"Chủ" giật mình vì được... xin lỗi - Tạp chí Đẹp

“Chủ” giật mình vì được… xin lỗi

Tin Tức
1.Thanh lịch hay không thanh lịch, đó là vấn đề!

Và vấn đề sự thanh lịch của người Hà thành mới đây đã được đẩy lên thành một cuộc tranh cãi tưởng chừng mang tính sống còn trên mặt báo, xét về độ kém thanh lịch của nó. Có nhiều thứ được đem mổ xẻ, nhưng mấu chốt vẫn là chuyện tỉnh lẻ và “gốc” Hà Nội, ai đang làm “hỏng”, làm “bẩn” Thủ đô.

Từ cả ngàn năm nay, chốn Kinh thành – Hà Nội ngày nay – đã là nơi hội tụ của người bốn phương về sinh sống, làm ăn. Còn giờ nhiều người Hà Nội cũng đã tỏa đi muôn phương, vượt ra khỏi cả biên giới đất nước để tìm vùng đất mới. Khắp nơi, người ta đang nói về mong muốn xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia – chứ không chỉ các địa phương.

Ấy thế mà, giữa một ngày không giông chẳng bão, lắm người đâm ra phải lăn tăn, bực mình, rồi thậm chí “nổi đóa” trước một cuộc chiến bỗng dưng được xới lên. Xem cái cách hăm hở tranh luận của các bên (trên báo chí) thì cứ như thể cả thành phố này thực sự đang sôi sục vì vấn đề ai làm hỏng ai vậy.

Nói đến đây mới nhớ, nhờ phần công không nhỏ của báo chí, gần đây quan hệ trong gia đình cũng đang dần được hình dung thành quan hệ đối đầu giữa các “thế lực” như mẹ chồng – nàng dâu, chồng – vợ, họ nhà chồng – họ nhà vợ, và “mốt” mới nhất là con dâu – bố chồng, chị gái – em gái.

Không phải ư? Nếu vậy sao chẳng mấy ngày trên báo chí lại vắng các kiểu “tin tức” như bố chồng canh cả “chuyện ấy” của con dâu, rồi con dâu tơ tưởng bố chồng… Chị em gái chẳng phải là tình địch thì sao, khi mà trên báo chí thiếu gì chuyện em gái cướp chồng chị. Cứ theo đà đó, khỏi cần bước chân ra khỏi cửa, ở trong nhà đã đủ khiến chúng ta thấy đâu đâu cũng có “địch” rồi!

Trở lại “cuộc chiến chốn kinh thành” mà nhiều người không khỏi hoài nghi nó là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của một vài phóng viên nào đó. Dẫu sao, có thực hay không, nó cũng chỉ đủ khiến “chuốc bực mình một vài trống canh”. Đầu óc kỳ thị tỉnh lẻ, thành thị của một số cá nhân, dù đáng chê trách, có lẽ cũng chưa đủ gây nguy hiểm.

Nhưng nếu sự phân biệt đó tồn tại trong chính những người lãnh đạo thành phố, thì lại khác. Một bài báo đã gọi đó là lối tư duy “tuyển hàng” khi đề cập đến việc dự thảo luật Thủ đô muốn “tuyển” công dân phải là những người “có việc làm hợp pháp hoặc có thu nhập ổn định”, và quan trọng nhất là phải có nhà ở nếu muốn đăng ký thường trú nội thành. “Xin đừng đổ tại dân nhập cư, mà hãy soi lại chính quyền các cấp, họ đã làm gì? Làm như thế nào? Chính sự buông lỏng quản lý của chính quyền mà gây ra sự lộn xộn ở các thành phố”, bài báo bình luận.

 

Tháp Rùa soi bóng Hồ Gươm

2.”Thấm” cái sự lộn xộn đó nhất chắc phải kể đến những sĩ tử và người nhà hàng năm lại lai kinh ứng thí đại học. Đã là cuộc thi định kỳ, nhưng không năm nào người ta không phải nghe bài ca muôn thuở về Hà Nội mùa chặt chém.

Sau một chặng đường dài gian nan, vừa đặt chân xuống đất kinh kỳ, cứ như cả thiên la địa võng đang chầu chực chờ sĩ tử sa vào. Thuê nhà “chém” đằng thuê nhà, ăn “chém” đằng ăn, uống “chém” đằng uống, rồi lừa đảo trộm tiền, v.v… Không ít người “khi đi trai tráng khi về bủng beo” mang theo những ấn tượng hãi hùng về Thủ đô.

Nhưng sẽ là phiến diện nếu nói đó là tất cả những gì về Hà Nội. Vì ở Thủ đô, hay bất kỳ nơi đâu, thì vẫn luôn tồn tại rất nhiều những tấm lòng “thơm thảo với người dưng”, như cách gọi của một tờ báo. Giữa rất nhiều người chỉ chực giơ “đao kiếm” chặt chém, vẫn không ít những người sẵn sàng mở rộng cửa cưu mang, giúp đỡ ai gặp khó khăn.

Chỉ có điều, lòng tốt thực sự, từ trong bản chất của nó là không ồn ào. Lòng tốt không phải là thứ để người ta trưng lên, để người khác hô hào, tụng ca hay chụp ảnh đăng báo. Tình yêu – tình phụ tử chẳng hạn – giản dị và tự nhiên như nó vốn có, không phải thứ để người ta ầm ĩ muốn tôn lên làm thần tượng, như đối với câu chuyện người cha quạt cho con gái gây xúc động mới đây.

