Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất của Bảo tàng Louis Finot (xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932). Ảnh: ANTĐ
Tiếp tục mạch bài liên quan đến siêu bảo tàng 11.000 tỉ, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) kiêm Phó trưởng ban xây dựng nội dung và hình thức trưng bày để giải đáp phần nào những thắc mắc của dư luận.
– Dư luận đang rất quan tâm đến việc khi hoàn thành BTLSQG mới với quy mô lớn như vậy thì chúng ta sẽ trưng bày thế nào, bày gì trong bảo tàng và vận hành nó ra sao. Là phó ban trưng bày của BTLSQG, ông có thể giúp giải đáp phần nào những thắc mắc này của công chúng?
– Dự án này đã được khởi động từ năm 2007. Và để chuẩn bị cho công trình xây dựng BTLSQG, rất nhiều nhà khoa học đã được tập hợp.
Trong đó, chúng tôi quan tâm đến 3 lĩnh vực: 1. Làm đồng bộ, tránh những cái như chúng ta đã làm là lo kiến trúc trước, nội dung sau mà phải làm đồng bộ song song giữa phương án thiết kế kiến trúc và phương án thiết kế nội dung trưng bày. 2. Tập trung sưu tầm các tài liệu hiện vật để bổ sung cho nội dung trưng bày phù hợp. 3. Để vận hành 1 công trình lớn như thế thì việc đào tạo đội ngũ cán bộ là vô cùng cần thiết.
Hiện Chính phủ đang cho lập dự án để đưa những cán bộ biết ngoại ngữ của BTLSQG ra nước ngoài đào tạo. Khi BTLSQG hoàn thành Bộ VHTTDL sẽ tiếp quản công trình này từ Bộ XD để đưa vào vận hành, khai thác.
– Vậy là phương án xây dựng nội dung trưng bày của BTLSQG đã được thực hiện song song với quá trình chuẩn bị cho việc xây bảo tàng mới thời gian qua?
– Chính phủ vẫn đang cho lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài thiết kế nội dung trưng bày.
– Tức là bây giờ chúng ta mới đang lựa chọn chứ chưa có phương án trưng bày?
Đúng vậy. Phương án trưng bày này làm theo đúng quy trình bảo tàng tức là sẽ có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tàng kết hợp với các nhà lịch sử, nhà khoa học và nhà di sản VN cùng xây dựng để làm sao cho phù hợp với 1 công trình hiện đại và tiếp cận được với trình độ quốc tế.
– Thưa ông, từ trường hợp của Bảo tàng Hà Nội là chỉ có vỏ mà không có gì trưng bày, dư luận cũng đang rất lo lắng bởi BTLSQG có diện tích khổng lồ như vậy thì liệu ta có đủ hiện vật để lấp đầy không?
– Nội dung trưng bày của BTLSQG khác với Bảo tàng Hà Nội. BTLSQG là công trình đại diện cho lịch sử quốc gia nên phạm vi trưng bày rất rộng và nội dung trưng bày cũng bao gồm nhiều lĩnh vực. Nó không bị bó hẹp như một cái bảo tàng tỉnh như Bảo tàng Hà Nội. BTLSQG sẽ khắc phục được tất cả những hạn chế trước đây về mặt trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng cũ. BTLSQG sẽ được trưng bày 1 cách toàn diện, đầy đủ, bao gồm toàn bộ các nền văn hóa tồn tại trên đất nước VN.
Mô hình bảo tàng lịch sử quốc gia mới dự kiến sẽ hoàn thành để đưa vào sử dụng vào năm 2018.
– Với quy mô lớn như vậy thì dự kiến bao nhiêu triệu hiện vật sẽ được trưng bày ở BTLSQG mới tới đây?
– Dự kiến số lượng hiện vật phải phụ thuộc vào phương án xây dựng nội dung trưng bày. Chỉ khi có phương án cuối cùng thì lúc đó mới biết chính xác số lượng bao nhiêu di vật, hiện vật, bao nhiêu bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày tại đây.
– Theo kế hoạch và nếu đúng tiến độ thì BTLSQG mới sẽ xong vào năm 2016. Khi đã có bảo tàng mới thì 2 bảo tàng hiện tại sẽ dùng vào mục đích gì, thưa ông?
– Công trình BTLSQG chưa thể mở cửa vào năm 2016. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án và cuối năm nay bắt đầu khởi công thì đến 2016 mới xong phần xây dựng. Sau đó chúng tôi phải mất thêm 2 năm nữa để làm nội dung trưng bày trước khi đưa vào khai thác. Trong khi xây dựng đề án sáp nhập Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng để thành lập BTLSQG, chúng tôi cũng đã nói rõ rằng khi BTLSQG mới đi vào hoạt động thì Bảo tàng Lịch sử hiện nay sẽ dùng để trưng bày cổ vật đông phương còn Bảo tàng Cách mạng sẽ trở thành bảo tàng lịch sử mỹ thuật đương đại. Đây sẽ là 2 chi nhánh của BTLSQG mới.
– Như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ cần đến lượng cán bộ bảo tàng khổng lồ để vận hành cả 3 bảo tàng cũ và mới?
– Khi đề án được phê duyệt thì chúng ta cần khoảng 450 cán bộ viên chức. Tổng số cán bộ biên chế trong bảo tàng gồm cán bộ hiện có và những người mới sẽ được tuyển dụng.
Không chỉ cần đến lượng cán bộ làm bảo tàng lớn, Bảo tàng LSQG mới còn cần đến một lượng hiện vật khổng lồ. Ảnh: ANTĐ
– Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet