Phương án đổi giờ ít hiệu quả với những tuyến đường chính

Ngày 22/8, liên ngành giao thông và công an Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm. Nội dung trọng tâm được đề cập là kết quả của việc đổi giờ học, giờ làm và kinh doanh trên địa bàn.
 
Một số điểm giao thông ở Hà Nội vẫn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm
Một số điểm giao thông ở Hà Nội vẫn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm

Ô tô, xe máy giảm 15 phút mỗi lượt đi

Để đánh giá hiệu quả của biện pháp đổi giờ có giảm được ùn tắc hay không, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Viện Chiến lược Bộ GTVT tổ chức đếm và tổng hợp, phân tích lưu lượng phương tiện qua một số nút, tuyến đường trọng điểm của thành phố. Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT, sau đổi giờ, hiện tượng ùn tắc giao thông tại một số điểm trên địa bàn thành phố đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, một số khu vực cổng trường học như Tiểu học Thái Thịnh, Trần Quốc Toản, Thành Công… vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông do phụ huynh học sinh tụ tập đưa đón con em.

Kết quả cho thấy lưu lượng phương tiện nói chung và xe máy, xe con nói riêng tại các nút trọng điểm đã được phân bố giãn đều ra các giờ khác nhau, không tập trung quá đông vào giờ cao điểm. Mật độ phương tiện đã giảm tại giờ cao điểm từ 5-15% và giờ cao điểm được giãn rộng ra.

Về thời gian chuyến đi của phương tiện tham gia giao thông cho thấy, giảm trung bình từ 10 – 15 phút (tùy chuyến đi). Tình hình tai nạn giao thông cũng giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương).

Tại một số tuyến phố khác như nút DAEWOO, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn – Khâm Thiên, La Thành… việc đổi giờ không có tác dụng nhiều, do đây là những tuyến đường trục chính, thành phần tham gia giao thông chủ yếu là cán bộ, công chức, lao động tự do… thuộc nhóm không điều chỉnh giờ.

Xe buýt hưởng lợi

Sở GTVT đã điều chỉnh dịch vụ vận tải hành khách công cộng theo phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố với các nội dung: Tăng khung giờ phục vụ cao điểm sáng thêm 1h (từ 6h30 – 8h30 thành từ 6h đến 9h), chiều thêm 1h (từ 16h30 – 18h30 thành 16h30 – 19h30), với 17 tuyến có tần suất trên 10 phút/lượt trên các trục đường trọng yếu.

Biện pháp đổi giờ học trên địa bàn Hà Nội được thử nghiệm cách đây 6 tháng
Biện pháp đổi giờ học trên địa bàn Hà Nội được thử nghiệm cách đây 6 tháng

Xe buýt cũng tăng tần suất phục vụ và điều chỉnh giờ phục vụ của 6 tuyến buýt nhanh: 02,16,27,28, 32, 39 và tổ chức thêm 7 tuyến buýt nhanh khác. Đồng thời, bố trí các tổ kiểm tra giám sát phối hợp với các lực lượng chức năng: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các đơn vị vận hành tại các trục giao thông chính, điểm trung chuyển để hướng dẫn, điều hành, giám sát đảm bảo các tuyến buýt được thông suốt, phục vụ người sử dụng xe buýt được thuận lợi nhất.

Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với các lực lượng công an xây dựng phương án và tổ chức thực hiện chốt trực phân luồng giao thông trên địa bàn tại các trục đường và nút giao thông trọng điểm từ 6 – 22h hàng ngày. Kết hợp với tổ chức phân luồng cấm xe tải hoạt động ban ngày và xe taxi hoạt động trong khung giờ cao điểm trên một số nút giao thông quan trọng: Láng Hạ, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng… Thông xe một số cầu vượt nhẹ. Tổ chức lại giao thông, lắp đặt và đưa vào hoạt động các nút đèn tín hiệu tại một số nút giao thông…

Do đó, nhờ việc điều chỉnh giờ nên áp lực giao thông đã giảm, xe buýt vận hành thông suốt và thuận lợi. Số chuyến/lượt bỏ do ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và tổng số chuyến/lượt bỏ giảm rõ rệt (giảm 11%).

Để tiếp tục đẩy lùi các điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố, đại diện Sở GTVT Hà Nội kiến nghị các ban ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm giảm lưu lượng phương tiện qua nút như: hạn chế phương tiện xe tải, xe chở khách du lịch, xe taxi trong một số khung giờ ban ngày hoặc giờ cao điểm; lắp đặt cầu vượt kết cấu nhẹ cho một số loại phương tiện nhằm tăng khả năng lưu thông qua nút.

Theo Dân trí

From the same category