Hồ thủy lợi Khe Môn (xã Buôn Triết, huyện Lắc, Đắc Lắc) cạn trơ đáy. Ảnh Đ.T.K
Chính quyền và người dân các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực cứu người, cứu cây trồng. Đã đến lúc, khu vực có diện tích cây công nghiệp lớn nhất nước này phải tính đến biện pháp căn cơ, lâu dài, giúp người dân sống chung với hạn.
Vụ đông xuân tại các tỉnh Tây Nguyên mới đi được một nửa chặng đường, nhưng đã có hàng nghìn hécta cây trồng mất trắng do nắng hạn. Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại chủ yếu ở các vùng người dân còn nghèo. Do vậy nguy cơ thiếu đói đã cận kề.
Hồ, kênh cạn kiệt
Trên cánh đồng Buôn Pốk A (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắc Lắc), hàng chục hécta lúa sắp trổ bông không còn nước tưới, mặt ruộng nứt nẻ. Bên cạnh hồ Lắc – lớn nhất Tây Nguyên – ông Y Phuê Phúk (xã Yang Tao, huyện Lắc, Đắc Lắc) lùa đàn bò vào ăn lúa trên 7 sào ruộng khô nẻ của mình. Mực nước hồ Lắc xuống thấp hơn kênh dẫn, cạnh đó, trạm bơm buôn Mă đã “treo vòi”. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó phòng NNPTNT huyện Lắc – cho biết: “Diện tích bị hạn đã lên tới 1.005/4.650ha. Diện tích còn lại phải cầm cự thêm một tháng rưỡi nữa, trong khi mực nước sông suối, hồ đập đang cạn kiệt từng ngày”. Riêng ở huyện K’bang (Gia Lai), cả 32 đập dâng và 2 hồ thủy lợi của huyện này lần lượt khô kiệt.
Theo Sở NNPTNT Đắc Lắc, đến đầu năm 2013, hầu hết các hồ chứa do Cty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh quản lý chỉ tích nước được khoảng 50% dung tích. Hồ chứa do cấp huyện quản lý, nhiều hồ chỉ đạt 30 – 50% dung tích. Đến 25.2, toàn tỉnh có 7.184ha cây trồng bị khô hạn, trong đó mất trắng 1.173ha và 5.075 hộ thiếu nước sinh hoạt. Tại Đắc Nông, 10 hồ chứa cạn kiệt hoàn toàn, toàn tỉnh có hơn 2.300ha cây trồng thiếu nước (810ha lúa, 1.336,76ha càphê, 158ha hoa màu). Tỉnh Gia Lai mặc dù mới có 620ha cây trồng bị hạn, song vụ mùa trước đó đã bị thiệt hại gần 16.000ha giữa mùa mưa.
Dự báo đói, thiếu nước sinh hoạt
Ông Đinh Klu – Trưởng thôn làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro – cho biết: “Thôn có 30 hộ thiếu gạo ăn, số gạo được Nhà nước hỗ trợ hồi Tết Nguyên đán giờ hết rồi…”. Ông Bùi Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắc Lắc – lo lắng: “Với 144ha lúa bị hạn đến thời điểm này, ít nhất 600 hộ với 3.000 nhân khẩu của thị trấn sẽ thiếu đói”. Đây là cũng thực trạng chung các vùng nông thôn Tây Nguyên đang bị hạn hán hoành hành.
Gần 2 tháng qua, TP.Buôn Ma Thuột, lượng nước sạch bơm về chỉ 35.000m3/ngày đêm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của dân, trong khi ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) và TX.Buôn Hồ thiếu từ 5.000 đến 10.000m3/ngày đêm. Ông Trần Văn Thiện – GĐ Cty MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắc Lắc – cho biết, nguyên nhân thiếu nước là do hạn kéo dài làm giảm mạch nước ngầm, lượng nước bơm về không đủ so với nhu cầu của người dân. Theo ông Thiện, để giải quyết trước mắt, Cty lấy nước từ hồ Ea Chu Káp (xã Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột) nhằm bổ sung được 5.000m3/ngày đêm từ đầu mùa khô năm tới và đang lập dự án bơm nước từ sông Sêrêpốk với tổng mức đầu tư khoảng 25 triệu USD. Nhưng đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, người dân nên sử dụng tiết kiệm nguồn nước để đảm bảo lượng nước dùng.
Tại Krông Chro (Gia Lai), hàng trăm giếng nước đã cạn. Tại xã Quảng Phú (Krông Nô, Đắc Nông), hàng trăm giếng nước của người dân cũng trơ đáy vì thủy điện Buôn Tua Srah xả nước không như cam kết. Thậm chí mực nước giếng khoan sâu 30 – 40 mét tại xã này cũng phụ thuộc vào lịch xả nước của thủy điện.Thống kê mới nhất, tại Đắc Lắc có hơn 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Riêng huyện Krông Bông, người dân “kêu trời” vì giếng nước có độ sâu từ 18 – 20m hằng năm giúp họ “khỏi khát” thì năm nay cũng trơ đáy.
Theo Lao Động