Nguyễn Ánh 9 có lúc rất hóm hỉnh nhưng đôi khi trầm tư, đã nói rất thật lòng về cuộc đời mình, về những người hát nhạc của mình và cả những cái dở, cái chưa đẹp của những người làm nghệ thuật, mong góp ý chân thành cho những ai muốn tìm đến nghệ thuật chân chính.
“Có ai gọi Beethoven, Mozart… là xướng ca vô loài?”
Người nghệ sĩ vào đề bằng câu chuyện lúc bắt đầu con đường của mình. Từ một cậu công tử mà gia đình mong muốn sẽ trở thành bác sĩ kĩ sư, ông lại say mê tiếng dương cầm: “Dương cầm người ta ví như vua của các loại nhạc cụ đấy, còn violon là hoàng hậu”. Và bạn sẽ ngồi lặng im, lắng nghe vị nhạc sĩ tài hoa vừa hút thuốc vừa trải lòng.
Ngày đó gia đình phản đối kịch liệt việc tôi muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, vì cho rằng nghệ sĩ là xướng ca vô loài. Khi đó tôi còn trẻ, lại ảnh hưởng theo phong cách Tây, mà ở phương Tây thì đến mười tám tuổi đã ra ngoài tự lập rồi. Cái tôi cá nhân của tôi ngày ấy quyết chí tự lập sống bằng tiếng đàn. Tôi yêu dương cầm lắm. Tôi nghĩ chỉ có những người mượn danh nghệ sĩ làm bậy bạ mới là xướng ca vô loài, chứ còn đàn hát thì có gì xấu. Có ai gọi Beethoven, Mozart… là xướng ca vô loài?
Cả cuộc đời đi với âm nhạc, tiếng đàn của ông từng nâng đỡ biết bao tiếng hát. Có người giờ đã thành danh rực rỡ nhưng cũng có người tên tuổi bị lãng quên ở một góc trời nào đó. Nhưng đệm đàn cũng có bí quyết, cái bí quyết ấy giúp tiếng đàn của ông đi vào lòng khán giả yêu nhạc.
Người nhạc công song hành cùng người ca sĩ, họ truyền cảm hứng cho nhau trên sân khấu. Tiếng đàn của mình nâng đỡ tiếng hát của họ. Tôi nhờ có trí nhớ tốt, tôi thuộc lời rất nhiều bài hát. Tôi biết người ca sĩ hát đến đâu để mà đệm đàn như thế nào, nếu họ có quên lời thì còn có thể nhắc. Lớp trẻ giờ ít người thuộc bài hát quá! Mà ca từ hiện giờ lại sáo rỗng và dễ dãi, nó không có ý nghĩa như ngày xưa. Khi mình đệm đàn mình cũng phải suy nghĩ hôm nay đàn thế này, ngày mai lại khác đi, mới mẻ hơn. Đừng có trăm lần như một. Mà tôi thích đệm đàn cho những ca sĩ không chuyên hát, họ hát với tất cả niềm say mê…
Có hôm tôi đàn không được hay nhưng khán giả vẫn vỗ tay là điều tôi trăn trở. Dường như họ chỉ đến vì cái danh của tôi chứ không phải đồng cảm với âm nhạc của tôi. Tôi buồn lắm! Cũng có những khán giả trẻ, một đêm tôi đàn không được hay họ đã đến góp ý với tôi rằng con nói chú đừng buồn, hôm nay chú không khỏe hay sao mà tiếng đàn của chú… Tôi trăn trở lắm, lý nào mình quay trở lại sân khấu xin lỗi khán giả, như thế thì kì quá. Tôi xin lỗi những bạn trẻ và cảm ơn vì họ đã góp ý cho tôi!
Nguyễn Ánh 9 với những sáng tác Không, Tình khúc chiều mưa, Lặng lẽ tiếng dương cầm và Cô đơn… đã đi vào lòng người. Khắc khoải lắm, da diết lắm “đêm đêm cùng tiếng hát, cho vơi niềm thương nhớ, còn gì cho ước mơ…”. Lời bài hát là những niềm nhớ thương day dứt về mối tình chưa trọn vẹn, là những rung cảm thật sự. Đâu phải là ái tình phù phiếm giữa dòng đời viết quấy viết vội.