Và có lẽ sự thanh lịch đích thực cũng thế. Khi nhiều người còn mải tranh cãi xem ai văn minh, ai thanh lịch, thì có một ông già suốt 10 năm nay cặm cụi bóc từng tờ giấy quảng cáo dán vô tội vạ lên tường, cột điện dọc một con phố với mong ước Hà Nội của ông đẹp, xanh và sạch hơn. Không mấy ai để ý đến ông, còn không ít người để ý đến thì lại nghĩ ông… dở hơi.

Những sự thanh lịch thầm lặng như vậy, dường như ngày càng trở nên hiếm hoi, và chìm khuất trong cái ồn ào của thành phố. Mấy ai có thể lắng nghe sự yên lặng ấy, khi giờ đây “chém gió” lên ngôi, khi ai cũng nhiệt tình thể hiện cái Tôi, và ngôn từ chợ búa, khiếm nhã đã không chỉ tồn tại trong đời thường mà còn điềm nhiên phủ lên báo chí hàng ngày.

 

Suốt 10 năm, ông lặng lẽ, âm thầm làm xanh, sạch, đẹp thủ đô. Ảnh: Quang Thế/ TTO

3. Một sự thanh lịch khác, cũng có thể coi là hiếm hoi, đủ khiến người dân “giật mình”. Đó là sự thanh lịch của cán bộ công chức (CBCC) Đà Nẵng sau một tháng thành phố ký Quyết định 4503 về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, cán bộ, công chức trễ hẹn xử lý hồ sơ cho dân thì phải xin lỗi dân bằng văn bản.

“Thành phố xác định CBCC nói hai từ xin lỗi là chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa cơ quan nhà nước với dân”, một lãnh đạo thành phố cho biết như vậy. Và kết quả của sự thanh lịch này khiến nhiều cư dân Đà Nẵng từ “ngại, bực mình vì vừa chờ lâu vừa phải thưa gửi mệt lắm”, bất ngờ chuyển sang “hài lòng”, “thoải mái”.

Những ai lâu nay nhiều phen được làm “ông chủ” đi tiếp xúc với “công bộc” tại các cơ quan công quyền hẳn sẽ hiểu được cái bất ngờ của người dân Đà Nẵng khi một ngày được đối xử thanh lịch đến vậy ở một nơi ít chờ đợi. Mới cách đây vài ngày, một tớ báo lại vừa “khởi động” loạt bài – nằm trong vô số loạt bài của các báo – về “thuật hành dân” tại các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Một loạt thủ thuật được tờ báo này nêu ra, nghe chẳng khác nào bí kíp võ công như: Vẽ rắn thêm chân, Cương quyết không ký!, Phải làm cho dân biết sợ, Im lặng là vàng, v.v…

Khi nói về tình trạng bún mắng cháo chửi ở Hà Nội, một nữ diễn viên nổi tiếng gốc Hà thành đã thể hiện thái độ cương quyết: “Ăn mà phải khổ thế thì không bao giờ”. Dĩ nhiên, trong trường hợp này cô có toàn quyền, nhưng trong phần lớn các trường hợp khác, hầu hết chúng ta dù biết sẽ khổ nhục, vẫn chẳng có lựa chọn thứ 2.

Mà đâu chỉ ở các cơ quan hành chính, ngay đến như bệnh viện, nơi người ta trao phó tính mạng vào tay bác sĩ, thì sự thanh lịch cũng quá đỗi hiếm hoi. Hiếm hoi đến nỗi, trong một phóng sự mới đây viết về xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh, có bệnh nhân đã thực lòng bộc bạch lý do anh hướng ngoại. Đó là, dù kết quả chẩn đoán và hướng điều trị ngoại, nội không khác nhau nhiều, nhưng sang bệnh viện ngoại, anh mới thấy mình được là… người. Để được cái cảm giác là người mới tốn kém và xa xôi làm sao!

 

Công khai số điện thoại của chủ tịch và bí thư tại trụ sở phường tại Đà Nẵng để người dân phản ánh khi cần. Ảnh: Hoàng Dũng/ NLĐ

4. Một lời xin lỗi khác, dù rất ít liên quan đến sự thanh lịch, nhưng càng vô cùng hiếm hoi, là lời xin lỗi dân của một nguyên bí thư tỉnh dính líu đến tham nhũng đất đai. Trong phiên tòa hôm cuối tháng 6, thay vì cãi chày cãi cối, với tinh thần “còn nước còn tát” như thường thấy, vị cựu quan chức này đã yêu cầu luật sư dừng biện hộ cho mình và bày tỏ lời xin lỗi đến người dân.

Sau tất cả những tội lỗi ông này đã gây ra, hầu hết mọi người đều thấy một sự sám hối muộn màng như vậy chỉ còn là lời “xin lỗi suông” và chẳng đủ để vãn hồi điều gì. Thế nhưng, ngay cả những lời xin lỗi suông như vậy đến nay vẫn thật hiếm hoi. Phần đa các quan chức “ngã ngựa” khi đứng trước tòa có lẽ vẫn hối hận chủ yếu vì… chẳng còn cơ hội mà hưởng thụ, bòn rút.

Đã làm sai thì phải xin lỗi dù có là vua hay bất cứ ai đi nữa! Câu chuyện trên dường như tình cờ lại gợi đến thông điệp chủ đạo của vở kịch lịch sử Vua thánh triều Lê do IDECAF dựng, sẽ công diễn vào giữa tháng 7. Thông qua tích xưa vua Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi, vở kịch đặt ra những vấn đề mang tính thời đại.

Dù thế, theo thông tin báo chí, vở kịch này sẽ không có suất tham dự Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Đơn giản là bởi “Quy chế của liên hoan quy định về đề tài hiện đại”. Xét theo tiêu chí đó, chuyện xin lỗi hẳn vẫn chưa phải vấn đề thời sự, hay chưa “nóng” – như từ mà báo chí chuộng dùng hiện nay.


Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

15/07/2012, 23:30