Tăng giá và hỗ trợ DN: Hai việc khác nhau?
Dù đã qua 1 tuần nhưng dư âm của việc tăng giá dồn dập hôm 1/8 đến nay vẫn chưa hết gây sốc cho người tiêu dùng. Nếu như 1/ 7, giá điện tăng một cách âm thầm, bất ngờ ngoài dự đoán của nhiều giới thì 1/8, tới 3 mặt gồm gas, xăng dầu, viện phí đồng thanh tương ứng nhảy vọt. Điều đáng nói là, ngoại trừ mặt hàng gas đã hoàn toàn theo thị trường, do DN định đoạt, tất cả các mặt hàng còn lại vốn thuộc danh mục kiểm soát của Nhà nước đều tăng là do có chủ trương của các Bộ cho phép.
Nghịch lý nằm ở chỗ, trước đó 1 tuần, Bộ Công Thương công bố đề án “giải cứu” DN với hướng đi nổi bật là sẽ tập trung ngay lập tức tiêu thụ hàng tồn kho, khơi thông sản xuất cho DN. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn tuyên bố chắc nịch: “Cứu chậm ngày nào, DN sẽ thiệt hại ngày đó.”
Lý giải điều này tại cuộc họp báo ngắn gọn chiều 6/8, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, Việc tăng giá điện, xăng dầu hoàn toàn không mâu thuẫn với việc hỗ trợ các DN khó khăn.
Theo ông Quyền, vận hành giá kiên định theo kinh tế thị trường đã được các văn kiện của Đảng, Chính phủ nêu rõ, trong đó, có lộ trình cho điện, xăng dầu. Khi lạm phát, lộ trình điều chỉnh giá của hai mặt hàng này cũng đã khác đi so với tính toán ban đầu nhưng về lâu dài, các mặt hàng vẫn phải theo thị trường. Đó là lý do gần đây, Chính phủ đã để cho xăng dầu tiếp tục theo thị trường và mức độ can thiệp của Nhà nước giảm dần.
Tăng giá dồn dập sẽ gây sức ép nặng nề lên các DN và các người dân nghèo (ảnh Tuổi trẻ) |
Ông Quyền còn nói thêm: “Đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, việc giảm thuế hay xả Quỹ bình ổn ra là chưa đến mức cần thiết. Quỹ vẫn đang trích để dự phòng cho sau này”.
Riêng về hỗ trợ cho DN, những DN có hàng tồn kho cao nhưng thị trường vẫn tốt thì cần được hỗ trợ nhưng những DN nào gặp khó do chính mình gây ra, do không chọn đúng hướng thì phải chấp nhận đào thải, ông Quyền nói.
Lý giải tiếp về chuyện giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục trưởng điều tiết điện lực khẳng định: “Liên bộ Tài chính – Công Thương cân nhắc hết sức thận trọng về mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh”.
Chứng minh cho sự thận trọng này, ông Cường nêu: “Cuối tháng 11/2011, Liên bộ tính toán đã có đề xuất tăng giá điện trên 10% so với giá thành năm 2011. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh giá điện vào 20/12/2011 và 1/7/2012 mỗi đợt chỉ tăng 5%”.
“Hiện nay, 100 kWh điện đầu tiên vẫn thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh, chỉ tăng 3-4%. Trước nữa, 50 kWh điện đầu tiên cho hộ nghèo không tăng giá. Ngoài ra, sau tăng giá điện vừa qua, sản xuất của các ngành tiêu thụ nhiều điện như sắt, thép, xi măng cũng chỉ bị đội thêm 0,5% trong tổng chi phí sản xuất, các ngành khác chịu ảnh hưởng thấp hơn”, ông Cường phân tích tiếp.
Ông tiếp tục khẳng định quan điểm: “Do năm 2010-2011, để kiềm chế lạm phát, ngành điện đã bán điện dưới giá thành, tích lũy lỗ trên 10.000 tỷ đối với sản xuất kinh doanh điện và lỗ chênh lệch tỷ giá trên 25.000 tỷ đồng. Nay, việc điều chỉnh này cũng thống nhất với chủ trương đến năm 2013 đưa giá điện theo thị trường”.
Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh lo ngại: “Việc dồn dập tăng giá xăn, điện vừa rồi là quá cao, cơ quan Chính phủ chiều lòng các công ty độc quyền, không nghĩ đến việc tình hình khó khăn đã làm kiệt sức người dân rồi”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Điều này sẽ gây sức ép nặng nề lên các DN và các người dân nghèo. Đó là điều chúng ta phải xem xét. Tình hình kinh tế sắp tới khó có được giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, rơi vào bế tắc”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng đồng quan điểm trăn trở: “Chính phủ vừa cho phép các DN được tự do quyết định giá bán thị trường là cơ sở pháp lý để DN hạ hay tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn thế này, Nhà nước lại thả giá khiến hàng hóa tăng thất thường thì sẽ càng làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất DN, đời sống nhân dân.
Nghị quyết 11 có nói, Nhà nước tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Vậy, thử hỏi Nhà nước cho phép DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu tự do định đoạt, tăng giá trong lúc đời sống kinh tế còn khó khăn thì có hợp lý hay không?
Đây là một vấn đề phải xem xét lại. Trong tình hình kinh tế chưa ổn định, để cho mặt hàng thiết yếu trôi nổi tăng giá thì không phù hợp”,
CPI âm: cơ hội tăng giá thoải mái
Không ít ý kiến cho rằng, khi CPI đang giảm thì đây thực sự là một “thời cơ vàng” để thả giá theo thị trường, giải quyết chuyện ách tắc lộ trình của giá xăng, giá điện, giá than. Nếu như các mặt hàng này có tăng giá thì Nhà nước cũng không phải ám ảnh nỗi lo lạm phát tăng cao như nhiều năm trước.
Đánh giá điều này, ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê lạc quan: “Chắc chắn, việc tăng giá sẽ ảnh hưởng tới CPI tháng 8, nhưng sẽ không tác động mạnh. Ví dụ, viện phí, học phí tăng nhưng lại chưa áp dụng đồng đều cả nước. Chỉ có một số tỉnh, một số bệnh viện, trường học áp dụng nên mức độ ảnh hưởng lớn đối với CPI ở các tỉnh thành phố đó, nhưng khi tính CPI cả nước, tác động này sẽ giảm đi.”
“Tổng tăng 2 lần của giá xăng dầu sẽ được tính trọn trong lần tính CPI tháng 8 này nhưng hiện nay, cơ quan thống kê chưa đủ dữ liệu để kết luận sẽ làm ảnh hưởng tới CPI bao nhiêu. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không lớn như hồi tăng giá xăng dầu năm nay”, ông Thức chia sẻ.
Theo ông Thức, CPI được lấy dữ liệu 2 đợt vào ngày 25 tháng trước và 15 tháng sau, đến ngày 20 sẽ chốt chính thức. Do đó, giá xăng tăng hôm 20/7 mới được cập nhật trong đợt lấy dữ liệu đầu tiên. Phải chờ 2 tuần nữa, tới ngày 15/8, Tổng Cục Thống kê mới cập nhật giá cả thì mới rõ, giá xăng tác động cụ thể thế nào.
Khi tăng hơn 2.000 đồng/lít hồi đầu năm, Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết mức tăng giá xăng làm CPI tăng thêm tới 0,85% cho cả 2 vòng.
Một số chuyên gia kinh tế ước tính đợt tăng giá lần này, mức tác động tới CPI sẽ xoay quanh 0,4- 0,5%.
Ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh: “CPI 2 tháng vừa qua âm không phải là cớ để điện, xăng dầu tăng. Chúng tôi vẫn điều hành bình thường, ví dụ xăng dầu là tăng là theo giá thế giới như Nghị định 8. Không phải DN tăng bao nhiêu cũng được, giảm thế nào cũng được.
Tóm lại, không phải CPI âm thì cho giá xăng tăng mà không phải CPI tăng thì cho giá xăng giảm”.
Dù vậy, chuyên gia Bùi Kiến Thành bày tỏ, khi hàng tồn kho cao, sức mua không có thì giá giảm. CPI âm là tình trạng báo động nghiêm ngặt, không phải chuyện đáng mừng. Nếu giá cả tăng nhưng CPI tháng 8 không tăng hoặc tiếp tục giảm thì cũng không phải là điều đáng yên tâm.