Võ Hồng Nhung: Cô gái đứng ở góc phòng

Còn tôi, tôi đã tự đặt ra một định ngữ mới về cô ấy: “Cô gái đứng ở góc phòng”. Bởi bất cứ lúc nào bước chân vào phòng tập, cứ đánh mắt về góc phòng là sẽ thấy bóng dáng của Nhung.

Nhung bảo: “Nếu mai mốt có ngày em múa rất giỏi đi chăng nữa, thì em vẫn chỉ đứng trong góc thôi. Đó là chốn yêu thích của em, là vị trí mà em có thể nhìn thấy rất nhiều người để biết ai đúng ai sai, ai tốt ai chưa để còn cố gắng và tự điều chỉnh lại mình”.

Những nỗi sợ của Nhung

Có lần tôi xem được đoạn phóng sự chiếu giữa cuộc thi, Nhung bảo Nhung đi thi là để hết sợ. Thế trước đây Nhung sợ điều gì?

– Em sợ nhiều thứ lắm. Sợ mình không được là chính mình, vì khi bước vào môi trường nghệ thuật, nhiều khi người ta phải mang cho mình những lớp mặt nạ. Em cũng sợ mình không đủ giỏi, sự tham gia của em lại làm mặt bằng chung cuộc thi kém đi, và gây ra khoảng cách lớn giữa “So You Think You Can Dance” (SYTYCD) Việt Nam với phiên bản đã quá thành công trên thế giới. Còn sau cuộc thi, em sợ mình bị cuốn theo những lời khen.

Nhung 23 tuổi, học FPT Arena và đáng ra đã là một designer, nếu như năm 19 tuổi, cô không bất ngờ phát hiện ra trên đời này có một thể loại múa tên là contemporary (múa đương đại). Nhung mê mải xem youtube và tự học theo. Cho đến khi nhận thấy mình không thể làm tốt nếu không có những kiến thức nền, Nhung thi vào hệ 2 năm trường Múa Tp.HCM.

19 tuổi để bắt đầu học múa là quá muộn. Ngày mới đi học, Nhung bị đánh giá là yếu nhất lớp và luôn phải đứng trong góc. Nhung không biết hướng 2 hay hướng 8 trong múa là gì. Cô lại ôm một nỗi sợ: sợ bị so sánh với những người học hệ múa 4 năm, 7 năm.

Nhưng bước vào cuộc thi, điều Nhung sợ không phải là bị loại. Nhung nói cô sợ nhất những lúc bị phỏng vấn. Bình thường Nhung ít nói, không ồn ào, lúc nào cũng đứng khuất một góc, có khóc cũng chỉ rơm rớm, và hiếm khi thấy cô nằm trong đám đông thí sinh đang nhảy múa hay ôm nhau khóc trên sân khấu, bởi cô chọn cách chia sẻ âm thầm và chân thành hơn với đồng đội: đứng từ xa chia sẻ bằng ánh mắt. Trước những ngày quay phỏng vấn, Nhung rất run, cô phải viết hết câu trả lời ra giấy rồi ngồi học thuộc cả tối như một đứa học sinh chuẩn bị cho bài kiểm tra miệng.

Thế mà không ai có thể tưởng tượng được trong mỗi đêm thi, Nhung giống như “lên đồng”. Dường như cô gái ấy đã để dành mọi cảm xúc cho sân khấu.

Điều gì đã khiến Nhung có thể hóa thân xuất thần trong các bài diễn như vậy?

– Có lẽ vì em luôn nghĩ mình đang cảm nhận múa chứ không phải tập múa. Mà nói về múa, người ta cũng dùng cụm từ “múa nghệ thuật” chứ không phải “múa kĩ thuật”. Nếu mình có cảm xúc thì một cái phẩy tay cũng là múa, còn không, nó đơn giản chỉ là một động tác kỹ thuật. Đó là lý do vì sao có những người khi múa chỉ thể hiện sự phô trương, còn nhiều người khác lại có thể khiến khán giả muốn đứng lên nhảy múa cùng mình.

Nhung muốn trở thành một diễn viên múa như thế nào?

– Em muốn những điệu múa của mình có thể khiến khán giả khóc, khán giả cười, khiến cho những người đang mất phương hướng cũng phải nhận ra đam mê thật sự của mình đang nằm ở đâu.

Hạnh phúc là sống có đam mê

Nhung thích múa ở điều gì?

