"Nữ hoàng điền kinh" một thời: Quét rác vẫn là may mắn - Tạp chí Đẹp

“Nữ hoàng điền kinh” một thời: Quét rác vẫn là may mắn

Sao

Vì sao cựu nữ hoàng điền kinh không than trách mà lại cảm thấy biết ơn khi được làm tạp vụ?

Phải rất khó khăn chúng tôi mới gặp được chị Trần Thị Soa, bởi lần nào gọi điện chị cũng chối đây đẩy, nhưng rồi sau nhiều lần thuyết phục và cả “đột nhập” sân cỏ nhân tạo của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An (thành phố Vinh, Nghệ An), nơi chị giữ chân quét dọn kiêm giữ xe, chúng tôi mới được chị tiếp chuyện. Giữa cái bỏng rát gió Lào xứ Nghệ, người phụ nữ bé nhỏ ấy cứ quần quật từ sang đến tối mịt, chẳng có thời gian mà nói về cái nghiệp vận động viên lắm thăng trầm của mình.

Nữ hoàng chân đất

Sinh năm 1952, cô thanh niên xung phong bé nhỏ hàng ngày cần mẫn rà phá bom mìn tại các cung đường trọng yếu ở Hà Tĩnh có lẽ không bao giờ ngờ rằng, rồi đây mình sẽ trở thành huyền thoại của thể thao Việt Nam. Năm 20 tuổi, chị về Nhất Giải Điền kinh Thanh thiếu niên toàn tỉnh Nghệ Tĩnh, để rồi từ đó cái tên Trần Thị Soa thường xuyên được xướng lên trên các bục vinh quang. “Chân mình ngắn nên khó bứt phá để giành chiến thắng ở đường chạy 100, 200m nhưng chạy bền thì khó ai có thể qua được”, chị tâm sự. Sự dẻo dai, bền bỉ ấy một phần là do năng khiếu, một phần được tôi luyện trong các buổi đi núi kiếm củi, của những ngày tất tả khắp nơi để phụ bố mẹ nuôi các em, bởi ngày đó, nhà Soa cũng nghèo như hầu hết những nhà dân ở đây.

Từ năm 1975 đến 1980, chị Soa liên tiếp giành vô địch quốc gia và trở thành “nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam thời bấy giờ. Một điều đặc biệt là “nữ hoàng điền kinh” chỉ thi đấu bằng… chân đất! Chạy nhiều, 10 đầu ngón chân bị bào mòn, tóe máu nhưng chị vẫn không chịu đi giày. “Mình vốn là dân quê, quen với đất cát rồi mà. Hơn nữa chạy chân đất, cảm giác bước chạy tốt hơn”, “nữ hoàng điền kinh” lý giải.

Thể thao cho chị mọi thứ, từ công việc, thu nhập ổn định đến vinh quang nhưng cũng lấy của chị cả một thời tuổi trẻ. Người ta bảo “đen da bóng đá, tóp má điền kinh”, mải mê trên đường chạy, chính những bước chân đó đã đuổi dần nhan sắc tuổi xuân của chị đi. Bởi vậy, đến gần 30 tuổi, chị vẫn chưa một lần được biết cái nắm tay của người khác giới. Thời ấy, con gái 30 tuổi là “quả bom nổ chậm” và chính nó cũng khiến cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác.

Người ta không thể bám mãi vào ánh hào quang mà sống


Năm 1980, chị cùng các đồng đội ở đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Moscow (Liên Xô cũ). Cô gái vàng 28 tuổi trở về từ Moscow với không ít lời ca ngợi và thực tế cũng được rất nhiều cơ quan, tổ chức hứa hẹn những công việc tốt sau khi giải nghệ.  Nhưng chị mới tốt nghiệp cấp 2 nên việc bố trí công việc phù hợp cũng khá khó khăn. Chị đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc tiếp tục đi học để có công việc ổn định, hoặc lấy chống. Tất cả bạn bè cùng lứa đều đã có con bồng bế, chị cũng khao khát một mái ấm gia đình, có tiếng trẻ bi bô nói cười. Chính thiên chức của người phụ nữ khiến chị quyết định rẽ ngang – lấy chồng vào năm 1980. Chồng chị tên Môn, làm nghề lái xe. Không bằng cấp, không còn sức rướn ở các đường chạy sở trường, cơ quan đành phân công chị làm tạp vụ rồi cắt cỏ ở sân vận động.

