Có ý kiến cho rằng, thị trường nhà hàng tiệc cưới tại Tp HCM, đã bước vào giai đoạn bão hòa. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với những nhà hàng ở phân khúc trung bình trở xuống. Nhà hàng hạng sang hiện còn rất hiếm với những cái tên đếm trên đầu ngón tay như: White Palace hay Gala Royal, Adora…
Đi trước đón đầu
Theo ông Nguyễn Đình Toàn, chuyên gia có thâm niên hơn 20 năm trong ngành khách sạn, nhà hàng thuộc Công ty M.I.N.H Hospitality Consulting thì thị trường này vẫn còn rất tiềm năng. Năm 2012 là năm rất đẹp và hợp tuổi với nhiều người để tổ chức đám cưới, kịp “săn” rồng con hoặc lên kế hoạch sinh con trong năm tới (Quý Tỵ) cũng đẹp và hợp tuổi nhiều người.
Đón đầu xu hướng mới, Đông Phương Group (đang sở hữu chuỗi 4 nhà hàng Đông Phương) đã cho ra đời thêm 1 nhà hàng mới mang tên The Adora khai trương vào ngày 14/2. The Adora được đầu tư hoành tráng và đánh vào phân khúc cao hơn theo tiêu chuẩn nhà hàng 4 sao.
Ông Bùi Thanh Lương, Giám đốc điều hành nhà hàng này cho biết, vốn đầu tư cho nhà hàng là trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư khác, nếu so sánh The Adora với Riverside Palace trên địa bàn Quận 4 mới khai trương hồi đầu năm 2011 thì vốn đầu tư của Adora phải nằm ở mức trên 200 tỉ đồng. Đây được xem là nhà hàng tiệc cưới có quy mô lớn nhất tại Tp.HCM hiện nay với sức chứa tới 600 bàn tiệc/9 sảnh, cùng hệ thống 6 thang máy và thang cuốn được trang bị hiện đại và bãi đậu xe có sức chứa tới 2000 xe máy và 180 xe hơi. Hiện nay, bãi đậu xe cũng là vấn đề nan giải đối với nhiều nhà đầu tư. Với quy mô như vậy, The Adora dự kiến thời gian hoàn vốn ít nhất cũng phải mất 5 năm cho mỗi trung tâm.
Với nguồn tiền mặt dồi dào, The Adora không phải chịu áp lực trả lãi vay ngân hàng nên giá đặt bàn rất cạnh tranh, chỉ từ 3,5 – 6 triệu/bàn 10 người. Hiện Adora thứ 2 đang xây dựng ngay bên cạnh và trực tiếp cạnh tranh với White Palace, dự kiến sẽ mở cửa vào khoảng tháng 6 tới. Tới đầu 2013, Adora thứ 3 sẽ ra đời. Có ý kiến cho rằng, Đông Phương Group đang tham vọng làm bá chủ trong ngành nhà hàng tiệc cưới tại Tp.HCM.
Một đối thủ nặng kí khác trong phân khúc này là Riverside Palace với quy mô 10.000 m2/5 sảnh tiệc, sức chứa từ 250 đến 1000 người/sảnh. Trung tâm hội nghị tiệc cưới này do Công ty Bến Thành Land và một số đối tác trong hệ thống Ben Thanh Group làm chủ đầu tư với số vốn trên 100 tỉ đồng. Nhà hàng này dự kiến kế hoạch doanh thu thấp nhất là 100 tỉ đồng/năm với lợi nhuận nằm ở mức 20-30%, tăng trưởng doanh thu từ 10-15% và sẽ hoàn vốn trong vòng 3 năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Riverside Palace, trong năm tới Riverside Palace sẽ đầu tư mở rộng lên 10 sảnh, và Bến Thành Land sẽ tiếp tục đầu tư các trung tâm tiệc cưới tại các khu vực trọng điểm như Quận 7 – đón đầu cho nhu cầu của dân cư khu vực phía Nam Sài Gòn này là Phú Nhuận và đặc biệt tại trung tâm Quận I/2012.