Tôi ghét nhất ai đó hỏi tôi cả đời tôi viết được bao nhiêu bài hát. Viết nhiều là hay sao? Mỗi bài hát là những tâm tư từ trong ruột gan. Nguyễn Văn Thương chỉ có Đêm đông, Nguyên Văn Tý chỉ có Dư âm… Nhưng đó là những ca khúc để đời.
Khi không có cảm hứng thì tôi không thể nào sáng tác được. Có người đã đặt tôi 500 đô và năn nỉ để tôi phổ nhạc cho thơ của họ, nhưng tôi không cảm được thơ họ thì lấy gì mà viết. 500 đô cũng là số tiền lớn đấy, nhưng giá trị của mình có ngần ấy thôi sao. Tôi sáng tác không phải vì tiền. Có người tôi cảm thơ họ, tôi còn năn nỉ để được phổ nhạc.
Ai hát nhạc tôi, tôi thích lắm, cảm động nữa, vì họ đồng cảm với mình. Tuy nhiên cũng có người hát nhạc tôi theo kiểu cách tân, khó nghe lắm. Lẽ nào tôi bảo họ thôi đừng hát nhạc tôi nữa!
Nỗi buồn thiếu vắng tiếng hát xưa
Khi tôi hỏi phải chăng ca sĩ Khánh Ly là tri kỷ của ông. Ông gật đầu xác nhận, ông từng ví tiếng hát của Khánh Ly là “tiếng hát lạc loài”.
Khánh Ly hồi đó chưa phải là ca sĩ nổi tiếng. Khánh Ly khi ấy nghệ sĩ lắm, hát rất là gàng, vừa hát vừa hút thuốc rất ư là bất cần. Nó trở về Đà Lạt rồi gặp được Trịnh Công Sơn. Nó hát nhạc Trịnh Công Sơn được nhiều người yêu thích. Mà nó thuộc rất nhiều lời bài hát. Trịnh Công Sơn có đến cả trăm bài mà bài nào nó cũng thuộc hết, ngay cả bài trường ca giờ đố ai thuộc được…
Người nghệ sĩ có bao giờ hết cô đơn?
Tôi vẫn cô đơn, vì tiếng hát ấy giờ không cất lên được nữa. Đó là ca sĩ Thái Thanh. Tôi có đàn cho Ý Lan hát… nhưng tiếng hát của Thái Thanh không gì thay thế được…
Rồi người nhạc sĩ trầm ngâm nhìn về thực tại.
Thật ra thời ca sĩ còn hàn vi thì tiếng hát lại hay hơn, đầy nội lực hơn, họ không vì danh tiếng, không chạy theo thị hiếu. Bạn có viết biết báo hãy hỏi những người nổi tiếng thuở đầu khó khăn của họ, để họ nhớ mình đã nỗ lực thế nào và cả đam mê ngày ấy, để họ tỉnh lại giữa ánh hào quang phù phiếm…
Tôi luôn muốn động viên lớp trẻ, hãy hát đi bằng chính con tim mình, đừng chạy theo thị trường. Giá trị mình có được mới là thứ lâu bền…
“Một tình yêu đâu dễ quên”
Khi tôi hỏi về người vợ đã cùng ông đi đến gần cuối con đường đời. Tôi thấy mắt ông rưng rưng, nhưng cũng có thể chỉ là chút nắng long lanh của ngày mới đang bắt đầu.
Tôi và vợ tôi không biết ai yêu nhau trước. Có lẽ nói là thích thì đúng hơn. Chung tôi cũng hẹn hò. Rồi một hôm tôi ngỏ lời với cô ấy “Hay chúng mình cưới nhau đi”. Người ta hay nói nghệ sĩ ở với nhau không bền, chúng mình hãy làm điều ngược lại đi!”.
