Giữ “cái đội đầu” là nhu cầu, trách nhiệm

Tăng cường quản lý thị trường, bắt hàng dỏm, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng… làm cả rồi, hiệu quả chưa cao lắm, nên “phối kết hợp” bổ thêm trách nhiệm vào đầu người dùng. Người trần mắt thịt, mô tê biết gì, đội thì đội, nghiêm chỉnh chấp hành. 

 

Kiểm soát thị trường bất lực, nên thêm các biện pháp huy động quần chúng, chuyển bớt trách nhiệm cho bên giao thông.

“Bổ vào đầu” người dùng là cách dễ nhất, nhưng chỉ là chém ngọn, trong khi cái gốc là sản xuất chưa được bảo vệ đúng, hàng dỏm chưa bứng hết được.

Một thị trường lành mạnh thường chăm lo cái gốc để chắc chắn mọi hàng hóa “lên ngọn” đều ngon. Tư duy quen “kín kẽ”, gom vào một rổ: sản xuất và tiêu dùng cùng chung trách nhiệm.

Lớ ngớ không biết phân biệt thật giả, ham rẻ… lỡ mua phải loại đểu, vừa mất tiền, mất an toàn, lại ăn phạt như chơi. Tội, cứ như nếp, theo các “quy định” dễ khép: tiêu thụ hàng gian, hàng giả, tiếp tay…

Cái cần hơn là trang bị kiến thức về nhận biết hàng dỏm. Cái này, ngay đến các nhà quản lý có khi còn lóng ngóng, phân biệt bằng cảm quan, nói gì đến dân trơn.

Một hướng dẫn: mũ đạt yêu cầu là nếu có lưỡi trai mềm, tháo lắp được, độ nhô dài không quá 7cm, với mũ có vành cứng, dài không quá 2cm. Mũ có vỏ, đệm hấp, quai, chứ không chỉ có lớp xốp mỏng. Đơn giản thế thôi, và “người dùng phải tự nhận biết, phân biệt bằng cảm quan”.

Có mà như đánh đố, cảm quan thế nào thì tùy hỉ. Trăm họ, có người khôn, kẻ khó, dễ ăn bánh vẽ của người bán, dễ vô tình dính tội “tiếp tay”.

Sao không tăng cường xét, duyệt, kiểm tra, cấp dấu, thanh tra… duyệt vài chục loại mũ đạt yêu cầu rồi công bố tên tuổi nhãn mác, đưa vào cửa hàng chuẩn, Kẻ tỉnh, người quê cứ thế mà mua cho dễ, an tâm đã được “bảo kê” chất lượng?

Bắt hàng gian, hàng dỏm, kiểm tra, bảo vệ thị trường đành là trách nhiệm toàn dân, nhưng chủ chốt, chủ trì phải là người có nghề, ngành có gốc, để dân không nghề, không ngành yên tâm xài hàng tốt, đúng chuẩn.

“Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý người vi phạm”, cho thời gian để học cách nhận biết… quá đúng. Cái đúng hơn là nên tăng cường, kiểm soát, xử lý người làm, bán hàng dỏm…

Cái đầu là cái đầu tiên, giữ cái đội nón là nhu cầu, trách nhiệm. Nói không với “đầu” dỏm.

Trần Giang Phương

Ảnh: ST


From the same category