Dồn dập khuyến mãi
Dù chưa vào cao điểm cưới, tuy nhiên ngay từ đầu quý II/2012 các trung tâm hội nghị, tiệc cưới đã lên kế hoạch khuyến mãi rôm rả để cạnh tranh thu hút khách. Trung tâm Metropole – Lý Chính Thắng, mới vừa hoàn thành đã có ngay một chương trinh khuyến mãi hoành tráng “Đặt tiệc Metropole, nhận Iphone 4 và rút thăm trúng 800 triệu”… The Adora thì trúng xe Honda Civic; Riverside Palace khuyến mãi tặng chương trình khai tiệc, Ipad 2, tặng bàn; Grand Place có chương trình “Kết đôi năm rồng tặng đến 79 triệu đồng”; Diamond Place có chương trình “Tặng 2 viên kim cương và một phiếu mua nữ trang trị giá 2 triệu đồng”… Chính các gói khuyến mãi này khiến các cặp chuẩn bị đặt cưới có thêm nhiều cơ hội để so sánh, lựa chọn. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Bánh ngon nhưng khó xơi
Riverside Palace dự kiến doanh thu từ mảng sự kiện và tiệc cưới đạt tỉ lệ tương đương là 40% và 60%. Theo bà Hương, doanh thu từ mảng sự kiện là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của nhà hàng bởi phí cho 1 sự kiện gấp 2 lần cho một đám cưới. Vì vậy, trong thời buổi cạnh tranh, các nhà hàng chỉ chuyên tiệc cưới mà không có mảng sự kiện bù vào sẽ rất khó sống.
Tuy nhiên, việc thay đổi quan niệm cưới theo mùa (chủ yếu vào 3 tháng cuối năm) và theo ngày (thứ 7, chủ nhật) không phải dễ dàng. Với những nhà hàng không có mảng tổ chức sự kiện, doanh thu từ tiệc cưới khó bù lại chi phí vận hành trong khoảng thời gian nhàn rỗi.
Một yếu tố khác, theo ông Lương (Adora), kinh doanh nhà hàng tiệc cưới đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư và trả chi phí vận hành.
Một nhà hàng cỡ Riverside Palace, chi phí vận hành hàng tháng cũng lên tới trên 5 tỉ đồng thì Adora có thể phải trả phí gấp đôi, chưa kể tiền thuê mặt bằng. Yếu tố mặt bằng được coi là quyết định trong đầu tư lĩnh vực này. Kiếm được một mặt bằng đẹp, nơi đông dân cư, giao thông thuận tiện với quỹ đất lớn trong điều kiện hiện tại là điều không dễ. “Có nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào lĩnh vực này cũng đành bó tay bởi dù có vốn, nhưng không thuê được mặt bằng tốt” – ông Toàn cho hay. Nhiều người cho rằng, Đông Phương Group đã rất may mắn và phải có những mối quan hệ rất tốt mới có được những quỹ đất lớn, có thời gian cho thuê lâu dài và mang tính ổn định để kịp thu hồi vốn và có lợi nhuận.
Trường hợp của Atlantic trên đường Điện Biên Phủ, theo nhiều chuyên gia, có thể được coi là điển hình của việc chọn địa điểm đầu tư không tốt. Chính vì vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhà hàng này đã phải thay tên đổi chủ thành Saphire, nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa.
Ngoài yếu tố mặt bằng, nguồn nhân lực và bộ máy quản lý chuyên nghiệp là những điểm mấu chốt để tạo nên thành công cho các trung tâm tổ chức hội nghị tiệc cưới.
Doanh thu ngành kinh doanh tiệc cưới cả nước ước tính khoảng 12.000 tỉ đồng trong năm 2011. Dự kiến trong năm 2012, con số này sẽ lên tới 14.000 tỉ đồng. |
Theo khảo sát của công ty M.I.N.H Hospitality Consulting, chỉ tính riêng tại Tp.HCM, đến hết năm 2011, đã có khoảng trên 100 nhà hàng cho thuê và tổ chức tiệc cưới. |
Bài: Lê Khanh
Ảnh: Phan Quang