Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Loanh quanh trách nhiệm

Gác khánh chùa Trăm Gian trước khi bị dỡ ra xây mới –  Ảnh: Quân Anh

Cũng trong văn bản này, UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm các cá nhân và tập thể liên quan có những hành vi xâm phạm di tích lịch sử quốc gia chùa Trăm Gian (Tuổi Trẻ ngày 26, 27, 28-8).

“Lỗi của Hà Nội”

Cùng ngày, trước đó UBND huyện Chương Mỹ cũng gửi công văn đến UBND TP Hà Nội báo cáo về sự việc ở chùa Trăm Gian. Trong công văn do ông Vũ Văn Đông (phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ) ký, huyện Chương Mỹ nhận khuyết điểm với tư cách là cơ quan quản lý địa phương. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Đông cho biết trách nhiệm về trùng tu, bảo tồn thuộc về TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL.

Ông Đông cũng đưa ra hàng loạt công văn qua lại giữa TP Hà Nội, Sở VH-TT&DL, Sở Kế hoạch – đầu tư về việc phê duyệt dự án trùng tu chùa Trăm Gian với kinh phí lên tới hơn 14 tỉ đồng. “Chúng tôi không được biết thủ tục cuối cùng có được phê duyệt không. Đây là di sản quốc gia thì phải thuộc trách nhiệm của các cơ quan cấp trên. Trong khi di tích gỗ đã bị mối xông, tiêu tâm, không làm lại thì nó đổ. Còn chúng tôi chỉ là địa phương, bảo đâu làm đó chứ không nắm được việc trùng tu này” – ông Đông nói.

Trong khi đó, theo Cục Di sản văn hóa, việc quản lý di sản là trách nhiệm của địa phương mà đứng đầu là chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại Hà Nội phân cấp rất sâu, có di tích do sở quản lý nhưng cũng có những di tích do huyện quản lý, rồi huyện lại phân về cho xã. “Đây là lỗi của Hà Nội vì để di tích xuống cấp nhiều năm mà không đả động gì đến” – đại diện Cục Di sản văn hóa khẳng định.

Không thể biện minh

Về phía Sở VH-TT&DL Hà Nội, phó giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết vẫn còn phải họp và chưa đưa ra bất kỳ kết luận gì. Dù vậy, trả lời trên một tờ báo về việc chùa Trăm Gian bị hủy hoại, ông Nguyễn Đức Hòa đã rất mạnh dạn khi cho rằng “chỉ là tu bổ nhà tổ, gác khánh chứ không phải nhà chính như các báo nói, vì thế không có gì ghê gớm”, và “chùa đã xuống cấp, để chống sập thì phải làm, có thể chưa đúng nguyên tắc trùng tu, nhưng việc tu bổ chùa Trăm Gian là góp phần giữ gìn cảnh quan chùa”. Rồi ông Hòa mạnh mẽ kết luận: “Không có chuyện khoán trắng di tích cho cá nhân nào cả, việc tu bổ chỉ làm cho chùa khá lên, chỉ sai ở góc độ nào đó thôi, sai thì xử lý, không thể nói vì cái này cái kia được”.

Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Thành Vinh – viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) – nói: “Việc vi phạm Luật di sản văn hóa ở chùa Trăm Gian đã quá rõ ràng. Cần biết rằng nhà tổ, gác khánh hay bậc cấp đá trước sân tiền đường là những nhân tố (có người gọi là bộ phận) cấu thành nên giá trị tổng thể di tích chùa Trăm Gian. Không và khó có thể đánh giá được đâu là công trình chính, phụ của tổng thể di tích. Dù ở đây làm với mục đích gì, dù không làm lợi cho riêng ai nhưng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu như thế phải được ngăn chặn và không để tái diễn. Có thể làm thế này nhà chùa sẽ khang trang, vững chãi hơn nhưng giá trị của di tích bị suy giảm và mất mát. Tôi muốn nói thêm rằng không có gì để có thể biện minh cho việc buông lỏng quản lý và thiếu ý thức bảo vệ di sản. Nhưng điều quan trọng hơn lúc này là cần phải xử lý thực trạng này như thế nào?”.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Xuân Thành (chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL) cho biết: Trong trường hợp ở chùa Trăm Gian hoàn toàn có thể xét xử hình sự về tội phá hoại di tích quốc gia. Tuy nhiên, xét về động cơ thì có thể hiểu được vì người dân và nhà chùa nóng ruột hạ xuống để sửa chữa chứ không phải cố ý phá hoại. Ngoài quyết định đình chỉ và yêu cầu phục hồi theo đúng nguyên gốc, thanh tra cũng sẽ phải làm việc thêm để quyết định mức xử phạt. Theo nghị định 75 hiện nay, mức phạt tối đa cho hành động này khoảng 20 triệu đồng.

Ông Trần Đình Thành (phó phòng di sản văn hóa Cục Di sản văn hóa):

Bộ cũng không can thiệp được

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Thành – phó phòng di sản văn hóa Cục Di sản văn hóa – cho biết:

– Hạng mục nhà tổ, gác khánh đã xuống cấp từ lâu rồi, hệ thống mộng bị mối, xà mất liên kết với cột. Nhà chùa đã phải chống bằng thanh tre, cột gỗ. Bắt đầu từ năm 2006, Cục Di sản văn hóa và Sở VH-TT&DL Hà Nội đã lên phương án trùng tu. Đến năm 2010, thiết kế trùng tu chùa Trăm Gian đã được cục phê duyệt trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc giá trị của ngôi chùa. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, từ năm 2010 đến nay Sở VH-TT&DL vẫn chưa triển khai dự án tu bổ để đến nỗi người dân tự ý tu sửa và xảy ra tình trạng làm mới như vừa rồi. Cục đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội xuống bảo vệ các cấu kiện cũ để đưa lại công trình, phục hồi các hạng mục theo đúng thiết kế trùng tu đã phê duyệt từ năm 2010.

* Thưa ông, trong việc này Cục Di sản văn hóa cũng không thể không có trách nhiệm?

– Dĩ nhiên cục không phủ nhận trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, cục không có đủ người để theo dõi từng di tích. Việc quản lý di tích vẫn phải dựa vào địa phương. Ngay cả trong sự việc chùa Trăm Gian, bộ hay cục không thể đến tận nơi kỷ luật cán bộ xã huyện được. Cục sẽ thường xuyên kiểm tra Hà Nội khắc phục như thế nào. Công trình trùng tu đã có hồ sơ thực hiện rồi, sẽ cố gắng tận dụng tối đa các vật liệu cũ để dựng lại theo bản vẽ. Cục và bộ đã làm hết trách nhiệm, đầu tư lúc nào và thực hiện đúng thiết kế hay không là việc của Hà Nội.

Theo Tuổi trẻ


From the same category