Nguy hiểm khi ho ra máu - Tạp chí Đẹp

Nguy hiểm khi ho ra máu

Sức Khỏe

Lần đầu tiên bị ho ra máu anh Nguyễn Tiến Đạt (46 tuổi, Q. 5, TP. HCM) còn thản nhiên nghĩ “Có thể do trà răng mạnh nên bị chảy máu thôi”. Rồi những lần tiếp theo hễ cứ ho là lại ra kèm một ít máu tươi, lượng máu ngày càng nhiều. Lúc ấy, anh mới thấy hoảng và vội vàng đi bệnh viện khám thì phát hiện mình bị lao phổi nặng.

 

Dấu hiệu báo bệnh

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Thị Thu Ba, ho ra máu lại là một tai biến cần cấp cứu và là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Người bình thường không thể ho ra máu mà chỉ khi có sự tổn thương nào đó trong phổi làm mạch máu bị vỡ, máu mới được khạc ra ngoài qua đường miệng, mũi. Trước khi ho ra máu, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, hồi hộp, cảm giác nóng ran sau xương ức hay ngột ngạt nặng như có vật đè lên ngực gây khó thở, ngứa cổ họng, có vị máu trong miệng…

Ho ra máu là một dấu hiệu báo bệnh của nhiều bệnh lý như: lao phổi mới, lao phổi tái phát, di chứng lao cũ như xơ sẹo, xẹp phổi, giãn phế quản…; bệnh phổi không lao như: viêm phổi, áp xe phổi, nấm phổi, sán lá phổi, thậm chí là ung thư phổi; tổn thương phổi do hít phải hơi độc, hóa chất độc. Ngoài ra còn là biểu hiện của chứng rối loạn đông máu, bệnh tim mạch, chấn thương ngực… Bác sĩ Thu Ba cho biết đa phần những bệnh nhân bị ho ra máu thường bị bệnh lao và ung thư phổi.

Đa dạng yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ đầu tiên có thể gây ho ra máu là do người có bệnh lý tiền ẩn lao động nặng, gây mất sức. Bên cạnh đó, yếu tố về thần kinh, tâm lý sẽ quyết định việc ho ra máu nhiều hay ít.  Theo bác sĩ Thu Ba, trong quá trình điều trị, các bác sĩ khoa lao đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện bệnh nhưng do xúc động mạnh (la hét vì giận con cái chẳng hạn) nên bị ho ra máu. Một số người không biết mình bị bệnh, do bực bội chuyện gia đình, stress trong công việc nên bị ho ra máu vì những yếu tố trên tác động đến bệnh lý tiềm ẩn. Khi tức giận, thần kinh trung ương điều khiển thần kinh ngoại biên tới mạch máu (có thể đang bị tổn thương nhưng chưa bị chảy máu) làm tăng tiết vỡ mạch máu ở đó, gây chảy máu ồ ạt. Khi thấy mình bị ho ra máu, nhiều người hoảng sợ nghĩ mình bị bệnh nặng, đâm ra lo lắng bất an, không ngủ được khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Ngoài ra tình trạng viêm nhiễm, sốt làm tăng tuần hoàn máu ở phổi, hay sự thay đổi thời tiết đột ngột, thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói, bụi, lạnh… cũng kích thích ho ra máu.

 

Xử lý tùy mức độ

Ho ra máu được phân ra làm 3 mức độ nặng nhẹ khác nhau, khi phát hiện người bệnh bị ho ra máu mà chưa kịp đưa tới bệnh viện, người nhà cần theo dõi lượng máu ho ra để biết cách xử lý.

Trường hợp ho ra máu ở mức độ nhẹ, số lượng máu ho ra ít (dưới 50ml/24 giờ), phải để bệnh nhân nằm nghỉ, bắt bệnh nhân phải ngủ, tuyệt đối không được làm việc nặng. Tốt nhất là nên để bệnh nhân vệ sinh cá nhân ngay trên giường và hạn chế vận động. Với người khó ngủ, phải cho uống thuốc ngủ và thuốc giảm ho vì ho nhiều quá sẽ kích thích máu chảy ra. Chỉ cho bênh nhân ăn thức ăn lỏng và nguội như: sữa, cháo, súp… Khi bệnh nhân ho ra máu mức độ trung bình (50ml – 200ml máu/24 giờ) hoặc nặng (trên 200ml máu/24 giờ) thì nên vào viện cấp cứu và điều trị.

Để phòng ngừa ho ra máu, người bệnh cần được phát hiện càng sớm càng tốt bệnh lao phổi để được điều trị kịp thời, hạn chế để lại di chứng. Ngoài ra, người có bệnh phổi cần tránh những yếu tố nguy cơ dễ gây ho ra máu như: xúc động, lao động nặng, cảm cúm… Khi bị ho ra máu, người bệnh cần bĩnh tĩnh đến khám bác sĩ chuyên khoa phổi để được tư vấn và điều trị tốt nhất.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 10:33