Lo môi trường kinh doanh xấu đi

Cách đây vài tuần, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), được mời đến trụ sở của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội. Đại diện của JICA muốn tham khảo ý kiến của ông Thành, chuyên gia trẻ nhất trong nhóm tư vấn chính sách kinh tế không chính thức của Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan này còn muốn biết nhận xét của ông về những tác động khi ASEAN bỏ rào cản thương mại với Trung Quốc vào năm 2015. Đại diện tổ chức này muốn tập hợp ý kiến của những chuyên gia như ông Thành để cung cấp cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. “Họ tỏ ra lo lắng và không biết tương lai kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào”, ông Thành kể lại. Dù không cho biết ông đã nói điều gì trong cuộc gặp đó, nhưng ông Thành nhận xét: “Bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại là thủ phạm lớn nhất tàn phá môi trường kinh doanh, làm các nhà đầu tư nước ngoài giảm kỳ vọng vào Việt Nam”.


 

Nhật Bản vẫn luôn là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam suốt hơn 20 năm qua và chính phủ nước này đã liên tiếp tài trợ cho Sáng kiến chung Việt – Nhật nhằm dỡ bỏ các rào cản trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại đã bắt đầu gây lo ngại cho nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam này và bình ổn lại tình hình đã lần đầu tiên được đưa vào sáng kiến này khi hai bên ký kết bản thỏa thuận gần đây. Theo báo cáo kinh doanh “Doing Business” năm 2012 của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tụt 20 hạng, từ mức 78 của năm trước đó xuống mức 98.  

Không chỉ Nhật Bản, các nhà đầu tư đến từ châu Âu cũng giữ một cái nhìn bi quan. Một khảo sát về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do EuroCham công bố tháng 8 vừa qua cho thấy rõ điều này. Khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới, 60% phản hồi cho rằng, họ tiếp tục nhìn thấy sự suy giảm của một nền kinh tế vốn đã khó khăn. 30% nghĩ rằng, tình hình sẽ ổn định và dần phục hồi. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham bình luận: “Điều này cho thấy các biện pháp ổn định kinh tế không làm giảm các lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô”.

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, báo cáo này cho thấy, có 7% phản hồi giảm mức đánh giá về tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Mức độ đánh giá “tốt” giảm từ 34% xuống còn 29%, trong khi cùng thời kỳ này năm ngoái là 43%. Chỉ 1% phản hồi miêu tả tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”. Nhưng điều đáng lo ngại là có sự gia tăng về số doanh nghiệp (khoảng 10%) cho rằng, tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “rất xấu”. Tổng số 39% phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại.

Ông Hjortlund cho rằng, trong năm 2012 chỉ số về môi trường kinh doanh của EuroCham đã giảm từ 56 điểm xuống còn 48 điểm, điều này chỉ ra sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam như là một điểm đến đầu tư. Tính từ lần đầu tiên Eurocham bắt đầu cuộc điều tra trong quý 3 năm 2010, chỉ số đã giảm xuống dưới mức trung bình (50 điểm) hướng đến quan điểm kinh doanh tiêu cực! Ông Hjortlund nói: “Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang mất đi sự kiên nhẫn và điều này càng nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết rằng, Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh và sức thu hút như là một điểm đến kinh doanh”.  

Sự kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế thể hiện rõ bằng số vốn FDI đăng ký suy giảm. Báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay cả nước đã có 672 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,52 tỷ USD, chỉ bằng vỏn vẹn 56,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong số đó, có tới 126 dự án (19%) quy mô nhỏ và siêu nhỏ với số vốn đăng ký dưới 100.000 USD, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, kinh doanh thương mại và sản xuất phần mềm.

Là người quản lý ngành, Phó cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Xuân Quang Lý giải việc suy giảm vốn FDI có liên quan chặt chẽ với suy giảm kinh tế chung trên thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng, vốn thực hiện vẫn duy trì như các năm trước. Trong 8 tháng đầu năm nay, ước tính đã giải ngân được 7,28 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Quang, vốn FDI giải ngân trong một năm khó khăn như năm 2012 vẫn tương đương như năm trước. Kể cả năm 2008, khi vốn FDI đăng ký đạt đỉnh hơn 71 tỷ đô la Mỹ thì con số giải ngân cũng không cao hơn nhiều lắm. Ông lạc quan cho rằng, vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 11 tỷ đô la Mỹ và vốn FDI đăng ký sẽ vào khoảng 15 tỷ đô la Mỹ trong năm nay.

Dưới con mắt cảnh giác của nhà kinh tế, Tiến sỹ Thành không lạc quan như vậy, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục xấu đi còn các nước trong khu vực lại đang nổi lên thành điểm hấp dẫn của FDI thế giới. Ông Thành nói: “Hãy cùng nhìn sang Indonesia, Thái Lan, Malaysia, hay Myanma. Luồng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào các quốc gia này, nhưng không chảy vào Việt Nam”. Ông Thành nói tiếp: “Việt Nam ở vị trí đẹp giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Thế nhưng mở cửa ASEAN thì nhà đầu tư sẽ chọn nơi có môi trường đầu tư tốt nhất, sẽ là mùa xuân với Thái Lan hay Indonesia, hay Myanma – nơi luồng gió cải cách rất mạnh; nhưng có thể là luồng gió mạnh cho các nước không kịp đổi mới”. Trong khi đó, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh của Bộ Tài chính đồng tình khi cho rằng, lạm phát vẫn là ám ảnh lớn nhất. Ông nói: “Là người theo dõi lạm phát từ năm 1995 đến nay, tôi thấy tình hình đang thay đổi rất nhanh và khó dự đoán, đặc biệt là sự cố vừa qua trong ngành ngân hàng, và giá cả đầu vào đang tăng cao”. 

Kết quả khảo sát gần đây nhất:   

Có 7% phản hồi giảm mức đánh giá về tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Mức độ đánh giá “tốt” giảm từ 34% xuống còn 29%, trong khi cùng thời kỳ này năm ngoái là 43%. Chỉ 1% phản hồi miêu tả tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”. Nhưng điều đáng lo ngại là có sự gia tăng về số doanh nghiệp (khoảng 10%) cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “rất xấu”. Tổng số 39% phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại.

Bài: Vũ Minh
Minh họa: H.P

 


From the same category