Chỉ tại quảng cáo?

– Vụ chỉnh nha chỉnh nheo của chị đã xử lý chưa? Chọn địa chỉ nào cho cẩn thận đấy nhé, đã nghe vụ phòng khám Maria chưa?

– À, nhà này được cái “đa nghi như Tào Tháo” nên tới giờ vẫn chưa thấy tin ai. Đi bác sĩ tư vấn thì đi rồi, nhưng vẫn lăn tăn… nên mất hai năm rồi mà vẫn chưa quyết được vụ răng. May mà đây không phải là bệnh, lại càng không phải là bệnh chết người!

Công nhận giờ đi khám ngại nhỉ? Vào bệnh viện công thì dài cổ xếp hàng, lớ nga lớ ngớ còn bị bác sĩ mắng, đưa phòng bì để mua thái độ thì thấy nhục và ức… Mà vào phòng khám tư, được thái độ, tiết kiệm thời gian thì lại tốn tiền, thêm mấy vụ chết oan như vừa qua, sợ quá…  

– Thế chị tưởng bệnh viện công thì an toàn chắc? Một loạt vụ sản phụ tử vong vừa qua (vì nhiều lý do) không ở bệnh viện công đấy là gì? Đúng là sởn hết gai ốc! Đành chỉ biết tự an ủi: Hay vì thời nay, báo chí cập nhật nhanh quá nên chuyện gì cũng đến tai mình? Chứ có nhẽ nào y học càng ngày càng phát triển, càng hiện đại, thì cớ gì tỷ lệ tai biến sản khoa một vài năm gần đây lại cao hơn thời trước?

– Di “béo” (đạo diễn Phan Đăng Di) cũng từng nói với “Café sáng”: Biết đâu được là ngày xưa cũng có nhiều ca chết vì ung thư lắm nhưng lại bị coi là không rõ nguyên nhân và báo chí… không đưa tin nên ta cứ tưởng ít mà thôi!

– Dám lắm! Chẳng hạn như hai món mà tôi rất thích nhưng giờ không dám ăn là dưa muối và tương vì thấy bảo đều dễ gây ung thư, mà ngày xưa đó lại là hai món chủ lực trên bàn cơm của các cụ kỵ nhà mình. Có ai thống kê và kiểm tra xem các cụ ngày ấy có bị ung thư nhiều như con cháu bây giờ không?

– Thống kê thì chưa, nhưng ngày xưa ít nhất cũng không có chuyện bác sĩ vòi phong bì và bệnh viện quá tải.

– Phong bì sinh ra khi người ta… thừa tiền và đã quen với việc quy ra tiền mà thôi! Còn ngày xưa, tại sao thầy đồ, thầy lang trong cộng đồng làng xã lại hay được hưởng những đặc ân hơn hẳn người thường? “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi thân”! Con gà quả trứng, cân nếp ngon đều biếu thầy đồ hay thầy lang, vậy thử hỏi đấy có là một dạng phong bì không?

– Bộ có người nhà là bác sĩ hay sao mà “xả thân cứu… bác sĩ” vậy?

– Không phải, mà chỉ đơn giản là vì tôi không tin bác sĩ ngày xưa lại hiền hơn bây giờ. Có chăng là bây giờ mọi thứ đều đang phức tạp lên thôi! Đừng bắt lương y phải như từ mẫu khi mà người nhà bệnh nhân cầm dao rượt đâm bác sĩ. Một ngày một bác sĩ tuyến trên có khi phải tiếp đến cả trăm bệnh nhân, ngày này qua ngày khác. Nếu ở vào hoàn cảnh đó, liệu chị có cười được với cả trăm người một nụ cười “từ mẫu” hay không? Chị nói thật đi, chị có cười cả ngày với con chị hay không? Hay cũng có lúc phát cáu? Mà đấy là chị mới có hai con đấy nhé! Thử chăm cả một đàn con xem! Chị có cười được không khi chị vắt kiệt sức mình ở chỗ toàn người đau ốm với một đồng lương không đủ nuôi thân (nếu như không có… phong bì, hay đi làm thêm ở phòng khám tư)?

– Tin yêu bác sĩ thế mà sao hai năm rồi vẫn chưa quyết được vụ chỉnh nha?

– Không, thật ra tôi cũng là người sợ bệnh viện, một phần vì tôi nhát, một phần vì ám ảnh. Nhưng thực sự tôi lại xúc động với một thông tin đọc được đâu đó, rằng các bác sĩ làm việc trong môi trường bệnh viện, trong phòng mổ, do thường tiếp xúc với kháng sinh quá nhiều nên họ bị chai. Vì thế, nếu mắc bệnh, họ phải dùng liều rất cao so với người thường. Chị nghĩ sao? Bác sĩ có sướng không, để mà… bị ghét đến thế?

