Xóm gạo lứt sống vui
Lần theo một vài bài viết trên Facebook với tên Dạ Lai Hương, tôi tìm đến “Xóm gạo lứt sống vui” ở Ấp Rạch Kiến (ấp 9), xã Thanh Tuyên, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.
Đập vào mắt tôi là chiếc bảng màu vàng đất ghi dòng chữ “Xóm gạo lứt sống vui”. Người đầu tiên tôi gặp là anh Vũ Huy Thuần. Dưới bóng cây xanh trên chiếc ghế đá, anh Thuần kể, xóm gạo lứt được hình thành khoảng 15 năm nay, tập trung hầu hết những người bị bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Xóm này trước đây là nơi sống của cư dân lâm tặc. Anh Thuần năm nay 37 tuổi, người Sài Gòn, từng làm trong một công ty điện tử ở Sài Gòn. Hồi đó, anh Thuần bị bệnh gan và một số bệnh đường ruột, đi chữa trị tây y, đông y nhưng không hết. Với thói quen mua sách cũ về đọc, tình cờ anh mua được cuốn “Ăn gạo lứt muối mè” của Anh Minh Ngô Thành Nhân, do NXB Đà Nẵng ấn hành. Cuốn sách nói rằng ăn gạo lứt muối mè sẽ chưa được bệnh, do một người Nhật tên là Sakurazawa Nyoichi, còn gọi là tiên sinh Ohsawa, truyền bá sang VN năm 1965 tại Huế.
Từ khi đọc cuốn sách đó, anh Thuần “mò” đến địa chỉ nhà ông Ohsawa ở gần ngã tư Hàng Xanh để mua gạo lứt muối mè. Anh về nhà ăn theo nhưng vẫn nghĩ trong bụng “chẳng lẽ mình cũng vớ vẩn vậy ư, tin vào những điều không có căn cứ khoa học”. Cả nhà anh cho anh là thằng khùng, quái gở. Rồi một cuộc xung đột kéo dài nhiều tập giữa anh và mẹ anh. Hàng xóm thì nói nhìn anh xanh gầy, thiếu sức khỏe, mọi người khuyên nên từ bỏ. Anh đã cương quyết làm theo ý mình và đã có kết quả, bệnh tình dần hết. Từ chỗ ăn gạo lứt muối mè, anh Thuần quen biết với người bạn trên xóm gạo lứt Bình Dương. Anh chuyển đến ở, truyền bá cho những người dân bị bệnh, lập nên “Xóm gạo lứt sống vui”.
Giáo sư Ohsawa đề xuất dùng thức ăn dương để trị ung thư. Trong đó gạo lứt được ông cho là có nhiều đặc tính dương.
Anh Thuần khẳng định những người trong xóm này, sau một thời gian ăn gạo lứt muối mè không biết khỏi bệnh hay không nhưng thấy cơ thể khỏe hơn, bớt hẳn những triệu chứng trước đây đang phải gánh chịu, như bà Hai To, bà Tư Quán, bà Năm Thơ, chị Bảy Lợt, anh Út Măng…
Bà Tư Quán ăn gạo lứt muối mè hết ung thư
Chúng tôi tìm đến nhà bà Tư Quán. Ngôi nhà tranh tuềnh toàng nhưng rất sạch sẽ giữa một vườn cây ăn trái khoảng hơn 1.000 m2. Bà Tư Quán đang rửa rau bên một chiếc vòi, nước trong vắt mà như bà nói, chảy quanh năm suốt tháng từ một khe nước tự nhiên trong vườn. Và bà chỉ vào rổ rau vừa rửa xong: “Rau tự trồng đó, sạch 100%”.
Bà kể cách đây gần 15 năm bà thấy đau bụng, đi bệnh viện Từ Dũ khám nhưng các bác sĩ không phát hiện bệnh gì, đẩy qua bệnh viện Ung Bướu, và qua siêu âm xét nghiệm bà bị ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Gom hết số tiền trong nhà và vay mượn họ hàng được gần 20 triệu, bà nằm xạ trị nhưng kết quả không khả thi. Nghe người trong xóm đồn thổi, ăn gạo lứt muối mè có khả năng sẽ làm triệt tiêu các tế bào ung thư. Được anh Vũ Huy Thuần cho cuốn sách của ông Ngô Thành Nhân về cách thức ăn thực dưỡng gạo lứt muối mè, bà ăn theo sách, cơm gạo lứt được bà nấu bằng bếp củi, rang mè vừa chín, nghiền nhuyễn và trộn muối hầm ăn với rau tự trồng trong vườn. Ăn nhai kỹ và không há miệng, áp gừng và môn phụ trợ đúng theo sách hướng dẫn…
Ăn một thời gian ngắn, cơ thể bà bị phản ứng, giật, ói, chất độc được tống ra ngoài. Bà nằm 7 ngày 7 đêm như xác chết, chỉ còn xương bọc da. Khoảng 2 năm sau bà tỉnh dần và thấy người khỏe. 6 năm liên tiếp bà chỉ đọc sách gạo lứt và và ăn gạo lứt với rau tự trồng. Sau này bà đi xét nghiệm lại được bác sĩ cho biết đã không còn ung thư.
