10.000 tỉ đồng khắc phục... tầm nhìn - Tạp chí Đẹp

10.000 tỉ đồng khắc phục… tầm nhìn

Tin Tức
Quyết định 1821 mới đây của UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị (GTĐT) xuất hiện rất nhiều từ “không thực hiện”, “điều chỉnh”, “bổ sung”, “xây dựng thêm”… Hàng loạt dự án GTĐT mới được phê duyệt thực hiện cách đây vài năm, thậm chí vừa hoàn thành không lâu, sẽ tiếp tục được rót thêm tiền để xây dựng, sửa chữa.

Vừa xong đã sửa

Việc xây dựng hầm chui ở các đô thị vốn rất khó khăn và tốn kém nhưng trước đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất làm đến 3 công trình tại Giảng Võ (quận Đống Đa), Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) và quận Hà Đông. Hiện nay, Hà Nội đã có đường vành đai 3 trên cao (chạy dọc tuyến Khuất Duy Tiến – Phạm Văn Đồng) và cầu vượt cho người đi bộ tại phố Giảng Võ nên lãnh đạo TP yêu cầu không thực hiện 3 hầm chui như phê duyệt trước đây.

Bên cạnh đó, ý tưởng đầu tư, đưa vào vận hành tuyến xe buýt BRT (vận chuyển nhanh, khối lượng lớn) đoạn số 1 Kim Mã – hồ Hoàn Kiếm, đoạn số 2 Quang Lai – Văn Điển – hồ Hoàn Kiếm, ga đầu cuối Quang Lai và đề-pô tại Vĩnh Quỳnh cũng phải dừng, không thực hiện…

 giao thông đô thị, hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị

Cầu vuợt Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng ðuợc ðua vào sử dụng chua ðuợc 1 nãm ðã sắp phải sửa chữa 

Quyết định 1821 còn điều chỉnh giảm số lượng xe buýt BRT từ 130 xuống 35 chiếc để phù hợp với yêu cầu của một số tuyến. Ngoài ra, bổ sung một loạt gói thầu tư vấn cá nhân quốc tế hỗ trợ kỹ thuật hợp phần BRT về thông tin liên lạc, quản lý đội xe, thông tin hành khách, hệ thống vé…; điều chỉnh, bổ sung danh mục và số lượng thiết bị, phương tiện cho Văn phòng UBND, Công an, Sở GTVT TP Hà Nội cùng các đơn vị trực thuộc…

Đáng chú ý, lãnh đạo TP Hà Nội đã chấp thuận với đề xuất của Sở GTVT về việc bổ sung hạng mục gia cường khả năng chịu lực cầu vượt Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), bao gồm công tác thiết kế, xây lắp, giám sát, kiểm định thử tải cầu để phục vụ xe BRT. Cây cầu thép dài 189 m, cao 4,75 m, rộng 9 m với tổng vốn đầu tư 67 tỉ đồng này mới được đưa vào sử dụng ngày 26-4-2012. Cầu hoạt động gần được 1 năm thì lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội mới nhớ tới việc phát triển xe buýt BRT và với thiết kế ban đầu, công trình này khó đáp ứng nên phải xin sửa chữa!

Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, tổng mức đầu tư điều chỉnh các dự án GTĐT là 460,192 triệu USD (trên 9.664 tỉ đồng), trong đó có vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và vốn đối ứng của TP. Số tiền này chưa bao gồm khoản xây dựng dự án khu tái định cư CT1 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh ngày 12-7-2012 với tổng mức đầu tư 36 triệu USD (khoảng 720 tỉ đồng).

Quy hoạch “có vấn đề”

Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng, cho rằng việc điều chỉnh, sửa chữa cầu vượt Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng và nhiều dự án GTĐT khác cho thấy Hà Nội thiếu quy hoạch ngành. “Việc cầu vượt sử dụng chưa tới 1 năm đã phát hiện không phù hợp cho xe buýt BRT đi qua và phải sửa chữa chứng tỏ quy hoạch ngành có vấn đề, có sai sót từ khâu ra “đề bài” về yêu cầu cần đạt được khi đầu tư dự án của Sở GTVT trước đây” – ông Thịnh nhận xét.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy hoạch GTĐT ở Hà Nội “thực sự có vấn đề”. Ông Liêm đơn cử chuyện đường trên cao (Vành đai 3) phải đi vòng xuống rồi lại vòng lên như ở Hà Nội là chưa từng thấy ở nước nào. Khi đường Vành đai 3 trên cao nối cầu Thanh Trì – cầu Thăng Long xây dựng đã gặp phải dự án này. Nếu phá đi thì dư luận phản ứng, còn để lại thì tạo ra một công trình giao thông kệch cỡm và làm giảm tính thẩm mỹ, hiệu quả của dự án.

Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt thực hiện dự án đường Vành đai 3 trên cao đoạn cầu vượt Mai Dịch – cầu Thăng Long. Khi thực hiện dự án này, chắc chắn điểm giao với nút giao thông Mai Dịch lại phải “đẽo gọt” cho hợp lý. Ông Liêm còn cảnh báo Hà Nội cần phải suy nghĩ kỹ trước việc phê duyệt đặt metro cạnh hồ Gươm để không gây ảnh hưởng về lâu dài mà không sửa chữa được.

Theo một chuyên gia giao thông, trong thời điểm kinh tế đang khó khăn như hiện nay, việc Hà Nội duyệt rót thêm cả 10.000 tỉ đồng để khắc phục… tầm nhìn quy hoạch các dự án GTĐT quả là khó chấp nhận. “Việc Hà Nội điều chỉnh, thay đổi hàng loạt dự án mới được phê duyệt, thực hiện những năm 2007-2009 cho thấy tầm nhìn hạn chế về quy hoạch GTĐT của những cơ quan liên quan ở TP, chủ yếu là Sở GTVT” – ông thất vọng.

Tăng cường kiểm toán tài chính

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư – Sở GTVT – phải tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán và quản lý chi phí đầu tư theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác (khối lượng và kinh phí), tính hợp lý, hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu của việc điều chỉnh. Sở cũng cần phải bổ sung công tác kiểm toán tài chính dự án phát triển GTĐT Hà Nội giai đoạn 2014-2015.


Theo Thế Kha (NLĐ)

Thực hiện: depweb

11/03/2013, 12:28