Cho “thuê” CMND mua hàng miễn thuế

Sau khi thuyết phục để có được chân… “cò” cho thuê giấy CMND tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (H.Bến Cầu, Tây Ninh), tôi được C. dẫn ra mắt các “đồng nghiệp”. Trước khi đưa tôi gia nhập vào đội ngũ “cò”, C. dặn đi dặn lại: “Mới vào nghề thì tạm thời đừng ra mặt giành khách. Cứ chịu khó quan sát vài ngày cho hiểu hết quy tắc rồi mới mong kiếm được tiền”.

“Cò” bạc lẻ và “cò” con buôn

Nghe lời C., tôi quyết bỏ ra vài ngày để quan sát hoạt động của “cò”. Ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài, đội ngũ “cò” chuyên hành nghề cho thuê giấy CMND thường xuyên có hơn 50 người (lúc cao điểm lễ, tết… còn đông hơn nhiều). Tại đây, được phân chia ra làm 2 loại “cò” chính, đó là “cò” bạc lẻ và “cò” con buôn. Dạng “cò” bạc lẻ kiếm sống phụ thuộc vào lượng khách vãng lai đến thuê CMND để mua hàng bên trong siêu thị; hằng ngày mỗi “cò” bắt được khoảng 6-10 người; kiếm được từ 100.000 – 500.000 đồng (lễ tết thì nhiều hơn). Còn “cò” con buôn hoạt động theo đơn đặt hàng của các chủ hàng tại TP.HCM và các tỉnh, huyện lân cận; được trả lương cố định theo tháng (khoảng 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng) để làm nhiệm vụ mua và tuồn hàng ra ngoài.

Hằng ngày, “cò” bạc lẻ tập trung cả bên trong và ngoài siêu thị bắt khách để đưa vào mua hàng. Hôm tôi đến, C. bắt được một khách ở Sài Gòn và kéo tôi theo để “học”. Dẫn người khách sang trọng đến gian hàng rượu, C. chỉ vào chai có giá 884.500 đồng (đã tính thuế) rồi tư vấn: “Giá tại Sài Gòn khoảng 1,2 triệu đồng, tôi giúp ông mua giá gốc và đưa ra ngoài luôn cho”. Sau khi đưa hàng ra ngoài trót lọt, C. khoe: “Kiếm được gần 200.000 đồng”. Nhiều năm kinh nghiệm, C. cho rằng: “Đứng ở gian hàng rượu là ngon nhất, vì mình có giấy CMND Campuchia (được mua tối đa 10 triệu/ngày – PV), mỗi chai mua được giá gốc lời có khi vài trăm”. Nhưng vừa bước ra bên ngoài, C. bị một nhóm phụ nữ la ó, đòi cho người “xử” vì tội ngông cuồng. Thấy tôi lo lắng, C. trấn an: “Cứ yên tâm, mình đâu phải hạng người dễ ăn hiếp. Thách bả mướn người tới đây, coi ai sợ ai”.

Trong khi đó, “cò” con buôn khi nhận điện thoại đặt hàng phải dùng rất nhiều giấy CMND để vào bên trong siêu thị mua hàng (chủ yếu những mặt hàng có giá trị như sữa Ensure, bia Heineken…). Một “cò” con buôn tên T. tiết lộ: “Sữa Ensure ở đây hơn 800.000 đồng/thùng, bia gần 500.000 đồng/két nhỏ. Chỉ cần chuyển về TP.HCM trót lọt là người ta lời gần 200.000 đồng/thùng”.

Sau khi hoàn thành thủ tục tính tiền và kiểm tra của nhân viên hải quan, các “cò” con buôn bắt đầu gom hàng về điểm tập kết ở bên ngoài siêu thị để đóng thùng đưa thẳng về TP.HCM tiêu thụ.

