Nhiều người lấy làm lạ và ngỡ ngàng, qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết chỉ có 1 xã thôi mà có tới 500 “cán bộ” các loại. Đó là xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân, mà lãnh đạo xã dành cả tiếng đồng hồ để nhẩm tính ra khoảng 500 người tham gia vào công tác quản lý cho xã, thôn. Một số được Nhà nước trả lương, còn phần nhiều nhân dân è cổ “đóng góp” bắt buộc nuôi số “cán bộ” này. Nếu tính theo kiểu cộng dồn thì 11.109 đơn vị cấp xã (số liệu năm 2010) trong đó có 9.011 xã, 1.391 phường và 627 thị trấn thì phải có đến con số hàng triệu “quan lại” cấp xã, thôn.
Chuyện tưởng lạ, nhưng với những người làm công tác tổ chức cán bộ ở huyện, tỉnh và cả trung ương, việc này chẳng có gì lạ. Đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, chỉ là chưa nắm được chính xác đến từng con số cụ thể.
Có 3 vấn đề cần nói đến ở đây là: 1- Số “cán bộ” xã, thôn này làm những việc gì, 2- Ai phải trả công cho họ và 3- Ai cho phép họ được làm và được lấy công.
Ba cây chụm lại nên… còn một cây!
Bộ máy hành chính nhà nước ta được thiết kế chặt chẽ 4 cấp từ trên xuống: Trung ương, Tỉnh, Huyện, Xã. Các tổ chức, đơn vị, bộ phận đều được quy định bởi các văn bản quy phạm và cấp xã, Chính phủ có Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Ảnh minh họa: Dân trí
Đối với xã Quảng Vinh có thể vận dụng các quy định bố trí đến 100 người làm “cán bộ” ở xã, thôn (50 ở xã và 50 ở thôn), thế mà xã lại “sáng tạo” vận dụng để bố trí đến tận 500 người.
Chúng ta có thể suy luận, theo cách nghĩ thông thường là số “cán bộ” đông thế thì chỉ “ăn không ngồi rồi” là chủ yếu hoặc là xúm lại “đè đầu cưỡi cổ” dân lành thôi. Với một xã nghèo như thế thì số “cán bộ” này không thể phát huy tinh thần tập thể để giúp dân, giúp thôn, xã làm ăn tiến tới, ngày càng giầu hơn.
Trong một cuộc Hội thảo về Bộ máy nhà nước ở Viện Quản lý kinh tế trung ương, 6/2011, đã nêu lên vấn đề: “Cơ chế tập thể hiện nay thì cái gì dính đến trách nhiệm sẽ dễ bị đùn đẩy. Giải quyết công việc đều thông qua họp hành, lấy ý kiến tập thể, vì vậy mà họp hành rất nhiều nhưng giải quyết công việc thì chậm và các quyết định thường là quyết định tập thể. Điều này tạo nên một cơ chế cả bộ máy dựa dẫm vào nhau, không rõ ràng”.
Ở đây, chúng ta thấy rõ, nếu “cán bộ” thôn, xã hoạt động phát huy tinh thần tập thể tốt thì phong trào chung sẽ tốt, thì đúng là: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Chỉ e rằng, một số người mượn danh tập thể, dân chủ để mưu cầu lợi ích riêng, thì rõ là: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại chỉ còn một cây”, và tạo ra một nhóm “cường hào ác bá” mới, như một số người hơi ngoa ngôn gọi như thế.
Số người làm việc công thì đông, nhưng việc xã thì vẫn là số cán bộ, công chức chuyên trách đảm trách, số “cán bộ” khác thường thì làm theo phong trào, góp vui, “giây máu ăn phần”, không hiệu quả. Nhiều người có tuổi hay đặt những câu hỏi có tính khập khiễng như là: Ngày xưa, số lượng quan lại ít thế mà công việc vẫn chạy được, chẳng mấy khi phải họp.
“Bầy đàn”
Trong các văn bản quy phạm không có quy định nhiều “cán bộ” thôn, xã tại sao cấp xã cứ tổ chức nhiều “cán bộ” thế. Phải chăng những quy định của trên không đáp ứng được nhu cần thực tế nên cấp xã phải tự tổ chức lại để có đủ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp phát triển thôn, xã và công tác cải cách hành chính?
Phải chăng, cấp xã được sự chỉ đạo của cấp trên qua những cách thức khác nhau để tổ chức đội ngũ cán bộ thôn xã đông đảo?
