Quan họ không “ngả nón” lấy gì mà sống?

Hội Lim năm nào cũng diễn ra trong không khí tấp nập người đến dự hội. Thế nhưng, tìm mãi nhiều người vẫn không thấy hình ảnh cũng như làn điệu quan họ cổ xưa đâu. Thay vào đó là những hiện tượng không lấy gì làm đẹp mắt. Chúng tôi tìm đến nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiển để tìm giải đáp cho những vấn đề mà Hội Lim nhiều năm nay đang mắc phải. 

 

 
Bản chất thú chơi quan họ đã thay đổi hoàn toàn và biến mất! 
 

Bản chất của chơi quan họ là cuộc chơi của những nhóm liền anh liền chị kết nghĩa giữa những làng quan họ gốc. Và cuộc chơi ấy đã chấm dứt cách đây hơn nửa thế kỷ! 

 

Ngày xưa các nhóm quan họ kết nghĩa hát là để hát cho nhau nghe chứ không phải là hát để trình diễn trước đám đông.  

Hội Lim khi ấy là điểm sinh hoạt nổi bật của vùng quan họ Kinh Bắc. Người ta rủ nhau lên đấy hát, đi tìm bạn để kết nghĩa, còn những nhóm kết nghĩa rồi sẽ hát ở trong làng thì bây giờ không còn nữa mà chỉ còn là sự phục hồi lay lắt.

Chúng ta đừng nên quá kì vọng khi đặt câu hỏi quan họ cổ nay đâu rồi?

  

Khi làm hồ sơ trình lên UNESCO cho quan họ thì ở tỉnh Bắc Ninh chỉ còn có 3 người là các cụ ngày xưa đã từng đi hát. Một cụ đã mất. Nay chỉ còn cụ Nguyên và cụ Nhi là những liền chị thực sự từng đi hát quan họ, từng chơi quan họ.

 

Vì vậy để phục dựng một canh quan họ cổ trong Hội Lim là thực sự khó vì đâu còn những nghệ nhân có chất giọng để hát, đặc biệt là giọng Nam. Nếu có phục dựng được, thì bản thân các liền chị là những giọng nữ lớn tuổi đã phải hát cùng những liền anh là những giọng nam trẻ hơn mình để trao duyên. 

 

Sự tan vỡ của một vùng không gian văn hóa quan họ như thế mới thấy được sự biến dạng của quan họ ngày nay.

  
Quan họ cải biên và “ngả nón”: Chúng ta có nên chấp nhận? 
 

Bây giờ những canh quan họ chỉ còn là phục dựng. Họ hát thứ quan họ cải biên, không phải hát cho nhau nghe mà là hát cho cộng đồng nghe. Thế nên người ta phải hát bằng micro, phải bằng loa và thêm cả phần nhạc đệm. 

 

Bản thân những người hát quan họ cũng chỉ là những người học lại các bài nhạc mang chất giọng quan họ dễ hát là giọng giã bạn và giọng vặt sau đó ghép các bài vào nhau để giả cổ. 

Đấy là một thẩm mỹ mới mà chúng ta phải thừa nhận là nó rất mạnh. Thẩm mỹ ấy tràn lan khắp tất cả các vùng quan họ. Người ta coi đó là một lối mới và thích nghe hơn là nghe quan họ cổ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Bùi Trọng Hiền: “Chúng ta tôn vinh quan họ nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng các giá trị quan họ gốc đã mai một và tan vỡ hết rồi”.

Vậy bản thân chính những người làng quan họ đã thích nghe lối quan họ cải biên rồi, thích nghe xập xình rồi, họ không còn cảm thấy hứng thú với lôi quan họ cổ (lối quan họ không có nhạc cụ đệm) nữa thì khi ngày nay đến với Hội Lim quan họ cổ đã không còn.  
 

Khi xã hội phát triển thì tất cả những sản phẩm âm nhạc dần dần sẽ trở thành một sản phẩm hàng hóa, trở thành một sản phẩm trình diễn thương mại thì việc nhận tiền, xin tiền hay là phải thù lao là điều tất nhiên. 

 

Vì việc họ hát cũng là một thứ hình thức lao động, ngày xưa các nhóm liền anh liền chị là chơi với nhau, hát cho nhau nghe còn ngày nay rõ ràng nó đã trở thành một dịch vụ. Một tiết mục thì nó phải mang màu sắc thương mại. Hát quan họ đã trở thành một thứ dịch vụ kiếm tiền nên CLB muốn tồn tại thì họ phải có nguồn thu hoặc ít nhất được hỗ trợ bằng một khoản kinh phí.

Hình ảnh đôi bên hát đối đáp mà một bên hát,  một bên nói chuyện, rồi liền anh liền chị nhận tiền là điều bình thường. Chỉ có điều hãy nên làm thế nào để hình ảnh ấy đừng trở nên quá đà.

Theo Vietnamnet


From the same category