Cô ấy đã chỉnh cho tôi bài Lặng lẽ tiếng dương cầm từ “một tình yêu tôi đã quên”. Đó là tôi muốn chấm dứt hẳn như tờ giấy sang trang mới. Nhưng cô ấy đã sửa lại “một tình yêu đâu dễ quên”. Cô ấy hiểu tôi mà. Cô ấy bảo những thứ nhỏ bé tôi còn không quên được thì mối tình lớn ấy làm sao tôi quên được. Cô ấy luôn ở bên tôi và không muốn cảm bước tôi đi trên con đường nghệ thuật. Tôi nói thế là để bạn hiểu vì sao tôi chấp nhận cô ấy sửa nhạc của mình.
Có lẽ là cô ấy đã yêu tôi trước. Tôi thấy mình yêu cô ấy thực sự vào lúc tôi định bỏ nghề vì lúc đó âm nhạc điện tử thịnh hành quá (những năm 2000) rồi tôi trở lại với nghề, với ánh đèn sân khấu. Khi kết hôn, tôi bắt cô ấy ở nhà, cô ấy kết hôn năm 20 tuổi rồi sinh con. Cô ấy đi xem tôi đàn, chắc vì sợ sẽ nhớ ánh đèn sân khấu. Cô ấy đã hi sinh cho tôi quá nhiều. Tôi đã tặng cô ấy chiếc nhẫn. Dường như tôi đã cưới lại cô ấy…
Ở hai người con đôi khi tôi thấy lại hình ảnh của mình thời trẻ say mê với âm nhạc.
Khi tôi nhắc lại đêm nhạc cách đây 2 năm mà nhạc sĩ Nguyễn Quang – con trai ông – đã tổ chức cho ông ở Hà Nội. Liệu bao giờ khán giả lại được thưởng thức một đêm nhạc đầy cảm xúc như thế nữa? Ông bảo đó là ấp ủ lớn hiện giờ của ông, ông đang tìm tài trợ. Rồi ông nhẩm những cái tên đã gắn liền với những ca khúc của ông.
Tôi vẫn ao ước về một đêm nhạc, ở trên sân khấu sẽ đặt 3 chiếc đàn piano cho tôi và 2 người con trai trình diễn các nhạc khúc do tôi soạn. Buổi biểu diễn sẽ lắng đọng nhưng cũng có những giây phút vui tươi, nếu lắng đọng mãi thì khán giả ngủ hết (cười). Những giây phút sôi động sẽ đánh thức khán giả, sau đó mình lại đưa họ trở về không gian dìu dặt tiếng nhạc…
Sau một giờ…
Một giờ với Nguyễn Ánh là do nhạc sĩ gợi ý: “Bạn chỉ viết đơn giản là: Một giờ với Nguyễn Ánh 9, đừng viết gì hoa mỹ phức tạp”. Nhưng cuộc chuyện trò đâu chỉ diễn ra trong một giờ, có những lúc lặng đọng, cũng có lúc người nhạc sĩ hóm hỉnh vui tươi, cũng có lúc người nhạc sĩ trầm ngâm với bài hát, vừa nghe ông vừa lẩm nhẩm lời: “Lời cũ của bài hát này là thế này. Nhiều người đã quen với lời cũ hơn, với lời mới dường như đã trở thành một bài hát mới…”.
Rồi sáng tác đầu tay của ông vang lên: “Không! Không! Tôi không còn tôi không còn yêu em nữa…”. Ông bảo tôi nên nghe Đặng Lệ Quân hát để thấy được cái thần, cái hồn thực sự của bài hát. Rồi giọng ông xa vắng như tự nói với chính mình: “Thật ra người con trai đó dối lòng bởi nếu thực sự không còn yêu nữa thì cuối câu lại gọi hai tiếng Em ơi làm gì…”
Buổi chuyện trò của ngày hôm ấy đã kết thúc như thế!
Bài: Hoàng Trâm
Ảnh: Đại Ngô
Theo Mỹ thuật