“Hồi đó cũng ấm ức lắm, cứ như thể tài năng của mình bị phụ bạc nhưng khi nghĩ lại, thấy cơ quan cũng ưu ái mình nhiều. Nói thật, khi không còn sức khỏe trên đường chạy, có một công việc ổn định để lo toan cho gia đình cũng đã là may mắn rồi”, chị tâm sự. Không đất đai, không nhà cửa, hai vợ chồng dựng tạm túp lều quanh khu Thành cổ Vinh. 3 đứa con với đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng thật chẳng thấm tháp vào đâu, bất hạnh hơn người con đầu bỗng bị bại liệt sau một thời gian ốm đau nhưng không được điều trị đúng cách. Chồng chị buộc phải nghỉ việc ở nhà chăm con, còn chị quăng quật mọi nghề để có thể lo cho gia đình. Hết công việc cơ quan giao, chị đi dọn phân để có thêm tiền trang trải.

Sau nhiều năm nỗ lực, chị mua được gian nhà hóa giá của cơ quan. Ngôi nhà nhỏ xíu, ẩm thấp và chật chội ấy trở thành nơi trú ngụ của 5 con người. Rồi cũng chính chị, trong 2 năm ròng rã, cứ đêm đến lại kéo xe cải tiến ra bãi thải khu vực thi công sân vận động nhặt gạch về. Sau hơn 7000 đêm ròng rã, chị cũng kiếm đủ gạch để xây một căn nhà hai gian.

Những tưởng cuộc sống đã bắt đầu an nhàn thì một điều đau đớn lại đến với chị. Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, cuối năm 2010, người con đầu cũng đã bỏ chị ra đi, để lại niềm day dứt lớn nhất đời chị. Niềm hy vọng của chị dồn cả vào 2 đứa con còn lại.

Theo định hướng của mẹ, cô con gái đã trở thành huấn luyện viên bộ môn điền kinh của tỉnh Nghệ An và yên bề gia thất. Cậu con út dường như không có duyên với thể thao, sau một thời gian luyện tập trong đội tuyển bắn súng đã phải chuyển ngành bởi thiếu kinh phí hoạt động, đội phải giải thể.

Bây giờ không phải lo nghĩ nhiều, tuy nhiên chị bảo “cũng thấy tủi thân bởi có chồng, có con nhưng nhiều khi phải thui thủi ăn cơm một mình vì chồng ở quê, thằng con trai suốt ngày làm việc dưới cảng, thành ra nấu một bữa, ăn cả ngày. Người ta không thể bám mãi vào ánh hào quang của quá khứ mà sống. Nếu mình thấy khổ, tự khắc cuộc đời sẽ khổ. Nhưng nếu mình biết hài lòng với những gì đang có thì thấy cuộc đời vẫn đẹp lắm”.

Người phụ nữ nhỏ nhắn với khuôn mặt đen sạm, khắc khổ, tất bật chạy qua chạy lại giữa những sân bóng của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An nhưng vẫn nở nụ cười rạng rỡ khi những cậu nhóc, những cầu thủ và cả những thanh niên tới chơi bóng “phủi” nơi đây gọi bằng “mẹ”. Có lẽ, được đóng góp cho sự nghiệp thể thao bằng cách này hay cách khác, với chị cũng là một hạnh phúc. Cười đó, bông phèng với “các con” đó, rồi đôi mắt chị chợt chùng lại khi chúng tôi hỏi về ước mơ trong quãng đời còn lại. “Tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là có một mảnh đất cho riêng mình để sau này con cái còn có chỗ mà thờ phụng. Cả một đời ở nhà thuê, nhà mượn rồi”.

