Xăng dầu lại vừa tăng giá, lần thứ 6 từ đầu năm đến nay, với mức tăng bằng 50% con số mà các doanh nghiệp đề nghị. Mà như thế, lần tăng thứ 7 đã lấp ló phía chân trời. Nói cho cùng, tăng giá không phải là điều khiến người ta quá bức xúc, một khi đã chấp nhận nền kinh tế thị trường. Chuyện khiến dư luận “bùng nổ” là những chiêu găm hàng, không chịu bán ra đợi giá tăng để trục lợi. Nghe nói, có cây xăng ở xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc còn có chiêu độc hơn: cứ mỗi lần xăng sắp tăng giá, họ chỉ bán cho mỗi xe 30.000 đồng và chỉ bán hàng theo giờ hành chính(!?).
Dòng thác phàn nàn về mánh lới “đến hẹn lại lên” này đã chảy rất mạnh. Thậm chí, ông Cục trưởng Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính khi trả lời báo giới cũng thừa nhận, phạt vài chục triệu chưa nhằm nhò gì! Ấy là chưa kể bắt tận tay, day tận trán những trường hợp vi phạm cũng không dễ: bằng chứng là đoàn kiểm tra liên bộ đợt này chỉ xử lý được vỏn vẹn 2 trường hợp, trong khi những lời kêu ca của người tiêu dùng thì vang lên ở khắp mọi nơi.
Thế nhưng, bình tĩnh nghe thì thấy vẫn có những tiếng nói khác cần được xem xét thấu đáo. Báo điện tử Dân Trí dẫn lời chủ một cây xăng nổi nóng: “Xăng của tôi, tôi bán thế nào tùy tôi chớ”! Rồi lúc dịu lại, ông mới giải thích rằng, hầu hết các cây xăng tư nhân đều có bồn chứa khoảng 10.000 lít.
Dù có “găm” hết hàng lại thì khi xăng tăng 1.000 đồng/lít; cửa hàng cũng chỉ lời chừng chục triệu. Nếu bù vào cái khoản lời buôn bán hàng ngày bị mất (do ngừng bán) cũng không được là bao, chưa kể nguy cơ bị kiểm tra, bị phạt, bị báo chí chụp hình, bị mất khách quen… Và khi có tin xăng chuẩn bị tăng giá, lượng người mua tăng cao hơn bình thường, trong khi việc nhập hàng ngoài định mức đăng ký của cửa hàng rất khó khăn, đại lý tìm mọi cách để thoái thác hoặc hoãn giao hàng; gọi một xe thường chỉ được giao một nửa. Nếu nhu cầu xăng luôn được đảm bảo, thời điểm trước khi tăng giá xăng, cửa hàng sẽ muốn bán nhanh (bán càng nhiều hoa hồng tính theo lượng bán ra càng cao), rồi nhập hàng mới với giá chưa tăng để sau đó có thể bán với giá cao sau khi tăng…
Chưa dám khẳng định ông chủ cửa hàng thành thật đến mức độ nào, nhưng không phải là ông không có lý. Đại lý nhập khẩu mới là người chịu rủi ro về chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lẻ; đồng thời cũng là người nắm trong tay nguồn hàng với số lượng lớn. Nếu chỉ kiểm tra, xử lý và phạt những cây xăng nghỉ bán hay bán nhỏ giọt (dù đó là nguyên nhân trực tiếp và dễ thấy nhất của những bức xúc) mỗi trường hợp vài chục triệu đồng thì e không phải là giải pháp căn cơ.
Là một chuyên gia kỳ cựu về tài chính, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói, vì mục đích lợi nhuận, đại đa số doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách luật” khôn khéo nhất và đó là lẽ thường, đừng trách họ. Có đường tránh mà ông A. không đi, đâm ra lại thành thua thiệt ông B. Thế mới cần đến các cơ quan quản lý, để “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Môi trường kinh doanh phải như những con đường thông thoáng, êm thuận nhưng tất cả những người tham gia lưu thông phải đảm bảo tuân thủ pháp luật một cách công bằng.
Bài: Anh Phương
Ảnh: T.L