Đứa trẻ bất kham của thế giới thời trang - Tạp chí Đẹp

Đứa trẻ bất kham của thế giới thời trang

Thời Trang

Là bậc thầy trong việc tổng hợp các xu hướng và phong cách từ những kinh đô thời trang như London, Milan hay Paris, những trang phục do ông thiết kế luôn mang nét thanh lịch, lãng mạn pha chút táo bạo và “thô thiển”. Nhưng phải chăng,  vì thế, cái tên Jean-Paul Gautier vẫn luôn có chỗ đứng trong làng thời trang thế giới?

“Con quỷ nhỏ” Jean-Paul Gautier

Trong phòng trưng bày của Jean-Paul Gaultier, người ta sẽ thấy xuất hiện những mỹ nữ đẹp mê hồn với đôi môi mọng chín đỏ, chiếc mũ nhỏ nghiêng nghiêng hờ hững trên đầu, chân mang đôi hia đầy bụi bặm, hay các chàng trai hấp dẫn với đôi chân mang vớ dài bằng lưới. Tuy nhiên, cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu như ta bắt gặp hình ảnh của một người phụ nữ với đầy hình xăm trên cơ thể, những lực sĩ thể hình trong chiếc áo vest, các nàng Geisha trong áo khoác bằng da thuộc đen bóng cùng dây ren co giãn hay các cô gái vùng Tyrol thắt bím tóc vàng óng cùng với môi hồng tươi tắn.

Và sau cùng, đằng sau những hình ảnh tượng trưng ấy, họ sẽ vô tình bắt gặp chính “Con quỷ nhỏ”- người đã tạo ra các tuyệt tác thời trang này, với hình ảnh: đầu tròn, tóc ngắn màu bạch kim, mặc áo sọc thủy thủ với chiếc váy Ê-cốt, phủ bên ngoài là chiếc quần jeans hay bộ đồ bó sát bằng vải lycra, chân mang giày cao ống hiệu Dr. Marten, trông như một nhà du khảo sắp khởi hành chuyến đi của mình.

 

Vào khoảng đầu thập niên 70, khi 18 tuổi, Jean Paul Gaultier làm việc với Pierre Cardin trong tư cách là một phụ tá. Cardin là một trong những nhà thiết kế thời trang hiếm hoi có khả năng đưa tinh thần của thời đại vào trong những mẫu thiết kế của mình. Do vậy, kể từ khi có cơ hội cộng tác cùng Cardin, Gaultier đã rút ra một chân lí: không có gì là không thể làm được – “hoàn toàn vô lí khi người ta nghĩ rằng những mảnh vải vụn nhặt ngoài đường không thể được tận dụng vào trong những mẫu thiết kế cao cấp”. Cũng chính từ đây, nghệ thuật sử dụng lại những món đồ bỏ đi trở thành mục tiêu cơ bản trong phương pháp sáng tạo của Gauliter.

Thanh lịch và thô thiển

Sau một thời gian ngắn làm việc cho Jacque Esterel vào năm 1971 và hai năm làm việc cho Patou, ông đã cố gắng đấu tranh phá bỏ tính rụt rè vốn có của thời trang mang âm hưởng của quá khứ. Không còn phù hợp, ông quay trở lại làm cho Pierre Cardin, và được mời đến Manilla để thiết kế nhiều bộ sưu tập cho thị trường Mĩ. Quá trình làm việc cũng là quá trình Jean Paul Gaultier tìm hướng đi cho riêng mình trong thế giới thời trang. Tháng 10 năm 1976, tại cung điện Palais de la Descouverte, Gaultier đã tung ra bộ sưu tập đầu tay, trình diễn những chiếc áo đầm làm từ những tấm thảm trải bàn kết bằng rơm trước sự sửng sốt của công chúng.

Ông tìm sự khoái trá trong việc làm lung lay ranh giới phân chia giữa nét thanh lịch và sự thô thiển, hàng xịn và đồ chợ, cái đẹp và cái xấu. Trong những năm đầu, ông chủ trương thiết kế những bộ trang phục của mình đi theo chiều hướng luộm thuộm, tùy tiện, bừa bãi như thể chúng vô tình được chắp vá với nhau, và bộ sưu tập “Dadaist” được ra mắt vào năm 1983 là một ví dụ điển hình.
 
Ngoài óc sáng tạo tột đỉnh, cách chọn người mẫu của Gaultier cũng đặc biệt không kém. Đôi khi ông chọn một người nào đó đang lang thang ngoài phố hay có nhiều lúc đơn giản là trong đám bạn của mình. Ông chọn họ với lý do vì ngoại hình của họ đối nghịch hoàn toàn với những yêu cầu ngặt nghèo của sân khấu biểu diễn thời trang và họ là những người đại diện cho số đông các phụ nữ trên thế giới.

 

Beth Ditto trong trang phục thời trang Xuân – Hè 2011 của Jean Paul Gaultier

 

Barbès. Bộ sưu tập dành cho phụ nữ Thu – Đông 1984-1985 do người mẫu nam mặc. Chiếc đầm với ngực áo “ Kinh hoàng” bằng nhung.

Nét quyến rũ lộ liễu “ Le charme coincé de la bourgeoisle” – Bộ sưu tập thu – đông 1985 dành cho nữ.

