chủ động đối phó

Rối loạn kinh nguyệt thường gây khó khăn cho việc thụ thai và gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ. Đó cũng là giai đoạn nhạy cảm của cơ thể vì vi khuẩn dễ dàng tấn công gây ra các bệnh viêm nhiễm “vùng kín” như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng… Vì vậy, người bệnh phải chủ động phát hiện bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh để có hướng khắc phục kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Cách thông thường nhất có thể giúp các chị em sớm phát hiện những bất thường về cơ quan sinh dục, rối loạn nội tiết tố hay biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt là đi khám phụ khoa định kỳ (1 lần/ năm nếu chưa lập gia đình). Bên cạnh đó, khám phụ khoa định kỳ còn giúp phụ nữ tầm soát được những nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm do rối loạn kinh nguyệt gây ra. Ngoài ra, bạn có thể chủ động phòng tránh rối loạn kinh nguyệt bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh, ăn ngủ đầy đủ, đúng giờ, chăm tập thể dục và thư giãn để giảm stress…

Bên cạnh đó, bạn còn có thể dùng thêm sản phẩm được chiết xuất từ các loại thảo dược như: cam thảo, hương phụ, trần bì, thục địa… để giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.

Theo Gia đình


From the same category