Đó có thể là triệu chứng trầm cảm mà phụ nữ dễ mắc nhiều hơn nam giới gấp 2 lần.
Cả công ty ngạc nhiên về Vân. Vốn là một cô gái năng động, cá tính, cười đùa vui vẻ nhưng 2 tuần qua, cô trở nên ủ rũ, chẳng nói cười. Lên công ty chỉ ngồi uể oải, đôi khi ai đó hỏi, mãi một lúc cô mới ngớ ra: “Ơ, cậu vừa hỏi tớ đấy à?”… Vân chính là một trong những người bị trầm cảm nhẹ, nếu đến khám các khoa thần kinh.
Với cường độ cuộc sống hiện đại, những stress công việc, áp lực từ gia đình, xã hội và cả những tiêu chí riêng của bản thân khiến rất nhiều nữ giới bị rơi vào trạng thái trầm cảm, nghĩ ngợi quá nhiều, tiêu cực hóa mọi thứ, đánh giá thấp về bản thân, tự cảm thấy buồn khổ, giảm giá trị, mất hứng thú đối với cuộc sống, và mơ hồ về tương lai. Thậm chí, một số còn có xu hướng tự kỷ và trầm cảm nặng có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát.
Phụ nữ dễ bị trầm cảm gấp hai lần nam giới
Nguyên nhân của sự khác biệt này giữa nam và nữ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có sự liên quan giữa nồng độ các nội tiết tố sinh dục nữ với chứng trầm cảm. Hơn nữa, do nữ giới xử lý công việc bằng cảm xúc, cảm giác nhiều hơn nên họ dễ bị rơi vào trạng thái này khi gặp những áp lực lớn trong cuộc sống.
Biểu hiện trầm cảm
Không cụ thể như viêm, sốt, trầm cảm là trạng thái mơ hồ của cơ thể mà mỗi người có một triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ các biểu hiện điển hình: đôi khi bạn cảm thấy buồn bã, thất vọng và thường dễ khóc, dễ tủi thân không vì một lý do cụ thể nào. Mất dần đi sự quan tâm, hứng thú với cuộc sống, kể cả chuyện chăn gối. Cảm thấy vô dụng, mặc cảm, có lỗi. Từng suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát. Mất ngủ hoặc ngủ li bì. Mất cảm giác ăn ngon hoặc rối loạn thói quen ăn uống kèm theo sụt cân hoặc tăng cân không theo chủ định. Thường xuyên uể oải, mệt mỏi không rõ lý do. Khó tập trung suy nghĩ và khó đưa ra những quyết định. Có triệu chứng đau nhức trong cơ thể nhưng không đáp ứng với điều trị thuốc giảm đau thông thường. Cảm thấy bất an, bứt rứt và dễ bực bội, nổi nóng.
Nếu bạn thấy mình có một trong số những triệu chứng nêu trên kéo dài thường xuyên trong hơn 2 tuần, điều đó báo động cho thấy bạn có thể đang bị trầm cảm và bạn cần được thăm khám bởi một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Truy lùng thủ phạm
Trạng thái trầm cảm thực chất có mối liên hệ mật thiết tới sự mất cân bằng của các chất hóa học có vai trò dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Trầm cảm cũng có thể được kích hoạt bởi một số các sự kiện gây ra stress trong đời sống: mất người thân, ly hôn… Cũng có thể do những sang chấn tâm lý vì stress, sốc, gặp nhiều biến cố trong cuộc sống kéo dài… Trầm cảm cũng có tính di truyền đối với những gia đình có nhiều thế hệ khác nhau mắc bệnh.
Chưa kể đến một số phụ nữ có thể có tình trạng dao động khí sắc trong thời gian vài ngày sau khi sinh con. Họ có thể cảm thấy hơi bị trầm uất, khó tập trung, ăn mất ngon và khó ngủ ngay cả khi đã cho em bé ngủ. Tình trạng này có thể diễn tiến nhẹ dần và mất đi trong vòng 10 ngày sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ có thể có biểu hiện ngày càng nặng hơn và diễn tiến thành trầm cảm thực sự – y học gọi đây là chứng trầm cảm sau sinh (postpartum depression).
Khắc phục như thế nào?
Hầu hết trước khi xảy ra trầm cảm, nhất là những cơn đầu tiên, thường có tác nhân stress. Do đó, nếu phòng ngừa và xử lý tốt các stress trong cuộc sống thì cũng góp phần phòng ngừa hay giảm nhẹ độ nặng của các cơn trầm cảm.
Đầu tiên, cần xác định nguyên nhân gây stress, xác định điều gì mình có thể làm để cải thiện tình hình, điều gì cần người khác giúp đỡ. Đồng thời cũng phải xác định người sẽ giúp mình hoặc người nên hỏi ý kiến trong tình huống gặp stress (đồng nghiệp, bạn bè, chuyên gia tâm lý…)
Quan trọng là phải chia các biện pháp giải quyết ra thành nhiều bước nhỏ để thực hiện theo thời gian biểu thì việc xử lý stress mới có hiệu quả. Song song đó, áp dụng chế độ nghỉ ngơi thích hợp, các biện pháp thư giãn như tập thể dục thể thao, nghe nhạc, xem phim, hít thở sâu.