Sắm sửa cho con
Cha mẹ hãy dẫn trẻ đi cùng mua sắm đồ dùng học tập mới như: đồng phục, cặp, sách vở, bút… Nhớ để con chọn theo sở thích của bé, hỏi ý kiến con thích mua cặp to hay nhỏ, màu sắc thế nào… Đến từng cửa hàng mẹ có thể vừa mua vừa cố ý khoe: “bé Bi nhà mình lên lớp Một rồi đấy nhé”. Bé sẽ vui vẻ và nghĩ việc mình chuẩn bị vào lớp Một quả là một sự kiện trọng đại, đáng tự hào.
Khai vị… kiến thức
Nhiều phụ huynh sốt vó cho con đi học chữ trước khi vào lớp Một vì lo con sẽ không theo kịp các bạn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng điều này, khi vào lớp, trẻ có thể trở nên chăm chăm thể hiện kiến thức, “ăn điểm” trước bạn bè, thầy cô mà quên đi sự háo hức đón nhận kiến thức mới, sự hứng thú khi động não suy nghĩ câu trả lời, học nhóm cùng các bạn. Cha mẹ có thể cho con vừa học vừa chơi với bảng chữ cái, số đếm, quyển sách giáo khoa xinh xắn… để bé tự tin trước năm học.
Làm quen “nhà mới”
Để trẻ không bị bỡ ngỡ, phụ huynh nên dẫn bé đi tham quan trường học mới, kể cho bé nghe những điều thú vị về ngôi trường, nói rõ trường mẫu giáo và trường tiểu học khác nhau như thế nào, đã từng có những ai thân quen học ở đây, ví dụ: “Anh Tý con bác An cũng đang học lớp 4 trường con nè. Mai mốt đi học con sẽ được gặp anh ấy thường xuyên”. Việc làm này của cha mẹ sẽ giúp bé có thiện cảm, háo hức với trường mới hơn.
Bạn nhỏ thân thiện
Làm thế nào để con dễ kết bạn, không cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi đến trường mới? Các mẹ cần dạy cho trẻ các kỹ năng giao tiếp cơ bản như mỉm cười, nói xin chào, vẫy tay khi gặp thầy cô, bạn bè. Nếu trẻ nhút nhát, sợ hãi, cha mẹ nên chia sẻ sự đồng cảm, đồng thời khuyến khích trẻ tập nói lên ý kiến của mình. Có thể thăm dò xem bạn bè, hàng xóm có ai cũng có con sắp vào học cùng trường với con mình để các bé kết bạn với nhau.
Nói xấu trường lớp? Đừng!!!
“Con mà hư là mai mốt đi học mẹ sẽ mách cô giáo đấy nhé!”, “Không chịu ăn là mai mẹ bắt đi học bây giờ!”, tất cả những lời dọa dẫm ấy của cha mẹ vô tình đã tạo cho bé ác cảm về việc đến trường. Các bé sẽ đánh đồng việc đi học là một hình phạt. Thay vì vậy, phụ huynh có thể giúp con yêu việc đi học hơn bằng cách kể lại chuyện đi học ngày xưa của mình: “Nhờ đi học mà mẹ đã quen với bác B bạn thân của mẹ từ hồi học cấp I đến giờ…”
Thay đổi thói quen hàng ngày
Khác với mẫu giáo, khi học tiểu học, mọi sinh hoạt, giờ giấc của trẻ thay đổi khá nhiều. Cha mẹ cần dạy con tính tự lập như để trẻ tự thay đồ, mang giày, tự đi vệ sinh, tập ăn nhanh hơn… Tập cho con thói quen dậy sớm hơn, biết theo dõi thời gian biểu dán trên góc học tập, rèn tư thế ngồi học thẳng lưng và tập trung. Cha mẹ có thể học cùng con, giải thích tại sao con phải rèn luyện các thói quen này.
Theo Thế giới Gia đình