Miền hứa hẹn
Số lượng người nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 2008 là 52.633 người; năm 2009 là 55.428 người, năm 2010 là 56.929. Tháng 9/2011, số lượng đạt mức 78.440 người; trong đó 5.581 người không thuộc diện cấp phép, 31.330 người chưa được cấp phép (chiếm 39,9%).
Trong khi đó, mới năm tháng đầu năm 2012 đã có đến 31.000 lao động nước ngoài hoạt động trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn lao động nước ngoài tại Việt Nam rất phức tạp với quốc tịch từ hơn 60 quốc gia, trong đó người châu Á chiếm hơn 58% (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…), Châu Âu 28,5% và còn lại là các quốc gia khác.
Không khó để hiểu luồng du nhập “chuột chũi” ngoại tại Việt Nam trong thời gian qua. Thực tế, ngoài cái mác “lao động ngoại” thì việc tuyển dụng ngoại binh nhiều khi mang lại năng suất cao hơn cho doanh nghiệp, nhất là một số ngành đặc biệt đòi hỏi trình độ cao mà phần nhiều lao động phổ thông Việt Nam chưa đáp ứng.
Với những ưu đãi lớn cùng với môi trường làm việc dễ thở, chưa kể vật giá rẻ hơn so với nước ngoài đủ đảm bảo cuộc sống vừa yên lành, vừa dư giả cho lao động ngoại. Hình ảnh này trái ngược với những khó khăn mà họ đối diện tại chính quốc khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, khủng hoảng kinh tế thế giới tại Mỹ và nhiều nước, khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia… khiến lực lượng tị nạn, thất nghiệp ngày càng tăng.
Với số lượng và sự phức tạp trên, bên cạnh những lợi ích từ chất lượng lao động, lại phải đối mặt phần nhiều với các nguy cơ về tệ nạn an ninh xã hội, nạn xâm chiếm văn hóa và số lao động Việt Nam bị “ra rìa” hoặc bị chèn ép.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự lỏng lẻo của luật lao động Việt Nam với người nước ngoài. Trong thảo luận gần đây về vấn đề này, nhiều đạo biểu từ Ủy ban các vấn đề của Quốc hội cho rằng: chúng ta đã làm khá chặt chẽ lao động Việt Nam xuất khẩu nhưng lại lỏng lẻo trong quản lí lao động nước ngoài ở Việt Nam. Những hình thức ngụy trang du lịch, thăm người thân…cùng với sự chưa hoàn thiện trong việc thực hiện các quy định chính là bất cập lớn nhất dẫn đến cơn sóng lao động trái phép tràn lan ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự lỏng lẻo của luật lao động Việt Nam với người nước ngoài. |
Ai chống lao động chui?
Quy định hiện nay đã quy định rõ rõ thẩm quyền của các cơ quan phụ trách kiểm soát lao động nước ngoài. Tuy nhiên, tính đồng bộ và chặt chẽ giữa nội bộ cơ quan luật lẫn sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan còn quá sơ hở, đặc biệt trong khâu tuyển dụng lao động.
Cụ thể, đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa quy định rõ ràng quy trình xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có một danh mục liên tục cập nhật các việc làm phải cần đến lao động nước ngoài, cũng quy định cơ quan thẩm quyền xét duyệt công việc trước khi doanh nghiệp được phép tuyển dụng người ngoại quốc. Điều này khiến không ít doanh nghiệp “lách luật” tuyển dụng người lao động nước ngoài, đồng thời khiến các vụ án lao động nước ngoài trái phép thiếu cơ sở pháp lý để xét xử.
Chưa dừng lại ở đó, luật lao động còn yếu ở khung xử lí vi phạm. Mức phạt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo với Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo Khoản 2, Điều 14, Nghị định 47/2010 chỉ từ 20-30 triệu đồng chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận khổng lồ từ nguồn chất xám ngoại. Điều này khiến các doanh nghiệp “chịu đấm ăn xôi” vẫn tiến hành thuê “ngoại binh” dù biết sẽ… bị “xử phạt”.
Theo các chuyên gia, muốn kiểm soát được vấn đề lao động nước ngoài thì Việt Nam phải siết chặt quản lí từ 2 phía: người lao động và nhà tuyển dụng. Tất nhiên, công cụ hiệu quả nhất vẫn là luật pháp. Việc cải cách và thi hành nghiêm túc luật lao động sẽ ngăn cản sự xâm nhập của lao động ngoại trước khi các nguy cơ xảy ra bởi một hệ thống lao động “ngầm” trái pháp luật được họ tạo nên.
Theo đó, các cơ quan chức năng phải chủ động siết chặt nhóm đối tượng nhà tuyển dụng lao động. Bởi lẽ nhà nước có thể kiểm soát hành vi tuyển dụng của công ty chứ không thể kiểm soát mong muốn lao động của người nhập cư. Người nhập cư sẽ không thể lao động trái phép nếu không có những công ty thuê họ.
Bên cạnh đó, những điều kiện đối với người nhập cư vào Việt Nam cần được kiểm tra nghiêm ngặt theo một quy trình khoa học, chặt chẽ thông qua việc gia hạn giấy tờ lưu trú hợp pháp ở Việt Nam.
Việc theo sát động thái của từng đối tượng cũng giúp cho việc quy trách nhiệm và xử lý vi phạm được dễ dàng. Quy định về việc cấp mã số như dự thảo Luật Việc Làm 2013 sẽ giúp quy sự kiểm soát xuất nhập khẩu lao động về một mối. Lao động sẽ biết rõ họ cần làm gì và nhà tuyển dụng cũng đơn giản hoá việc chọn thuê lao động hợp pháp và báo cáo lên cơ quan chức năng kiểm tra.
Xét trên phương diện vĩ mô và dài hạn hơn, Việt Nam cần nghĩ đến một nguồn lao động chất lượng cao có thể thay thế nguồn lao động nước ngoài. Muốn thế, việc đào tạo lao động cần được chú trọng đẩy mạnh. Song song đó là giải quyết những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, tăng ưu đãi cho lao động Việt… từ đó tạo động lực cho sự tăng trưởng chất lượng lẫn số lượng lao động Việt tại nước nhà.
Theo Vietnamnet