Gạo lứt muối mè có liên quan gì đến ung thư?
Nếu chứng minh một cách khoa học gạo lứt muối mè chữa bệnh ung thư thì trên thế giới không ai chứng minh được, nhưng nói về triết lý âm dương trong ẩm thực thức ăn thì giáo sư Gherzon (Đức) trong cuốn Điều trị ung thư đã nhận định: “Ung thư là sự trả thù của tự nhiên vì con người sử dụng thức ăn sai lầm”. Công trình nghiên cứu năm 1963 so sánh tỷ lệ các bệnh ung thư ở Nhật Bản và Mỹ cho thấy người Mỹ bị ung thư vú gấp 2 lần và ung thư đại tràng gấp 3 lần người Nhật, còn người Nhật bị ung thư dạ dày gấp 6 lần người Mỹ.
Những tỷ lệ này cho thấy có sự khác biệt trong tập quán ăn uống. Người Nhật ăn các loại tinh chế như gạo trắng, đường, giấm, bột ngọt và các gia vị hóa học khác, vì vậy người Nhật có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn Mỹ. Còn người Mỹ thường bị ung thư đại tràng hơn vì họ ăn nhiều thịt, trứng…
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Hideo Ohmori: Nếu ung thư ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa, có thể dễ dàng chữa khỏi bằng thức ăn, không cần bất cứ liệu pháp nào khác. Năm 1982, bác sĩ Anthony At-tilaro, giám đốc một bệnh viện lớn ở Philadelphia (Mỹ) bị ung thư tuyến tiền liệt và tinh hoàn, và ông đã khỏi chỉ nhờ điều trị bằng ăn uống. Sự kiện này đã gây chấn động trong y giới thế giới.
Năm 1985, một hội nghị gồm 8.000 bác sĩ chuyên khoa về ung thư họp tại Seattle (Mỹ) đã công nhận tầm quan trọng của ăn uống trong việc phòng và trị ung thư.
Ngoài ra giáo sư Ohsawa (Nhật Bản) khi nghiên cứu về âm dương trong ăn uống, ông cho rằng ung thư là hiện tượng âm hóa, âm phát triển quá. Vì vậy Ohsawa đề xuất dùng thức ăn dương để trị ung thư. Trong đó gạo lứt được Ohsawa cho là có nhiều đặc tính dương.
Lượng gạo lứt muối mè điều trị ung thư như thế nào là phù hợp?
Ở một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… cũng đã có khoa thực dưỡng nghiên cứu về dùng thức ăn chữa bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Thuốc uống, thuốc chích… khi đưa vào cơ thể phải tính đến liều lượng nhất định (ít quá không đủ để trị bệnh, nhiều quá có thể làm tổn hại), ăn gạo lứt muối mè cũng vậy. Bác sĩ Vũ Định trong “Ăn uống và sức khỏe” có đưa ra phác thảo dùng thức ăn để chữa bệnh ung thư, trong đó có: Cốc loại chưa tinh chế (chủ yếu là gạo lứt muối mè) 50 – 60%; rau củ 20 – 30 %; đậu, rong biển 5 – 10 %. Khi ăn phải nhai thật kỹ, và trong quá trình chữa bệnh không ăn một thứ gì khác. Nên uống nước gạo lứt, nước đun sôi, hoặc nước chè tươi. Không uống nước nhiều chỉ khi khát mới uống.
Còn anh Vũ Huy Thuần, với những kinh nghiệm từ bản thân, cho hay khi ăn phải căn tỷ lệ, gạo bao nhiêu, mè bao nhiêu, muối bao nhiêu, ăn trong thời gian bao lâu… và tùy từng loại ung thư khác nhau mà điều trị khác nhau, làm sao để cân bằng tỷ lệ âm dương.
Cách thức nấu cơm có thể bằng nồi inox, nồi áp suất, nồi gang, nồi đất. Ăn 1 chén cơm 1 muỗng muối mè, tỷ lệ muối mè là 100g mè, 1 muỗng cà phê muối hột rang lên. Và theo anh Thuần, cho muối vào mè nhiều quá cũng không tốt, ăn lạt quá cũng không tốt… Khi ăn, quan trọng là nhai càng kỹ càng tốt.
