Làm kinh doanh không được quên văn hóa - Tạp chí Đẹp

Làm kinh doanh không được quên văn hóa

Tin Tức

AirAsia xin lỗi việc "quên" trang phục truyền thống của Việt Nam
AirAsia đã đăng lời xin lỗi trên Facebook – Ảnh chụp màn hình lúc 16g (giờ Việt Nam)

Sự kiện này được AirAsia tổ chức ngày 7.8 nhân khai trương văn phòng khu vực tại Jakarta, Indonesia và cũng để chào mừng 45 năm thành lập ASEAN. Mục đích thì tốt đẹp, nhưng cách thực hiện qua buổi biểu diễn nói trên đã gây bức xúc cho người Việt Nam, khi vắng bóng chiếc áo dài nhưng lại xuất hiện trang phục xường xám đặc trưng của Trung Quốc – nước không nằm trong khối ASEAN.

Sau khi sự kiện này được đưa lên trang Facebook của AirAsia, cư dân mạng tại Việt Nam phản ứng kịch liệt vì không thấy hình ảnh chiếc áo dài – trang phục truyền thống của Việt Nam – ở đâu. Một số còn kêu gọi “tẩy chay” hãng hàng không này.

Chỉ trong vòng 2 ngày, số lượt phản hồi ngay trên Facebook của AirAsia về sự “nhầm lẫn” này lên đến hàng trăm lượt.

Đến chiều tối 8.8, AirAsia đã có phản hồi trên Facebook: “Những trang phục đó, đơn giản là những bộ mà người dân ASEAN mặc. Các trang phục này không phải là trang phục truyền thống của tất cả các nước ASEAN, mà là cảm hứng ASEAN… ”.

Phản hồi này lại bị cư dân mạng “ném đá” tiếp khi cho rằng lời giải thích này chưa thỏa đáng, vì trang phục truyền thống ở ASEAN không có xường xám.

Đến chiều 9.8, AirAsia chính thức có phản hồi xin lỗi người hâm mộ Việt Nam trên Facebook của hãng. AirAsia cho rằng ý định của ban tổ chức không nhằm giới thiệu trang phục truyền thống của 10 quốc gia trong ASEAN mà chỉ tập trung giới thiệu con người Đông Nam Á.


Nội dung xin lỗi của AirAsia trên Facebook của hãng, chiều 9.8

“Tóm lại, chúng tôi muốn thoát khỏi biên giới quốc gia và quảng bá về một ASEAN chung bằng cách tập trung vào con người, trang phục, điểm tham quan hấp dẫn của ASEAN. Một lần nữa, chúng tôi xin lỗi nếu bức ảnh gây ra sự thất vọng cho người hâm mộ Việt Nam. Chúng tôi luôn coi trọng Việt Nam”.

Vụ việc này có thể là bài học cho AirAsia trong kinh doanh, nhất là khi hãng bay này đang nhắm tới thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân sẽ áp dụng chính sách “bầu trời mở” vào năm 2015 cho các hãng hàng không trong khối. Hãng bay này đã có 100 chiếc máy bay và còn bỏ ra 18 tỉ USD mua 200 máy bay của Airbus. Mục tiêu là chiếm phần bánh lớn trên thị trường ASEAN khi “bầu trời mở” hoạt động.

Tại buổi khai trương văn phòng khu vực ở Jakarta ngày 7.8, tổng giám đốc AirAsia, ông Tan Sri Tony Fernandes phát biểu: “Hiện nay chúng tôi chưa có cơ hội tại Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự phục vụ từ các cơ sở ở Malaysia và nơi khác”. Ông cũng cho biết không từ bỏ hy vọng thâm nhập thị trường Việt Nam. (theo báo The Star, Malaysia ngày 7.8).”


Tổng giám đốc AirAsia, ông Tan Sri Tony Fernandes cho biết không từ bỏ hy vọng thâm nhập thị trường Việt Nam – Ảnh tư liệu AFP

Trong kinh doanh, việc thông hiểu và tôn trọng văn hóa là rất quan trọng. Bậc thầy về marketing hiện đại, ông Philip Kotler trong cuốn Những nguyên tắc về marketing (2005) đã nhấn mạnh: Mỗi quốc gia có truyền thống, chuẩn mực văn hóa và những điều cấm kỵ riêng. Khi thiết lập các chiến lược marketing toàn cầu, doanh nghiệp phải hiểu văn hóa tác động thế nào đến phản ứng của người tiêu dùng ở mỗi thị trường quốc tế. Đổi lại, họ cũng phải hiểu chiến lược marketing của họ ảnh hưởng đến văn hóa như thế nào.

Việc “quên” trang phục đại diện cho Việt Nam, một thành viên của ASEAN, trong buổi trình diễn ngày 7.8 không thể biện minh (trên Facebook) theo kiểu “trang phục đó không đại diện cho tất cả các nước ASEAN”, vì cũng chính AirAsia nói ASEAN là đa dạng, thì sự đa dạng đó chính là nét văn hóa của khu vực, là cái riêng của từng thành viên ASEAN.

Làm kinh doanh, nhất là kinh doanh có tầm mức toàn cầu như AirAsia, thì không thể bỏ qua vấn đề văn hóa được. Chưa kể Việt Nam đang là đích nhắm đến của hãng bay này.

Cuối cùng thì AirAsia cũng đã lên tiếng xin lỗi về sự cố “áo dài”. Chúng ta hoan nghênh AirAsia nhanh chóng tiếp thu và giải quyết thỏa đáng phản ứng của cư dân mạng, của fanpage trang mạng xã hội của hãng.

Tôn trọng văn hóa địa phương cũng là tôn trọng người tiêu dùng. Văn hóa không bao giờ là kiến thức cũ trong chiến lược kinh doanh tiếp thị của doanh nghiệp.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

09/08/2012, 22:26