Có một vật bất ly thân của cựu vận động viên điền kinh Trần Thị Soa là tấm ảnh chị thi đấu tại đấu trường Olympic Moscow 1980. Chị tâm sự, tấm ảnh này là động lực để vượt qua những khó khăn, sóng gió trong cuộc sống. Với chị, những khó khăn này cũng giống như những chướng ngại vật phải vượt qua trên đường chạy. Khi đã có điểm tựa và động lực phấn đấu, khi con người biết vượt qua bản ngã, biết không vin vào hào quang quá khứ để than thân trách phận và biết tự hài lòng với những gì mình đang có, tự khắc mình sẽ thấy hạnh phúc và thanh thản hơn…

Trần Thị Soa tại một cuộc thi điền kinh ở Hà Nội năm 1979

Ngẫm lại thấy mình may mắn chán

– Chị có bao giờ ngồi nhớ lại thời kỳ vinh quang  của mình, ví dụ như lần là đại diện duy nhất của thể thao Việt Nam sang dự Olympic Moscow năm 1980?

– Sang đó, khí hậu khác biệt, bất đồng ngôn ngữ, nước mình mới bước ra khỏi chiến tranh, còn khó khăn đủ bề, mà thi đấu quốc tế không giống như thi đấu trong nước. Trang phục thi đấu người ta quy định khắt khe lắm, nhất định phải mang giày, còn mình quen chạy chân đất rồi, giờ mang giày chạy khó lắm. Khi mang giày, đôi chân vướng víu, phải mất gần cả tháng trời tôi mới có cảm giác đường chạy. Tập huấn kỹ càng và thi đấu với quyết tâm cao nhưng các đối thủ của mình vừa có thể lực, vừa có kinh nghiệm đấu trường quốc tế dày dạn và rất chuyên nghiệp nên tôi chỉ lọt được vào vòng 2. Nhưng dù sao đó cũng là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời vận động viên của mình.

– Sau những hào quang trên đường chạy, bây giờ cuộc sống hàng ngày của chị ra sao?

– Hiện tại, tôi sống với thằng con út nên một ngày cũng diễn ra đơn giản lắm. Sáng dậy đi chợ, nấu cơm cho con. 6h sáng đến Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An bắt đầu một ngày quét dọn sân cỏ nhân tạo, chăm sóc cỏ ở sân bóng Vinh, thời gian còn lại thì trông giữ xe kiếm thêm chút tiền chi tiêu trong nhà. Công việc kết thúc vào 8h tối, về chuẩn bị bữa tối cho cả hai mẹ con.

– Chị nghĩ sao khi mình từng được gọi là “nữ hoàng” một thời mà bây giờ đi quét dọn sân cỏ?

– Là “nữ hoàng”, đó là niềm mơ ước của tất cả nữ vận động viên điền kinh. Và tôi may mắn hơn khi được người ta biết đến và không quên lãng. Chiến tranh, cuộc sống khó khăn, tôi không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn nên không có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp thể thao. Quét rác hay làm bất cứ công việc gì với tôi không quan trọng, miễn đó là công việc lương thiện.

Tôi thấy mình may mắn vì có một công việc ổn định để làm, có một gia đình để chăm sóc và có nhiều người nhớ đến như một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp.


 

– Nhưng đồng lương của chị có đủ để trang trải cuộc sống?

– Với số lương hưu và tiền lương tạp vụ tại Sông Lam Nghệ An thì cuộc sống của tôi cũng không đến nỗi khó khăn. Sau từng ấy năm lặn lội, giờ nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người.

Cùng thời với tôi hồi đó có vận động viên Trần Thị Mai cũng ghi nhiều dấu ấn trên đường chạy. Nhưng rồi, khi vinh quang qua đi, cái khó, cái khổ cứ níu lấy những vận động viên tay ngang như chúng tôi. Giờ cũng chưa hẳn đã là sướng nhưng so với Mai, cuộc sống của tôi không vất vả lắm. Chỉ thương cô ấy, đồng lương hưu ít ỏi phải gồng mình nuôi 2 con học đại học, thiếu thốn đủ bề.