Thần thánh và trần tục hóa

Đó chính là cách mà Gauliter sáng tạo khi ông pha trộn nhiều thể loại với nhau và tái sử dụng những nghệ thuật của các kỷ nguyên trước với một trình độ điêu luyện, tạo ra những phiên bản của nền nghệ thuật hậu-hiện-đại đưa vào những thiết kế cho phái nữ.

Do đó, một vòi hoa sen có thể dùng làm dây nịt đeo vào áo khoác bằng lông thú giả nhái theo mẫu áo khoác kiểu Channel hay một vỏ hộp bỏ đi cũng có thể được ông tận dụng làm hộp đựng nước hoa cho phụ nữ. Như một tác giả siêu thực, Gaultier cắt, dán, kết nối tài tình những thứ chẳng ăn nhập vào nhau. Điển hình, quần jeans cũng có thể trở thành những đôi vớ dài, một chiếc áo khoác vừa vặn có thể trở thành áo thun, một đôi giày cao ống có thể trở thành một đôi ủng cao bồi, và đôi ủng cao bồi có thể được đóng gót cao. Sự kết hợp có tính chọn lọc theo sở thích này trở thành xu hướng thời trang đậm chất Gaultier.

Yvette Horner, nữ hoàng của những nghệ sĩ chơi đàn ắc-cóoc. Bà chính là nguồn cảm hứng của Gaultier.

  

 Vỏ đồ hộp được dùng làm lọ đựng nước hoa của Jean Paul Gaultier.

Đằng sau sự xa hoa của ngành haute couture, người ta còn phát hiện trong sự nghiệp sáng tác của Gaultier là sự đào bới tìm tòi đầy đam mê từ những điều giản dị và gần gũi nhất. Vùng đất mà Gaultier khai quật chính là miền kí ức về quá khứ của riêng ông; những cảm xúc của ông khi còn là một cậu bé 15, 16 tuổi lớn lên ở miền ngoại ô và khám phá ra những lễ nghi của phụ nữ trong những tạp chí; từ vị thần hộ mệnh của ông là bà- người có trách nhiệm dẫn dắt ông đi vào thế giới thời trang đầy huyền bí.

Tuổi thơ của ông đã trôi qua trong quỹ đạo của những người phụ nữ mái tóc hoa râm, trong căn phòng đóng kín nơi mà ông cũng tin rằng đang hiển thị trên tường những bảng màu pastel, những sắc màu sepia (nâu và đỏ tía), những màu quả đào, mù tạc, xanh ve chai, màu sô-cô-la, cam, rỉ sắt, hồng cá hồi, quả chuối.. Tất cả những gam màu này làm cho quần áo của ông mang vẻ hơi phai một mùi hương nồng đậm bắt đầu lan tỏa.

  

Dita Von Tesse trong chiếc đầm màu hồng cá hồi trong bộ sưu tập trang phục nữ “Dadaisme” Xuân-Hè 1983.

 

Mẫu phác thảo của Jean Paul Gaultier dành cho nữ ca sĩ Madona.

Madona trong trang phục của Jean Paul Gaultier. Đây là một trong số các thiết kế mà ông dành riêng cho cô trong chuyến biểu diễn vòng quanh thế giới “Blond Ambition” 1990.

Mẫu thiết kế mang hình ảnh Jean Paul Gaultier  với chiếc áo thun kẻ ngang và quần váy đặc trưng dành cho nam vào 1984 mang tên”L’Homme-objet”.

 Mẫu thiết kế nổi tiếng nằm trong bộ sưu tập dành cho nữ “Barbès” (1984-1885).

Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “French Cancan” Thu-Đông 1991-1992.

Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập thời trang ấn tượng “Les  Cages” (1998-1999).

Mẫu thiết kế mang tên “Lascar dress” nằm trong bộ sưu tập Haute couture Xuân – Hè Les Indes galantes (Romantic India) được trình diễn vào năm 2000.

Thiết kế mang đậm dấu ấn phong cách Gaultier với áo kẻ ngang kiểu thủy thủ. Mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập “ Les Hussardes” – Haute Couter Thu- Đông 2002-2003.

Nằm trong bộ sưu tập Xuân -Hè “Hommage à l’Afrique” được trình diễn vào 2005. Chiếc váy mang tên  “La Mariée”

Những mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập  Haute couture 2007 “Les Vierges”.

Mẫu thiết kế  ấn tượng nằm trong bộ sưu tập Haute couture Thu-Đông “Les Actrices” (2009-2010)

Mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập Haute couture 2012 đươc lấy cảm hứng từ nữ ca sĩ nổi tiếng Amy Whinehouse.

Là một đứa trẻ bất kham của thế giới thời trang, Jean-Paul Gaultier đã làm chúng ta thật ngạc nhiên về sức sáng tạo, năng lực và khả năng hài hước của ông kể từ bộ sưu tập đầu tay vào cuối thập niên 70 cho đến nay. Đã có hàng trăm bộ sưu tập được ra đời, song phong cách mang tên Jean Paul Gaultier vẫn luôn độc đáo và đặc sắc đến lạ lùng.




Dinh Nguyên

Thực hiện: depweb

01/06/2012, 15:43