Nan giải việc giảm tải cho bệnh viện - Tạp chí Đẹp

Nan giải việc giảm tải cho bệnh viện

Tin Tức

Bộ Y tế đã có cuộc họp với các BV tại TP.HCM để “gỡ” tiếp những gút mắc về giảm tải BV vào hôm nay (9.7).

Quá tải trầm trọng

Tại hội thảo “Tăng cường thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và đề án 1816” (đưa bác sĩ, kỹ thuật về hỗ trợ tuyến dưới) nhằm góp phần giảm tải BV tổ chức sáng 9.7 tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng, phương án giảm tải đã có; song, có giảm được hay không vẫn còn nhiều nan giải.

 

3 – 4 bệnh nhân chia nhau một giường là hiện tượng phổ biến tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Mặc dù thời gian qua, nhiều biện pháp giảm tải bệnh viện đã được triển khai nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng.

Hiện nay, công suất giường bệnh tại các BV thuộc Hà Nội và TP.HCM lên tới 120 – 160%. Đặc biệt, các BV chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi (các BV: K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Ung bướu, Từ Dũ, Nhi đồng 1, 2…) công suất sử dụng giường thậm chí có lúc trên 200%. Tình trạng 2 – 3 người bệnh chung một giường, có lúc 4 người/giường vẫn đang diễn ra phổ biến tại các BV tuyến trung ương, tỉnh, thành.

Theo số liệu của Bộ Y tế, riêng tại TP.HCM, đã có đến hơn 30 triệu bệnh nhân khám, chữa bệnh trong năm 2011.

Tuy nhiên, trong khi các BV tuyến trung ương, thành phố đang quá tải thì nhiều BV tuyến quận, huyện lại chưa sử dụng hết 50% công suất giường bệnh.

Chờ… giảm tải

Trước thực trạng quá tải BV, TP.HCM đã xây dựng phòng khám vệ tinh của các BV chuyên khoa tại các BV quận, huyện. Theo đó, đưa nhân lực, trang thiết bị tuyến trên về khám, chữa bệnh cho người bệnh ngay ở tuyến dưới.

 

Bệnh nhân “đổ mồ hôi hột” chen chúc khám bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM

Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá cả BV quá tải ở tuyến trên lẫn BV còn “trống trải” giường bệnh ở tuyến dưới đều ì ạch, miễn cưỡng thực hiện chứ không mặn mà gì với hình thức này.

Bởi lẽ, BV tuyến trên muốn BV tuyến dưới giao hẳn khoa, phòng BV để lập khoa vệ tinh. Còn BV tuyến dưới thì lại không muốn giao hết.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết: Nếu BV quận, huyện giao toàn bộ BV cho BV Ung bướu làm cơ sở 2 thì chắc chắn BV Ung bướu sẽ giảm tải.

Tuy nhiên, phải chờ cho đến cuối năm 2012, BV Ung Bướu mới chính thức thành lập được khoa vệ tinh tại BV Q.2, với quy mô khoảng 100 – 150 giường bệnh.

Từ năm 2013, BV Ung bướu mới triển khai các BV vệ tinh ngoài tỉnh.

 

Phòng Hồi sức tích cực điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng quá tải

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), để giảm áp lực cho TP.HCM, về lâu dài cần phải nâng cao chất lượng điều trị mạng lưới nhi khoa phía Nam.

Theo kế hoạch thì phải từ năm 2013 – 2017, BV Nhi Đồng 1 mới thực hiện 3 BV vệ tinh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến bao gồm: Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau hoặc Kiên Giang.

Đối với BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết sẽ xây dựng BV vệ tinh tại tuyến Đông Nam bộ (gồm: Đồng Nai, Bình Dương và Vũng Tàu).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để giảm tải tuyến trên, Bộ Y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực khám chữa bệnh, cơ sở vật chất cho tuyến dưới, trước mắt là các chuyên khoa như nội, ngoại, ung thư, sản, nhi.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

09/07/2012, 22:31