Chả có gì là “táo bạo”, mà cần làm, làm sớm. Với bên quản lý đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, còn với dân, khi “có số có má” rồi, chẳng cần khệ nệ còng lưng đeo bám các loại giấy tờ. Cả đời chỉ cần nhớ một con số của mình. Một con số về một đời, chi tiết.
Lẫn cẫn, khỏi nhớ gì nhiều ngoài con số này. Nó kể hết mọi chuyện gì từ việc làm, bảo hiểm, thuế má, hôn nhân, lý lịch ba đời, di trú, hộ khẩu chính chủ, tất tần tật…
Đó là lý lịch số hóa, chi tiết, bảo mật. Có việc, khỏi phải mang chứng minh, hộ khẩu, khai báo lằng nhằng, chìa một con số, các cơ quan chức năng muốn biết gì cứ vào đấy mà hỏi.
Ấy là các nước văn minh làm thế, nay ta bắt đầu làm, chậm còn hơn không, mừng, mong cho nhanh lẹ.
Dự kiến ta làm 12 chữ số, đến năm 2020 cấp cho mọi người. Bao nhiêu chữ số không quan trọng, vấn đề là đằng sau con số ấy là một đời người được vẽ lên chi tiết.
Hàn có mã số 13 chữ số, Thái cũng 13 chữ số, Mỹ đông thế cũng chỉ cần 9 con số, làm sớm, từ những năm 30 thế kỷ trước…
Thành công việc số hóa hồ sơ được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác. Quân đội có số lính, có ngất xỉu hay á khẩu, khỏi hỏi han, cứ tra số ra hết, từ đơn vị đến nhóm máu…
Cải cách thủ tục hành chính, nói mãi rồi, nay mới có đề án “tiền khả thi”. Rồi đây khi có số, dân khỏi lẽo đẽo ôm cả đống giấy tờ “lên đồn xuống phủ” làm thủ tục, sao lục, công chứng. Các cơ quan chức năng cũng khỏi phải hỏi han, mệt nhọc kiểm tra, “một bộ phận không nhỏ” viên chức muốn gây khó dễ cũng không có cớ…
Dân cứ ở nhà “meo” yêu cầu và nhận kết quả của cơ quan công quyền. Một cửa một dấu, cửa lại ảo thênh thang, nhanh chóng, tiện đủ đường.
Việc phải đến sẽ đến. Hướng ấy được định, khỏi hô hào nhiều mà vẫn quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ dân…
Trần Giang Phương