Mức độ khỏi bệnh
Giáo sư Ohsawa khi nghiên cứu về ung thư cho rằng, nếu ung thư ở các cơ quan xốp, rỗng (âm)… do âm gây nên, rất thích hợp với phương pháp gạo lứt muối mè (dùng dương trị âm). Ngược lại, những bệnh nhân ung thư ở các cơ quan, bộ phận đặc (dương) như gan, thận, do dương gây nên khi dùng gạo lứt muối mè để điều trị, cần lưu ý thêm thực phẩm âm để quân bình hóa dương thì mới có hiệu quả. Đây cũng là lý do có nhiều người bị ung thư có người ăn gạo lứt muối mè khỏi, có người không khỏi…
Theo anh Vũ Huy Thuần, phương pháp nào cũng có tỷ lệ không thành công khoảng 30%. Nếu thành công mỹ mãn 100% thì cả thế giới này sẽ ăn uống theo phương pháp thực dưỡng rồi. Ông Ohsawa viết sách về thực dưỡng cho người châu Âu ở khí hậu lạnh, nếu đem về Việt Nam áp dụng là trật, cho nên gạo lứt muối mè ở khí hậu lạnh như các nước châu Âu họ ăn liên tiếp 5, 7 tháng cũng không sao, nhưng ở Việt Nam khí hậu nóng ăn như vậy thì… chết. Vấn đề là phải biết cách khéo léo vận dụng vào thực tế.
Anh Thuần đã chứng kiến nhiều người chết vì ăn theo kiểu cực đoan vì cho rằng gạo lứt muối mè là thần dược thuốc tiên, ăn càng lâu càng tốt, ăn lâu sẽ đạt đạo, khai mở trí phán đoán, đạt đến cảnh giới nào đó. Nhưng họ đã nhầm lẫn, gạo lứt muối mè cũng như thuốc, là con dao 2 lưỡi có thể cứu người và có thể giết người, ăn càng lâu chỉ còn da bọc xương vì không đủ năng lượng để sống. Nếu một người ăn gạo lứt muối mè từ bé thì cơ địa đã quen với sự biến đổi chất, còn một người đột ngột nhảy qua ăn thì cơ thể không quen được, dẫn đến bị kiệt sức.
Người viết bài này chỉ đưa ra vài trường hợp thực tế ăn gạo lứt muối mè hết ung thư như bà Tư Quán, bà Hai To… Nhưng để kết luận rằng gạo lứt muối mè chữa được bệnh ung thư, cần lắm một nghiên cứu khoa học trên nhiều bệnh nhân ở nhiều dạng ung thư khác nhau để có đánh giá khách quan nhất.
Những dưỡng chất và dược chất có trong gạo lứt: – Chất bột phức hợp (complex carbohydrate): Điều hòa chuyển hóa chất đạm, và chất béo, phòng chống bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch. – Chất béo (dầu cám): Giảm cholesterol, chống xơ cứng động mạch, chống mất nước và ngừa phóng xạ. – Chất xơ: Hỗ trợ tiêu hóa – Sinh tố B1: Chống tê phù và táo bón, ổn định thần kinh, chống stress. – Sinh tố B2: Làm đẹp, ngừa các chứng viêm miệng, môi, lưỡi và khô mắt… – Sinh tố B3: Ngừa bệnh Pellagra (viêm da, kèm tiêu chảy, mất trí), chữa chứng tâm thần phân liệt. – Sinh tố B6 (có trong mầm gạo): Cchống viêm da. – Axit pantotenic: Tăng cường vỏ não, phòng chống loét dạ dày, thiếu máu, thấp khớp, u bứu ác tính. – Axit paraaminnobenzoic: Thông hô hấp, tiêu đờm, chữa hen suyễn. – Axit folic: Tham gia tạo máu, chống bệnh bạch huyết. – Biotin (sinh tố H): Chống rụng tóc, viêm dạ dày … – Xêlen: Ngừa ung thư… – Sinh tố E: Duy trì và tăng cường hoạt động sinh dục, phòng chống ung thư phổi và vú, kích thích hệ miễn nhiễm giải độc cho cơ thể. – Tiền sinh tố A: Giữ độ tinh của mắt, phòng chống ung thư… – Ngoài ra còn có chất vôi, chất sắt, manhe, chất men… và một số dưỡng chất khác… |
Thùy Vân (theo DDVN)