“Chiếc áo không làm nên thầy tu” - Tạp chí Đẹp

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”

Review

“Xin lỗi, em chỉ là… người bán café”, nên em lại phải tiếp cái chầu café đang dở hôm nọ!

– Câu chuyện chọn trường?

– Vâng, “chính hắn”! Chỉ là, hôm ấy về nghĩ lại, em thấy bác… chưa chắc đúng! Bởi bác không thể nhân danh một bậc phụ huynh có con học “trường làng” mà ra sức chê bai trường điểm được!

– Ô, tôi đâu có dám bài xích hay dạy đời ai? Khi quyết định chọn “trường làng” cho con, tôi thậm chí còn không dám chắc mình đúng và đã không ít lần trộm nghĩ: nếu mọi chuyện không như ý, sẽ đổi trường, đổi giáo viên, hay “to chuyện” hơn nữa là đổi hẳn môi trường sống cho con… Tôi thậm chí cũng chưa từng đồng ý với quan điểm: Bố mẹ đi du học Tây Tàu về rồi bắt con đi chân đất học trường làng vì “ngày xưa bố mẹ cũng thế, mà giờ nên ông, nên bà”. Bởi thời thế đã khác, môi trường xã hội và yêu cầu giáo dục đã khác rất nhiều. Nhưng một mặt, cũng chưa từng có thống kê nào cho rằng, cứ trường tiểu học nổi tiếng thì sẽ sản xuất ra toàn những công dân hạng một của xã hội, giàu có thành đạt…

– Càng nghe càng rối rồi đây! Vậy túm lại, trường điểm hay trường làng là chắc?

– Chẳng có ai tên là “Chắc” ở đây cả! Chỉ biết là khi những chuyên gia giáo dục lắc đầu, một số quan chức giáo dục bàng quan, thì phụ huynh không thể để con em mình bơi giữa một biển không biết đâu là bờ. Bố mẹ vất vả bám trụ cổng trường, biết đâu đã giúp con kiếm ra chiếc đò tốt nhất để qua bờ giáo dục. Nên bây giờ xã hội chia ra hai, ba cách đầu tư giáo dục cho con. 1: Cho con học trường gần nhà, đúng tuyến, không nổi tiếng, với suy nghĩ giáo dục là cả một hành trình dài. Không đặt nặng thành tích. 2: Dứt khoát phải cho con luyện thi ngay từ mẫu giáo, vào lớp 1 cho tới luyện thi đại học, vì con mình dứt khoát phải ăn đứt con hàng xóm. Danh tiếng của trường là đảm bảo cho sự tin tưởng. 3: Không chọn hệ thống giáo dục Việt Nam.

– Vậy cách nào theo bác là có hệ số an toàn cao hơn cả?

– Cả 3 cách đó theo tôi đều là những ứng xử cực đoan của bố mẹ, khi nó hoàn toàn không đặt đứa trẻ làm trung tâm. Không nghĩ con mình cần gì, có gì, muốn gì. Bố mẹ coi con mình là một con Phỉnh mà bố mẹ đang chơi bạc, đặt cái Phỉnh của mình vào ô nào chắc thắng nhất trên sòng bài. Có thể đặt cửa Trường Quốc tế, có người đặt cửa Trường Thực nghiệm, có người không đặt cửa nào (như em Kiệt họa sĩ 10 tuổi, bố mẹ thậm chí còn không buồn cho con đến trường). Nhưng thực chất, kể cả không đặt cửa, bố mẹ cũng vẫn đang chơi một canh bạc đó thôi. Vì chúng ta đều không dám chắc, điều gì giúp con mình phát huy được khả năng, giúp con hứng thú học tập, giúp con kết bạn được những người bạn tốt nhất tại lớp học…

– Toàn những chuyện phải chọn trường xong mới… biết! Thế thì khác nào đánh đố!

– Đấy, thế nên đừng hỏi mình chọn trường gì cho con, quyết định thế nào mà hãy hỏi có “đi học cùng con” hay không. Để “đi học cùng con”, đó là cả một hành trình dài, trong đó bố mẹ phải luôn không ngừng theo sát con, chứ không thể chọn trường cho con là xong. Thế nên, kể cả khi đã chọn được trường (mà bạn cho là) tốt thì cũng đừng vội yên tâm và tự tin. Ngược lại, nếu như con bạn (không may?) thiếu vài điểm đầu vào trường điểm thì cũng đừng vội buồn bã lo lắng cho tương lai của cháu.