Dù như thế nào, với con số cán bộ như ở xã Quảng Vinh, cho ta thấy có điều gì đó không ổn trong chỉ đạo, điều hành cấp xã. Không ổn ở sự không thống nhất trong tổ chức cán bộ ở thôn, xã, mỗi nơi một vẻ. Không ổn ở sự chỉ đạo và nắm bắt tình hình thực tế để báo cáo cấp trên có phương án chỉ đạo, giải quyết các vấn đề nhân sự nảy sinh trong thực tế.
Công tác tổ chức cán bộ có quy định, thực hiện theo những nguyên tắc nhất định tạo ra những tập thể, đội ngũ ccán bộ thực thi công vụ. Nếu công tác ttổ chức được thực hiện theo những nhu cầu không thiết thực ở một vài nơi, một vài việc, do một vài người lợi dụng vai trò cá nhân để chỉ đạo thì chắc chắn không tạo ra một đội ngũ tốt mà chỉ nhóm người rời rạc gộp lại kiểu “bầy đàn” như cách nói của các nhà xã hội học.
Thà ít mà tốt!
Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc chất lượng hiệu quả. Đội ngũ cán bộ nói chung cần chọn lọc chất lượng, “Thà ít mà tốt”, sẽ hiệu quả hơn. Nếu cho 3 người làm, mỗi người làm một tý, hưởng một tý, thì nên tư duy lại, để 1 người làm, được hưởng đầy đủ và phải làm cho tốt.
Do vậy, các nhà làm chính sách nên nghiên cứu lại và tổ chức lại bộ máy chính quyền cơ sở theo hướng tinh gọn, chất lượng. nên làm rõ các công tác nào cần người thì bố trí công chức thực hiện công vụ, tránh tình trạng bố trí cán bộ đoàn thể ăn lương, hưởng chế độ theo ngành dọc theo kiểu trên có gì thì cấp dưới cũng như thế.
Thực tế cho thấy bố trí kiểu dọc kém hiệu quả, không có thì thiếu mà có thì thừa, nên gộp các chức danh nếu có thể. Nên tăng tính công quyền cho chính quyền cấp xã, giảm bớt hoặc gộp các vị trí khác nhau và hành chính hóa các vị trí này.
Thứ hai, để làm được việc như trên, từng bước cấp trên phải phân tích rõ vị trí từng công việc ở cấp xã. Các vị trí đều phải có mô tả công việc để biết họ phải làm gì, làm như thế nào, có những điều kiện gì để làm, báo cáo ai, họ phải có những tiêu chuẩn điều kiện gì và họ được hưởng những gì. Có như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo tính chuyên nghiệp cho công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đánh giá được rõ ràng cụ thể. Không cho phép lợi dụng Quy chế dân chủ, lợi dụng các tổ chức quyền lực khác tạo ra những chính sách, quy định riêng để thu, bắt đóng góp nhiều loại phí mà thực ra chẳng khác gì loại “sưu cao thuế nặng”, nặn bóp dân nghèo.
Thứ ba, thực hiện từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Những người nào có đóng góp, nhưng trình độ, năng lực chưa phù hợp thì có chính sách để đảm bảo cho họ được nghỉ và tuyển chọn những người phù hợp vào các vị trí chức danh. Đã đến lúc cần có những hy sinh nhất định để tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở những nơi có điều kiện thực hiện.
Chúng ta đã bước đầu thực hiện có kết quả đề án 600 tri thức trẻ đến công tác tại các xã khó khăn, thì có thể triển khai các đề án khác cho các đối tượng khác ở những vùng thích hợp nhằm tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã. Nếu tiếp tục duy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với gần 40% chưa đủ tiêu chuẩn sẽ là một trở ngại lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước chuyên nghiệp, hiện đại.
Thực hiện thanh tra công vụ thường xuyên. Có những quy định cho phép Thanh tra công vụ được xử lý, ra quyết định có tính pháp lý cao xử lý ngay các vi phạm.
Thực hiện cải cách, đổi mới bao giờ cũng đi với khó khăn, trở ngại, chống đối và găp cả những mất mát nhất định, nhưng chúng ta nhất định làm được. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nhắc nhở và khuyến khích chúng ta trong hoạt động công vụ: “Sau tám mươi năm bị áp bức bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta ngại, chúng ta vừa làm vừa học. Chắc chắn chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm…”
Theo Vietnamnet