Cho "thuê" CMND mua hàng miễn thuế

Một nhóm “cò” tập trung oẳn tù tì để giành quyền dắt khách – Ảnh: Giang Phương 

“Luật” bắt khách

Theo luật “ngầm” ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài, các “cò” chia nhau án ngữ từng khu vực mà xe của khách đến đỗ để mua hàng. Mặt bên ngoài bến xe, thường có khoảng 15 người, được phép bắt những xe khách vào từ đường thẳng (song song với đường lộ chính vào siêu thị). Nhóm còn lại (khoảng 30 người) được phép bắt những chiếc xe vào từ đường cong. Hễ ai phát hiện xe khách tiến vào bến và la lên đầu tiên thì được phép đi trước và có quyền lựa chọn bất kỳ vị khách nào. Những người còn lại chia thành 2 nhóm lớn để tiến hành… oẳn tù tì. Nhóm thắng nếu quá đông, chia thành 2 nhóm nhỏ tiếp tục ăn thua (cũng bằng oẳn tù tì). Khi đã đủ lượng người so với lượng khách trên xe sẽ bắt đầu theo chân khách vào trong.

Cho "thuê" CMND mua hàng miễn thuế

Chỉ cần có CMND đúng mặt là có thể mua hàng tại các siêu thị miễn thuế 

Sau khi vào bên trong siêu thị, “cò” đeo dính khách đi mua hàng, làm thủ tục tính tiền và đưa ra bên ngoài thì được trả công 30.000 đồng/lần thuê CMND. Đối với những loại hàng có giá trên 500.000 đồng, muốn qua được cổng hải quan “cò” phải dùng đến nhiều thủ thuật như sử dụng nhiều CMND, leo rào, tuồn hàng lén qua trạm kiểm soát hải quan… Khi đưa hàng ra ngoài thành công, các “cò” ăn tiền theo số % thuế đã vượt rồi chia nhau trong “ê kíp” thực hiện. “Nếu không phải là khách của mình bắt từ ngoài bến đỗ xe, mà vào bên trong lôi kéo thì chỉ có nước no đòn. Trừ những khách đi lạc (khách không theo đoàn hoặc chưa có “cò” bắt – PV) thì được đeo bám”, “cò” C. giải thích thêm với tôi.

Cho "thuê" CMND mua hàng miễn thuế

Một “cò” kèm một khách 

Đang nói chuyện, “cò” C. phát hiện chiếc ô tô bảy chỗ trờ tới, nhưng chạy ra không kịp đành luyến tiếc nhìn nhóm khách cùng “đồng nghiệp” đi vào siêu thị. Quay về lại chỗ tôi đứng, C. hỏi: “Chú mày có bao nhiêu giấy CMND?”. Tôi nhanh chóng trả lời: “Có 1”. C. nhìn tôi ngạc nhiên rồi phán: “Đã đến đây làm mà có 1 giấy thì làm ăn khỉ gì. Ít nhất cũng 5-7 cái”. C. giải thích: “Theo quy định ở đây, mỗi CMND chỉ được dùng 1 lần/ngày. Muốn có tiền thì phải có nhiều CMND cho mướn”. Nói xong, C. móc trong ví ra 6 giấy CMND có tên khác nhau nhưng cùng một khuôn mặt của C. rồi bảo: “Người ta cần người mua đúng mặt trong CMND thôi chứ ai rảnh đâu mà kiểm tra giấy thật hay ma”.

Cho "thuê" CMND mua hàng miễn thuế

Hàng hóa chuyển ra ngoài được đóng thùng chuyển đi

Thấy tôi là “lính” mới, C. không ngại bày cách: “Muốn có bao nhiêu giấy CMND mà không được, cứ vào tiệm cầm đồ mà thu gom, khoảng 30.000 đồng/cái có đủ”.

Giành giật “nảy lửa”

Trong suốt những ngày có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến nhiều cuộc cãi vã “nảy lửa” và suýt đánh nhau vì giành khách, chia chác không đều… ngay bên trong siêu thị giữa các “cò”. Ông Nguyễn Nam Hồng Sơn, Phó trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) nhìn nhận: “Đúng là có chuyện một số “cò” cho thuê CMND lợi dụng chính sách miễn thuế bắt tay với những người bên ngoài mua hàng trái quy định và thường xuyên gây mất trật tự nhưng khó xử lý được”.

Theo Thanh Niên


From the same category