– Hai năm không đi bệnh viện chả trách… vẫn yêu bác sĩ! Đấy, hôm nọ, đưa con sốt hơn 40 độ vào B.M cấp cứu, lúc sau lại thấy hai ca nhập viện vì say nắng, vậy mà gọi mãi không thấy bác sĩ ra, liếc vào phòng hóa ra… bác sĩ đang ăn trưa và ngồi tán chuyện. Đành phải tha con đến phòng khám tư giữa trưa nắng…

– Đồng ý, chuyện đó đúng là không thể chấp nhận được, nhất là lại ở một khoa cấp cứu của một bệnh viện lớn nằm ngay giữa Thủ đô! Nhưng còn biết bao chuyện còn đáng buồn hơn thế. Đó là một dạo, mỗi khi đi công tác vùng Tây Nguyên, tôi rất hay thấy những chiếc xe cấp cứu chạy ngược chiều. Nhiều chiếc đang chạy về hướng thành phố thì dừng lại quay đầu chạy về Tây Nguyên. Chị biết sao không? Đó là bởi vì bệnh nhân đã chết trước khi đến được bệnh viện cấp thành phố. Dân mình vốn thế, bao giờ cũng muốn đến chỗ tốt nhất và chẳng bao giờ tin bệnh viện cấp thấp có lẽ bởi “Bụt chùa nhà không thiêng”…

– Thì đương nhiên, dù sao vẫn phải hy vọng nhiều hơn vào bệnh viện tuyến trên chứ?

– Tất nhiên không thể phủ nhận việc bệnh viện tuyến dưới của mình còn thiếu thốn về máy móc hoặc bác sĩ giỏi. Nhưng cứ thử hình dung, bệnh nhẹ cũng tuyến trên. Bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu để yên bệnh nhân điều trị, thì người nhà cũng muốn chở lên tuyến trên cho… lành. Rồi một người bệnh, cả nhà đi theo, ngồi đầy ở sân bệnh viện chầu chực, khi cần thì xông vào đe dọa bác sĩ. Tôi thực sự thấy sợ những câu chuyện đó hơn…

– Nhưng với câu chuyện vừa xảy ra ở phòng khám “chặt chém” Maria, thì nguyên nhân rõ ràng đâu phải là do quá tải! Lỗi một phần không nhỏ, biết đâu là do quảng cáo?

– Dĩ nhiên không ai có thể dí dao vào cổ bắt chị rẽ vào phòng khám này hay phòng khám kia, nhưng đúng là có một thứ “quyền lực mềm” chi phối không nhỏ đến quyết định lựa chọn dịch vụ của bạn, đó chính là quảng cáo. Bây giờ, bệnh trĩ… leo lên giờ vàng tivi, vào giờ cơm, la hét gợi ý om sòm… Mà không tin ti vi thì… tin ai bây giờ? Thử hỏi, ngày nào tivi cũng ra rả khuyên răn dùng cái nọ, uống thứ kia để tăng cường sinh lực. Một người uống mà có tới hai người… vui thì ai chẳng muốn.

– Vậy, tốt nhất là nhắm mắt, bịt tai, cho lành? 

– Bịt những lỗ hổng trong ngành y tế và pháp lệnh quảng cáo là tốt nhất! Mình vòng quanh thế này: Nếu bệnh viện công tốt từ tuyến dưới thì tuyến trên không quá tải => bác sĩ đỡ cáu gắt => bệnh nhân đỡ ngại bệnh viện công. Bệnh viện tư lập ra cho những người có tiền nhưng nếu như được giám sát, kiểm tra thường xuyên thì cũng đâu đến nỗi… chỉ tại quảng cáo!

– Tình hình nghe chừng bi quan nhỉ, dù tin yêu hay hết tin yêu?

– Bi quan là thế nào? Khi tôi nghe tin Bộ trưởng Bộ Y tế nước mình là một phụ nữ, thực tình tôi thấy hy vọng lắm! Vì đàn bà vốn hay tỉ mẩn, kỹ lưỡng, lại giàu lòng trắc ẩn, chắc chắn vấn đề y đức (như chị nói) sẽ được cải thiện ít nhiều. Ít nhất là cho sản khoa, vốn là khoa mà đàn bà gần như dính vào suốt cuộc đời. Thì tôi vẫn phải hy vọng tiếp thôi, đúng không chị?


From the same category