Đẹp từ bên trong

Thực phẩm chức năng là gì?

Khái niệm TPCN (functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên vào những năm 80 để chỉ những thực phẩm ngoài vai trò truyền thống (cung cấp chất dinh dưỡng), còn có tác dụng đối với sức khỏe, như giảm cholesterol máu, cải thiện đường tiêu hóa, tăng độ trắng mịn cho làn da phụ nữ…

TPCN thực chất là những thực phẩm bình thường được bổ sung thêm một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi. Dĩ nhiên, việc bổ sung hay loại bỏ đã được chứng minh khoa học và được Bộ Y Tế cho phép xác định hiệu quả tác dụng của thực phẩm đối với sức khỏe.

Ngày nay, với tác dụng mang lại, TPCN đã khiến các nhà khoa học trên thế giới dự báo nó sẽ là  “thức ăn” của con người  thế kỷ 21.

Bạn nên biết

TPCN là thực phẩm nằm ở ranh giới giữa thực phẩm và thuốc, nhưng một số loại TPCN có dạng đóng gói như viên thuốc, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Mỗi quốc gia có cách quản lý các loại thực phẩm chức năng khác nhau, với một số quy định phổ biến như sau:

– TPCN phải là thực phẩm, không phải thuốc. TPCN chứa hàm lượng hoạt tính cao gấp 3 lần mức bình thường hay nhu cầu hàng ngày. Trong khi đó, hàm lượng hoạt tính trong thuốc phải cao gấp nhiều lần so với mức bình thường.

– TPCN phải an toàn và phải được các tổ chức Y Tế uy tín kiểm định.

– Không chấp nhận tuyên bố khả năng chữa bệnh của TPCN (Tuy nhiên, Úc, Thụy Điển , Anh, Mỹ chấp nhận tuyên bố này)

– Các công bố về chức năng và thành phần của TPCN phải là các tác dụng đã được xác nhận và công nhận rộng rãi, phải chứng minh tính an toàn và tác dụng của sản phẩm.

TPCN bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam. Trong đó nhiều loại được quảng cảo quá mức về tác dụng với giá quá cao. Để tránh nhầm lẫn, Bộ Y Tế Việt Nam đã đổi thuật ngữ “thực phẩm thuốc” thành “thực phẩm chức năng”. Bộ Y Tế cũng quy định: TPCN phải ghi rõ sản phẩm, đối tượng sử dụng, công dụng, liều lượng, chống chỉ định và các lưu ý đặc biệt. Thực phẩm có chứa những hoạt chất sinh học phải ghi trên nhãn dòng chữ “Thực phẩm này không phải thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Và tất cả TPCN không được ghi chỉ định điều trị một bệnh cụ thể nào.

Tác dụng của thực phẩm chức năng

Giúp duy trì, tăng cường và phục hồi các chức năng của cơ thể, thông qua việc bổ sung  các vitamin, khoáng chất,…

Tác dụng và tăng cường khả năng chống đỡ cơ thể, chống oxy hóa, cung cấp các chất mà cơ thể đang thiếu hụt, góp phần tăng cường và phục hồi sức khỏe, bảo vệ sự suy yếu của cơ thể  trước tác động của môi trường.

 

Các loại thực phẩm chức năng

Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất: Đây là nhóm thực phẩm chức năng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Thực phẩm có thể bổ sung một hay nhiều vi chất dinh dưỡng nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất cho người sử dụng. Ví dụ: Sữa bổ sung axit folic, sắt, kẽm… nước tăng lực bổ sung vitamin nhóm B, vitamin C… bánh bổ sung canxi.

Nhóm bổ sung chất xơ: được bổ sung vào đồ uống, bánh biscuit, sữa, thực phẩm thấp năng lượng… nhằm kiểm soát lượng cholesterol, trọng lượng cơ thể, phòng chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường nội.

Thực phẩm loại bỏ bớt một số thành phần: Ví dụ: Sữa không lactose (lactose free), thực phẩm không gluten dành cho người không dung nạp lactose, người bị dị ứng gluten bột mỳ. Thực phẩm không béo, không cholesterol, không đường, thấp năng lượng… dành cho người tiểu đường, người bị rối loạn chuyển hóa mỡ, người không muốn tăng cân…

Bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác: Taurin, omega3 (DHA, EPA), carotenoid, cholin, MCT, Isomal,… thường được bổ sung trong sữa, nước tăng lực, nước giải khát, thực phẩm cho vận động viên nhằm đáp ứng nhu ầu cho các đối tượng khác nhau.

Thực phẩm chức năng hỗ trợ làm đẹp

Ngoài chức năng bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, TPCN còn hỗ trợ việc làm đẹp cho phụ nữ. Phổ biến là các loại chống lão hóa, làm trắng da, mịn da, chống nám, tàn nhang, đen mượt tóc hay giúp giảm cân… Các loại thực phẩm này có chứa một số chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất giúp tăng chuyển hóa mỡ, bổ sung chất xơ hay lấy bớt chất béo, giảm năng lượng ăn vào cơ thể…

Lời khuyên của bác sĩ

Nên có sự tư vấn của bác sĩ khi dùng TPCN.

Đọc kỹ chỉ định dùng, hướng dẫn sử dụng, và cách bảo quản. Không nên dùng nhiều hơn chỉ định với hy vọng sẽ có tác dụng nhanh, mạnh. Ngược lại, nếu quá lạm dụng TPCN, có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và rối loạn trong cơ thể. Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý nhất là phải đa dạng thực phẩm ăn vào. Trong khi nếu dùng TPCN ít hơn liều hướng dẫn, bạn vẫn có thể bổ sung hoạt chất qua thực phẩm tự nhiên thông thường.

Để không bị hụt hẫng hay thất vọng, bạn không nên quá tin tưởng tuyệt đối vào những lời quảng cáo của TPCN.

TPCN thường làm đẹp từ bên trong cơ thể do cải thiện tế bào, vì vậy, kết hợp sử dụng mỹ phẩm bên ngoài sẽ giúp da của bạn được cải thiện rõ rệt hơn.

Bạn nên biết

Hiệu quả chỉ đạt được tối ưu khi dùng đủ liều lượng và thời gian cần thiết. Mức độ đạt được cũng thay đổi tùy vào người dùng, vì còn tùy thuộc chế độ ăn hiện tại, sự phối hợp với thực phẩm hay thuốc khác, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, cơ địa hay bệnh lý mỗi người.

Ví dụ: Khi uống các viên TPCN chống lão hóa da, nếu bạn vẫn không ngừng tiêu thụ nhiều chất bọt, chất đường, thức khuya, phơi mình nhiều giờ ngoài nắng, gió bụi, không uống đủ nước, không rửa sạch da, bị stress liên tục, không tập thể dục… thì hiệu quả mang lại không đáng kể. Vì tác dụng của TPCN đối với cơ thể khá nhẹ nhàng, nên bạn phải kết hợp với các biện pháp khác mới đạt hiệu quả cao nhất

D.Thu (theo FashionTV)


From the same category