Làm đẹp bằng collagen - Tạp chí Đẹp

Làm đẹp bằng collagen

Làm Đẹp

Song đây có thực sự là “thần dược” và đâu mới là phương pháp an toàn, hiệu quả nhất?

Collagen là gì?

Collagen là một loại protein chủ yếu tìm thấy trong da, nó cũng là một thành phần dồi dào được tìm thấy trong xương, cơ, mô, gân và sụn. Collagen hỗ trợ và kết nối các mô trong cơ thể, có khả năng đàn hồi và chịu lực rất cao. Nó được ví như một chất keo dính các bộ phận trong cơ thể lại thành một khối hoàn chỉnh.

Collagen bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố khác nhau của môi trường như ánh nắng mặt trời, thời tiết và sự ô nhiễm. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa của cơ thể, quá trình oxy hóa khiến collagen bị phá hủy. Khi collagen mất đi, da sẽ khô và nhăn nheo. Các yếu tố khác có hại cho collagen là hút thuốc lá, rượu, lối sống không lành mạnh, không tập thể dục, chế độ ăn uống nghèo nàn…

Như vậy collagen không chỉ có ảnh hưởng tới sự sống và tồn tại của con người mà còn là nhân tố quan trọng nhất của da, làm da mịn màng, đàn hồi, và ngăn ngừa các nếp nhăn, là nhân tố quyết định sự trẻ trung hay già nua của con người cùng với tuổi tác.

 

Nở rộ trào lưu làm đẹp bằng collagen

Những năm 1970, một nhóm các nhà sinh hóa học và các bác sĩ tại ĐH Stanford đã nghiên cứu cách để thay thế cho việc phẫu thuật ghép da. Trong quá trình làm việc, họ phát hiện ra thành phần collagen động vật có thể sử dụng để thay thế mô da bị mất. Mũi tiêm collagen được sử dụng lần đầu vào năm 1976. Cho đến nay việc sử dụng collagen càng rầm rộ hơn.

Kem chứa collagen

Đây không phải là con đường tốt nhất vì kem chứa collagen thường có giá khá đắt, lại không thể thẩm thấu vào sâu bên trong da nên chỉ tạm thời che được nếp nhăn và giữ ẩm da.

Tiêm collagen

Một cách làm đẹp phổ biến là tiêm collagen. Collagen được tiêm vào da theo các nếp nhăn, nhờ vậy mà nó đẩy các rãnh của nếp nhăn lên và khiến da trẻ hơn. Tuy nhiên, đây là phương pháp không được khuyến khích vì có thể xảy ra các phản ứng dị ứng, sốc phản vệ như nôn mửa, nóng sốt, ngứa, nổi đỏ, tróc da… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tiêm collagen được chống chỉ định với phụ nữ mang thai, người có dị ứng với thịt bò, viêm khớp, vảy nến…

Thực phẩm chứa collagen

Hiện nay có rất nhiều thực phẩm được quảng cáo có chứa collagen như sữa chua, trà, thuốc viên, sữa… Khi vào cơ thể, các thực phẩm này sẽ được dạ dày chuyển hóa thành một dạng dưỡng chất khác để cơ thể hấp thụ; những dưỡng chất này sẽ chịu sự “phân công” của cơ thể chứ không hoàn toàn nuôi dưỡng da như nhiều người mong muốn.

Mặt nạ collagen

Collagen và eslatin nằm sâu dưới hạ bì. Nếu sản phẩm collagen nguyên chất thì chỉ làm được một việc là giữ ẩm cho da, vì với 1400 các amino acid thì mặt nạ collagen khó có khả năng xuyên qua lớp thượng bì, trung bì xuống tận đáy hạ bì.

Kích thích sản xuất collagen bằng thực phẩm

Sự mất cân bằng trong quá trình sản xuất collagen dẫn đến da nhăn nheo, khô và chảy xệ. Vì vậy kích thích các tế bào da sản xuất collagen sẽ có thể đảo ngược quá trình lão hóa. Sản xuất collagen là một quá trình phức tạp song tương đối an toàn, có rất nhiều yếu tố cần thiết để thực hiện quá trình này một cách hiệu quả.

Vitamin C: Vitamin C (ascorbic acid) là điều cần thiết để kích thích sản sinh collagen hiệu quả. Nhiều người có bệnh do thiếu vitamin C như chảy máu nướu răng, xuất huyết da và vết thương khó lành là do sự suy giảm collagen. Cung cấp vitamin C có thể tăng tốc độ tổng hợp collagen, giảm nếp nhăn. Có thể tìm thấy hàm lượng vitamin C dồi dào trong cà chua, ớt chuông, khoai tây, rau bina, trái cây thuộc họ cam quýt, dâu tây, bông cải xanh, bắp cải, ổi, các loại rau có lá màu xanh sẫm.

Axit amin quan trọng: Giống như bất kỳ loại protein khác, collagen bao gồm các axit amin (một loại của các phân tử hữu cơ nhỏ). Tổng cộng có 20 axit amin khác nhau trong các tế bào. Cơ thể không thể tự sản sinh ra các axit amin thiết yếu, vì vậy, bạn cần phải bổ sung thực phẩm chứa axit amin trong chế độ ăn uống như đậu lăng, lạc, trứng, sữa, thịt bò, thịt lợn và thịt gà. Nếu bạn muốn ăn chay, bạn cũng có thể nhận được threonine từ đậu nành, đậu xanh, đậu snap và măng tây.

 

Đồng: Vai trò của đồng là giúp cho hàm lượng enzyme lysyloxidaza đảm nhận vai trò tái tạo collagen và giúp da có khả năng đàn hồi tốt, là “điểm cộng” cho cơ thể trong quá trình lành vết thương. Đồng có nhiều trong cà chua, khoai tây, gừng, mù tạc, cà tím, măng tây, hạt hướng dương, hạt tiêu, nấm các loại…

Ngoài ra những thực phẩm có chứa omega 3, thực phẩm chứa chất oxy hóa, thực phẩm chứa lưu huỳnh… cũng giúp cơ thể sản sinh collagen.

Không thể phủ nhận lợi ích của collagen với làn da, tuy nhiên hiệu quả thực tế của các phương pháp bổ sung collagen cũng còn gây nhiều tranh cãi, bởi các chuyên gia nghiên cứu cho rằng collagen rất khó thẩm thấu qua da. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, khi sử dụng collagen bằng cách uống hay tiêm thì cần thận trọng, vì đây là một loại protein nên có thể gây ra các tác dụng phụ. Tốt nhất là trước khi sử dụng sản phẩm collagen bằng đường uống, tiêm, cần ý kiến tư vấn của các cơ sở chuyên khoa, bác sĩ da liễu.

Theo Cẩm nang mua sắm

Thực hiện: depweb

06/09/2012, 17:09