Nhân phẩm để đâu, nhân cách để đâu. Thật là những bức xúc ngời ngời nhân văn chính nghĩa. Nó nhân văn tới mức, lịch sử (Tấn thư) buộc phải chép lại lời của Tấn Huệ Đế (259 – 306), coi như một mẫu câu kinh điển.
Vị hoàng đế nước Tầu này, khi biết dân trong vương quốc của mình bị lũ lụt chết đói vì không có gạo ăn thì ngạc nhiên sửng sốt. Sao bọn họ ngu vậy, không ăn cơm thì ăn yến. Như ta đây cũng có lúc chán cơm, ta chuyển sang ăn tôm hùm hấp phô mai thì thấy có đói gì đâu. Các dư dật đại gia của ngày nay, sau khi phè phỡn thỏa mãn xong cũng thường day dứt hỏi cái con bé nghều ngào chân tay tanh mùi bùn đang cúi gằm mặt nhận tiền boa “tại sao em phải đi bán trinh”.
Cách đây gần ba trăm năm, thương gia Mã Giám Sinh chẳng bao giờ tử tế hỏi Thúy Kiều một câu nồng nàn chia sẻ như vậy. Bán là bán, mua là mua. Không những thế họ Mã còn “cò kè bớt một thêm hai. Cuối cùng ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Có lẽ vì không biết nức nở biểu diễn lương tâm nên muôn đời Mã Giám Sinh chỉ là thằng ma cô dắt mối, vĩnh viễn không đến tầm đại gia. Thằng này có phấn đấu buôn bán cả đời thì may mắn lắm cũng chỉ lấp ló ở cửa câu lạc bộ những doanh nhân trẻ.
Về bản chất, bán mình là chuyện đại sự, nếu không gặp đại biến cố thì hiếm có ai bỗng dưng bán mình. Tuy nhiên, cuộc đời vốn đầy bất trắc nên thao tác bán mình vẫn có thể xảy ra với cả đàn ông lẫn đàn bà thậm chí đó là lỗi lạc anh hùng hay giai nhân lương thiện. Có điều, vào thời phong kiến vừa thối nát vừa đáng thương, việc bán mình là việc bần cùng bất đắc dĩ. Khi sinh kế lâm tuyệt lộ tối om như tiền đồ chị Dậu (Tắt Đèn – NXB Giáo Dục 1987) thì việc đầu tiên là có chó phải bán chó đã, có con gái lớn thì phải bán con gái đã. Nó hao hao như trường hợp của hảo hán Thanh diện thú Dương Chí (Thủy Hử – NXB 1988), trước khi bán mình cho thằng quan lớn Lương Trung Thư, con rể thái sư thì giẫy giụa vớt vát tự trọng bằng cách đem bảo đao gia truyền đi bán.
Nó khác hẳn hôm nay, “tình hình mãi dâm 6 tháng đầu năm cho thấy, độ tuổi của người bán dâm trẻ hóa, có sự tham gia của cả học sinh và sinh viên… Người mẫu diễn viên hoa khôi bán dâm thì nhiều, nguyên nhân chính là do thu nhập từ bán dâm rất cao. Các vụ việc vừa được phanh phui cho thấy, có người đẹp thu được vài nghìn USD mỗi lần bán dâm”. (Trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong số ra ngày 02/08/2012 của bà Lê Thị Hà – Phó cục trưởng phòng chống tệ nạn xã hội). Đấy là chưa kể ở xã hội nồng nặc mùi kim tiền, tự nhiên xuất hiện một loại người rửng mỡ, hợm hĩnh đưa ra những “lời đề nghị khiếm nhã” kiểu như cái phim vừa sến vừa khốn nạn có hai đại tài tử Robert Retford và Demi Moore thủ vai.
Chuyện bán mình thuần túy trở thành dung tục. Không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à. Chẳng cần lâm tuyệt lộ, chẳng cần nhà tan cửa nát, người ta vẫn nhí nhảnh vô tư đem mình ra bán nếu cảm thấy hơi đoi đói. Cái nguyên tắc trọc phú bẩn thỉu, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền đã đàng hoàng lên ngôi. Đâu rồi tiếng thét thất thanh của Thúy Kiều “rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha”, mà chỉ thấy người đẹp nghẹn ngào nức nở “xê ra để thiếp bán mình chuộc xe”.
Thưa các quý ngài, bán mình là xấu hay là tốt, đại văn hào người Nga là Dostoevsky đã rưng rưng không dám hỏi những thiếu nữ như cô bé Sonya Semyonovna khi em trót nhỡ rơi vào “sự khốn cùng. Trong cảnh nghèo nàn, ngài có thể giữ được bẩm tính cao thượng của tâm hồn, nhưng trong cảnh khốn cùng thì không bao giờ và không ai có thể giữ được. Khi ngài ở trong cảnh khốn cùng thì người ta sẽ đuổi ngài, không phải đuổi bằng gậy nữa, thưa ngài, người ta sẽ quét ngài ra khỏi xã hội loài người bằng một cái chổi để cho càng thêm nhục nhã”. (Tội ác và trừng phạt – NXB Văn Học 1999, trang 18).
Ngoài một chút ít nhan sắc, chút ít tuổi trẻ, Sonya lấy đâu ra chó, đào đâu ra bảo đao. Đã thế bố thì nghiện ngập, các em thì nheo nhóc bệnh tật, mà viện phí thì cao chót vót như giầy cao gót của mấy á hậu quen leo trèo showbiz. “Như nàng lấy hiếu làm trinh” (Kiều). Vậy thì phải bán mình thôi. Khi Sonya tự bán em lần đầu, giá là 30 rúp, nói theo kiểu chợ Đồng Xuân thì còn rẻ hơn rau. Sonya em ơi, hơn trăm năm rồi, những thằng đạo đức giả đã thôi mặc cả em chưa?
Chuyện bán mình buồn cười nhất là chuyện được nhà văn Pháp Maupassant kể lại ở truyện ngắn kiệt tác “Viên mỡ bò”, (NXB Văn Học 1968). Trên chuyến xe sơ tán chạy loạn trong cuộc chiến tranh Đức-Pháp, có rất nhiều người yêu nước vừa đại trí thức vừa đại đạo đức. Lẫn vào bọn họ là một cô gái điếm hơi béo một tý nên bị gọi là Viên mỡ bò.
Cô này ngốc đến mức làm các quý ông quý bà độc giả thời nay phì buồn cười. Khi đám kia đói thì Viên mỡ bò cho ăn. Khi họ bị nguy nan thì Viên mỡ bò nghiến răng hiến thân cứu, cho dù nguyên tắc của cô là không bao giờ ngủ với kẻ thù. Những lúc ấy đám đại nhân đại nghĩa đại gia kia gọi cô là thánh là tướng là vị tha. Đến khi họ no, họ thoát hiểm họ điềm nhiên kêu cô là con đĩ. Họ cao đạo không hiểu nổi tại sao lại có người rẻ mạt hành nghề bằng cách bán mình. Nhân phẩm để đâu, nhân cách để đâu.
Chịu, buồn cười quá, không thể trả lời nổi.
Nguyễn Việt Hà