Chống người thi hành công vụ nghiêm trọng: đề xuất nổ súng

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất nếu hành vi chống người thi hành cng vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác; hoặc có dấu hiệu của một tội phạm từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Ngoài ra, trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Dự thảo nghị định nêu rõ các biện pháp ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ gồm:

Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; Yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra; Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ; bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; Khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ hoặc hung khí (nếu có).

Trường hợp tụ tập đám đông chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục; Đưa người có hành vi chống người thi hành công vụ về trụ sở cơ quan công an, trụ sở cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc trụ sở Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để giải quyết.

Trong trường hợp người có hành vi vi phạm cố tình chống đối, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ thì được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện được trang bị để buộc người vi phạm phải chấp hành; Lập biên bản về hành vi chống người thi hành công vụ để làm căn cứ cho việc xử lý theo quy định của pháp luật; Báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tạm giữ người, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm sau khi đã được giải thích, tuyên truyền, thì người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật được trang bị để buộc người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt ngay hành vi vi phạm và tuân thủ hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Dự thảo Nghị định nêu rõ người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng, chống tội phạm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ, tài sản của Nhà nước; thể hiện thái độ coi thường pháp luật, bất chấp sự ngăn chặn, trấn áp của những người được giao nhiệm vụ thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê, báo cáo của các bộ, ngành có liên quan, từ năm 2002 đến tháng 6-2012 cả nước đã xảy ra 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.

Theo Tuổi trẻ

From the same category