– Vụ “đặt cược trường làng” của nhà bác thì sao? “Mẻ đầu” ổn chứ?

– Đứa đầu, mọi chuyện ở tiểu học đều tạm ổn, nhưng lên THCS thì rất rắc rối vì “hội chứng tuổi teen”. Nhưng càng trò chuyện với giáo viên và các phụ huynh khác trong lớp, tôi càng nhận ra rằng: Không có thứ gọi là hoàn hảo và lý tưởng trên đời này, trong môi trường giáo dục. Cô giáo yêu học sinh (rất có thể) là một cô giáo… nhu nhược. Cô giáo khắc nghiệt với học sinh thì năm đó con mình lại học tốt nhất, học được nhiều nhất, tham gia nhiều hoạt động xã hội nhất. Cô giáo tâm lý nhất nhưng hóa ra là cô giáo để lại vết thương tâm lý nặng nề cho học sinh nhất. Trường tốt và danh tiếng lại là trường có nhiều bất ổn về nhân sự nội bộ nhất… Thế nên, mọi đánh giá tốt – xấu trong giáo dục theo tôi chỉ là tượng trưng và tương đối mà thôi!

– Ý bác là “chiếc áo không làm nên thầy tu”?

– Chiếc áo có làm nên thầy tu hay không, mời các bác nghe nốt câu chuyện này: Cách đây 4 năm, có một bộ phim tài liệu của Đài Loan, họ quay liên tục trong vòng mười năm, theo dõi đầu vào lẫn đầu ra của một lớp học điểm, bao gồm các em “con nhà nòi” ở thành thị và cả những em học cực giỏi ở nông thôn. Điều kiện giáo dục cực tiêu chuẩn: Các em được học song ngữ, bóng bầu dục, kỹ năng mềm…, với các chuyên gia giáo dục hàng đầu.  Các em không cần kỳ thi, các em không sợ thành tích, được phát huy năng khiếu, học sinh ngồi thành nhóm trao đổi với nhau trong giờ học, chứ không phải bàn ghế xếp thẳng hàng nhìn lên cô giáo… Vậy, sau 10 năm, kết quả ra sao?

– Bác làm em nín thở rồi đây! Có vẻ giống quả trường Thực nghiệm em mới xin cho con vào quá!

 – Bác giữ tim nhé! Cùng một môi trường giáo dục cực kỳ lý tưởng mà các chuyên gia giáo dục cấp tiến có thể nghĩ ra là lấy học sinh làm trung tâm, giáo trình khoa học nhất thế giới, thì: Một em học cực giỏi, xinh đẹp, có năng khiếu diễn thuyết, trở thành người đóng dấu bưu điện lên tem thư. Buồn là, bằng cấp giỏi nhưng không có quan hệ, không có tiền chạy việc, không chịu đánh đổi, thì rất có thể, vẫn thất nghiệp như chơi. Nếu em ấy làm gái bao, có việc ngay. Nhưng được giáo dục thành người lý tưởng, em ấy làm tạp vụ cho bưu điện.

Tiếp, một em có năng khiếu thể thao thì vì mải theo đuổi trái bóng mà lơ là việc học, kết quả: trượt đại học. Thất bại làm em ấy sụp đổ, bèn giận đời vác cái tôi to đùng về quê, lấy vợ, cam phận làm một anh trồng nho. Một em là người học dốt nhất lớp, nhưng vì không biết phát triển theo hướng nào, nên cứ học tiếp, học mãi, cuối cùng đã lên tới… nghiên cứu sinh. Một em con nhà nòi, qua Mỹ học, làm ở Google, là vì ấm nỗi con nhà nòi, có bố mẹ luôn biết hướng con mình vào những lựa chọn tốt nhất, ở những thời điểm tốt nhất…

– Hic! Thế theo bác, giờ em nên theo… ai?

– Gần như có thể chắc chắn rằng: Cái quyết định số phận các em chính là quan điểm giáo dục của gia đình, là tố chất của mỗi người!

Thực hiện: depweb

18/05/2012, 08:49