– Trong câu chuyện, tôi thấy chị hay nhắc đến cái tên Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, như một ân nhân. Người đó đã giúp chị như thế nào?

– Những khi tôi tưởng mình không còn sức để đứng vững, anh Thanh luôn là người động viên, giúp đỡ. Kể cả khi công tác ngoài Hà Nội, anh cũng gọi điện hỏi han, biết tôi khó khăn, thỉnh thoảng anh lại gửi tiền, gửi quà cho các cháu. Anh thương thằng con cả tật nguyền của tôi như chính con mình. Rồi khi anh về Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An, biết cả nhà tôi đang chui rúc trong căn nhà hóa giá xập xệ của Câu lạc bộ, chính anh đã giành cho tôi phần gạch cũ để xây nhà.

Khi tôi vừa có quyết định nghỉ hưu, anh Thanh bảo tôi về Câu lạc bộ và bố trí công việc cho. Chính những điều đó khiến tôi thấy cuộc đời mình vẫn nhiều may mắn. May mắn vì có một người anh, một người đồng nghiệp hiểu và thương mình.

– Trong lịch sinh hoạt của chị toàn thấy nhắc đến công việc. Rồi chị tìm niềm vui ở đâu?

– Tôi vui với công việc là chính kể từ sau khi thằng con cả qua đời, chồng tôi về sống hẳn ở quê để chăm lo hương khói cho con. Đứa cháu ngoại cũng bận đi học suốt ngày, thành ra nếu không có công việc thì tôi sẽ buồn lắm. Được ra sân, được làm việc và chứng kiến các cháu nhỏ luyện tập, thi đấu cũng là vui lắm rồi. Tôi nhìn thấy tuổi trẻ của mình ở những đứa trẻ đó.

Hồi đó, mình cũng hăng say luyện tập và thi đấu với quyết tâm cao nhất, bởi tôi hiểu đó là cách duy nhất để người ta biết đến mình, để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn như bố mẹ tôi. Các cháu bây giờ điều kiện học hành, luyện tập, thi đấu hơn hẳn chúng tôi ngày xưa, bởi vậy, con đường thi đấu chuyên nghiệp cũng rộng mở hơn. Hy vọng rằng với sự đầu tư kỹ càng của ngành thể thao và xã hội, làng điền kinh Việt Nam sẽ không có một “Trần Thị Soa thứ 2” (cười).

– Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Chị Trần Thị Soa sinh năm 1952, tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1972, Trần Thị Soa giành giải Nhất Giải Điền kinh Thanh thiếu niên toàn tỉnh Nghệ Tĩnh. 1 năm sau, chị trở thành quán quân đường chạy 1500m và xác lập kỷ lục cho đường chạy này.
Từ quân ngũ, Trần Thị Soa được chuyển về Ty Thể dục – Thể thao Nghệ Tĩnh và trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Năm 1974, chị là đại diện duy nhất của Nghệ Tĩnh tham gia giải việt dã “Tiến về thủ đô” tổ chức tại Hà Nội và trở thành 1 trong 5 vận động viên cán đích đầu tiên.

Từ năm 1975 đến 1980, Soa liên tiếp vô địch quốc gia và trở thành “nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam thời bấy giờ. Chị đã 2 lần đứng đầu danh sách 10 vận động viên tiêu biểu trong các năm 1978, 1979, là đại diện Việt Nam tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới được tổ chức tại Cuba vào năm 1979. Năm 1980, chị cùng đồng đội đại diện Việt Nam tham dự Olympic Moscow (Liên Xô cũ). Mặc dù không giành được thành tích cao nhưng chị đã xô đổ kỷ lục tại đường chạy trong nước do chính mình xác lập vào năm 1979.

Lam Anh  

(Theo Mốt & Cuộc sống)

Thực hiện: depweb

05/07/2012, 09:56