Charlie Nguyễn: Nợ nần, làm phim hài để... trả? - Tạp chí Đẹp

Charlie Nguyễn: Nợ nần, làm phim hài để… trả?

Sao

– “Cưới ngay kẻo lỡ” thu về 9 tỷ sau 3 ngày chiếu nhưng nhận được danh hiệu “hài nhảm”. Anh bình luận gì về điều này?

– Cần phải định nghĩa thế nào là “hài nhảm”. Theo như kiến thức làm phim hài tôi học được từ sách vở thì chữ “nhảm” không thuộc thể loại nào. Hài có nhiều thể loại: hài tâm lý (physico comedy), hài nhân vật (character comedy), hài tình huống (situation), hài bạo lực (slapstick comedy), hài nhại (spoof comedy) v.v…, rất nhiều. Nhưng tất cả các thể loại đều nhằm đến một mục đích là làm cho khán giả cười. Nếu bạn cười là tôi thành công, còn tôi làm gì kệ tôi. Tôi chỉ biết khái niệm hài thành công và hài thất bại chứ không có hài nhảm.

Theo tôi hiểu chữ “nhảm” là khi đưa ra một miếng hài mà khán giả không cười, ngồi ngây ra và nói là “vô duyên!”.

 

– Đúng là người ta đã dùng từ “vô duyên” để nói về “Cưới ngay kẻo lỡ”…

– À, tôi thấy rằng những ý kiến phản hồi không tốt đa phần xuất phát từ báo chí. Khi nói rằng phim gây cười từ đầu đến cuối nhưng không sâu sắc thì họ đã quên một điều, một bộ phim hài điều cần thiết là sự đơn giản. Vì cái gì sâu sắc, phức tạp thì sẽ không hài được mà đi theo hướng chính kịch.

Giá trị của phim hài là giá trị tức thì, nghĩa là khi mua vé vào xem, bạn có thể cười nhiều để giải trí ngay trong lúc xem thì đó là giá trị bạn nhận được từ bộ phim, chứ giá trị của nó không nằm ở chuyện bạn về đến nhà còn phải ngẫm nghĩ để cười.

Mặt khác, phim này tôi hướng đến đối tượng khán giả từ 16-22 tuổi chứ không phải người trung niên, dân điện ảnh hay nhà bình luận phim, những người đi tìm sự sâu sắc. Nếu khán giả 16-22 tuổi xem và cười, thấy được giải trí thì tôi đã thành công.

– Liên tục làm 3 bộ phim thắng lớn ở phòng vé nhờ hài. Có vẻ anh đã nắm được công thức của thể loại phim này?

– Tôi không phải người khôi hài, tiếu lâm và không có biệt tài làm cho người khác cười. Công thức gây cười là kỹ năng có thể học được trong sách vở, nó cần có kỹ thuật và sự sáng tạo để áp dụng trong mọi tình huống. Thứ hài tôi áp dụng thuộc về hệ thống, nhân vật và sự sắp xếp, gài đặt chứ không dựa vào những gì tôi quan sát được trong cuộc sống.

– Anh nói sao khi có người cho rằng anh đã dùng công thức hài của phim Phước Sang và đang “soán ngôi” hài nhảm của Phước Sang?

– Phim Phước Sang thường có rất nhiều diễn viên hài vì người làm đặt hết trách nhiệm gây hài ở diễn viên, ở khả năng chọc cười của họ. Còn phim của tôi gây hài ở nhân vật, tình huống có sẵn trong kịch bản, phải tập dượt, sắp xếp rất kỹ thuật, vì thế cả những diễn viên không chuyên hài cũng có thể gây cười. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau.

– “Để Mai tính” mắc lỗi để nhân vật phụ át nhân vật chính,” Long Ruồi” được 4 giải ở Cánh Diều 2011 nhưng anh tự nhận đó là phim anh thấy mình làm tệ nhất trong các phim đã làm, còn” Cưới ngay kẻo lỡ” cũng đang bị báo chí phê là bước lùi của điện ảnh Việt. Để nói một cách sòng phẳng bằng cái nhìn nghề nghiệp, anh sẽ nói gì?

– Với “Để Mai tính”, bộ phim hài đầu tay, tôi không đủ tự tin với việc gài tình huống để Kathy Uyên và Dustin Nguyễn có thể làm cho khán giả cười mà đặt hết lòng tin vào Thái Hòa. Đó là việc phải đảm bảo an toàn bằng mọi cách để tránh thất bại.

Trên trường quay “Long Ruồi”

Sau đó, tôi nhận ra khả năng gây hài rất duyên và sâu sắc của Thái Hòa, cộng thêm phản hồi của khán giả rằng họ muốn xem một bộ phim mà Thái Hòa xuất hiện từ đầu đến cuối, vậy là tôi làm tiếp “Long Ruồi”. Khi quay xong bộ phim này, tôi còn chưa có cảm nhận về cái kết. Lúc quay, mỗi ngày trôi qua tôi đều giật mình vì chưa có cái kết, nhưng đã đến hạn đóng máy, tôi buộc phải dừng lại và chấp nhận một cái kết không ổn. Chúng tôi không hề hài lòng với cái kết của “Long Ruồi “và biết ngay điều đó khi đang làm, nhưng không thể làm khác được. Đó là nỗi khổ tâm. Khi ra rạp, phim lập kỷ lục về doanh thu nhưng tôi không có phần thưởng tinh thần cho mình.

Đến “Cưới ngay kẻo lỡ”, tôi đã rút kinh nghiệm từ 2 phim kia. Nếu người xem tinh ý sẽ thấy ở 2 phim kia đạo diễn chỉ tin vào Thái Hòa chứ không tin vào bất cứ gì thì ở phim này tôi đã vượt qua được sự thiếu tự tin. “Cưới ngay kẻo lỡ” là sự tự hào nhất về tay nghề làm phim hài của tôi. Tiếng cười được trải từ đầu đến cuối phim, tất cả các nhân vật trong phim đều là nhân vật hài.

(Theo TT&VH Cuối tuần)

Thực hiện: depweb

16/05/2012, 10:58