– Múa làm gương mặt em sáng hơn. Mỗi khi kết thúc một bài múa, em cảm thấy niềm hạnh phúc vẫn chảy nguyên vẹn trong máu mình. Càng múa em càng nhận ra con người mình.

Nhung có sợ theo nghiệp múa thì sẽ… nghèo không?

– Em không sợ. Vì đối với em, điều quan trọng trong cuộc đời không phải có nhiều tiền hay không, mà là mình có hạnh phúc hay không. Mỗi ngày đi làm về, em cảm thấy thoải mái và may mắn vì đã được sống đúng đam mê của mình.


Tôi đã rất bất ngờ khi Nhung nói rằng sau cuộc thi, cuộc sống của Nhung chẳng có gì thay đổi, không thêm cơ hội, không đắt show hơn, không giống như những thí sinh bước ra từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát. Bất ngờ hơn nữa khi Nhung nói Nhung vẫn đi diễn đám cưới. Đó là công việc giúp Nhung có tiền đóng học khi còn là sinh viên trường Múa Tp.HCM, và Nhung vẫn làm công việc đó đến tận bây giờ. Mỗi tháng, Nhung kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng từ nghề múa.

“Mỗi show diễn chỉ có giá 80-90 ngàn, nhưng em coi đó là cơ hội để tự rèn giũa mình. Bởi sân khấu đám cưới rất nhỏ, mình phải tốt từ những sân khấu nhỏ thì mới tự tin khi bước ra sân khấu lớn”.

Chỉ một lời hứa

Tôi nhớ nguyên vẹn cảm giác hụt hẫng của mình khi nghe tên Nhung được xướng lên đầu tiên vào giây phút trao giải – đồng nghĩa với việc Nhung là người có ít phiếu bình chọn nhất trong top 4. Ngay lúc đó, theo thói quen, tôi mò vào facebook xem bạn bè đang phản ứng thế nào về điều này. Ai cũng tiếc cho Nhung. Có người còn nói: “Ôi, thấy như chết nửa cuộc đời!”.

Hỏi Nhung có tiếc không, Nhung bảo: “Cái được lớn nhất từ cuộc thi không phải là giải thưởng, mà là việc em đã nhìn ra rõ ràng hướng đi của mình.” Khoảng giữa năm 2013, Nhung sẽ lên đường sang Canada học một khóa biên đạo trong vòng 4 năm.

Dancer tuyệt vời khác dancer giỏi thế nào?

– Dancer giỏi là người làm đúng kỹ thuật. Còn dancer tuyệt vời là người có thể hóa thân vào nhiều thể loại, nhiều vai diễn và truyền được cảm hứng cho khán giả.

Ước mơ của Nhung là khi trở về có thể mở một trường đào tạo ra những dancer tuyệt vời. Đó sẽ là ngôi trường có học phí rất rẻ hoặc hoàn toàn miễn phí, để nhảy múa không còn là môn nghệ thuật thượng lưu mà có thể đến với tất cả mọi người, kể cả những số phận khó khăn nhưng có trái tim yêu nhảy múa như các em nhỏ ở trường 15/5 mà Nhung vẫn thường đến thăm.

Nhung hạnh phúc vì khi ngôi trường đó mới chỉ tồn tại ở dạng ước mơ, nhưng đã có khán giả hứa sẽ giúp Nhung mặt bằng, có người nói 4 năm nữa sẽ cho con gái theo Nhung tầm sư học đạo. Và tuyệt vời hơn cả là lời hứa từ những người bạn của Nhung trong SYTYCD (Minh, Phương, Uyên, Đạt) rằng 4 năm nữa khi Nhung trở về, họ sẽ cùng Nhung xây dựng ngôi trường và phát triển cộng đồng dance ở Việt Nam.

Không cần thề thốt giao ước, không cần kí kết hợp đồng, chỉ là một lời hứa giữa mấy đứa dancer bọn em thôi. Nhưng chúng em có niềm tin ở nhau, và tin là mình sẽ làm được!”.

Bài: Hương Thủy
Ảnh: Milor Trần

Khi người ta trẻ

Họ là những người phụ nữ trẻ tràn đầy năng lượng, dám biến ước mơ thành hiện thực, dám tiên phong mở đường, dù có thể phải đối diện với thất bại. Có sao đâu, khi người ta trẻ!


From the same category