Lùm xùm chuyện sữa Danlait - Tạp chí Đẹp

Lùm xùm chuyện sữa Danlait

Tin Tức

Vì không có sữa nên chị Cao Thị Ngân Hà, ở 37 làng Yên Phụ, Q.Tây Hồ (Hà Nội) phải cho con uống sữa ngoài. Trong suốt 6 tháng đầu đời con luôn tăng trưởng vượt bậc. Từ khi con ăn dặm bắt đầu bị bón, chị Hà đổi sang dùng sữa dê cho mát. Lo sợ sữa dỏm, sữa xách tay kém chất lượng, chị chọn sữa Danlait sau khi đã gọi điện cho Công ty TNHH Mạnh Cầm, nhà phân phối chính thức tại Việt Nam để kiểm tra thông tin.


Chị Hà kể: “Qua hơn 2 tháng dùng sữa dê Danlait, con mình không bị bón nhiều như trước nhưng không lên cân và còn sụt cân nữa (trước cháu 7 tháng 12 kg, nay gần 9 tháng được 11,5 kg), mọc răng chậm. Cảm thấy lo lắng nên mình lên website của công ty in trên hộp sữa để kiểm tra thông tin và hỏi bạn bè bên Pháp tìm mua và gửi về cho yên tâm. Tuy nhiên bạn bè mình bên Pháp (cả người Việt và người Pháp) đều nói rằng chưa bao giờ nghe thấy tên sản phẩm này cũng như nhà sản xuất FIT mà Công ty Mạnh Cầm quảng cáo là “tập đoàn sản xuất sữa dê hàng đầu tại châu Âu”.

Đem mối hoài nghi về sữa Danlait, chị Hà chia sẻ thông tin lên diễn đàn lamchame và webtretho. Trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhóm “Chung tay chia sẻ thông tin về sự dối trá của sữa Danlait”, tính đến chiều 20.2, đã có gần 1.000 thành viên tham gia.

Ông Đặng Minh Sang, giới thiệu về sản phẩm sữa Danlait

Mua 80.000, bán gần nửa triệu

Nhiều người càng nghi ngờ khi phát hiện website www.danlait.fr đăng tải thông tin sơ sài, file ảnh đăng trên web của Pháp nhưng mang tên tiếng Việt, thông tin, hình ảnh cóp nhặt từ một hãng sữa khác… Chính trang web của FIT ghi rõ công ty này chỉ có… 26 nhân viên. Đáng chú ý, các thành viên còn chỉ ra những lỗi sơ đẳng về ghi thông tin thành phần hóa học, trong đó có chất chlorine. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), chlorine là chất tẩy rửa có mục đích tẩy trắng hoặc khử trùng. “Đây là sự nhầm lẫn chết người, “sai một li đi một dặm” vì chẳng ai cho chất tẩy rửa vào sữa, có lẽ phải là chloride (thành phần trong muối ăn) mới đúng”.

Cư dân mạng bức xúc hơn nữa khi Công ty Mạnh Cầm công bố giấy tờ liên quan. Sau khi tính toán, các thành viên càng “ngã ngửa”: đơn giá hộp sữa 400 gr hơn 3 euro, tính ra khoảng hơn 80.000 đồng. So sánh với mức giá bán hiện tại từ 400.000-420.000 đồng/hộp!

Để tìm hiểu thực hư, phóng viên đã tới trụ sở của Công ty Mạnh Cầm (có trụ sở tại phố Nguyễn Viết Xuân, Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Theo ông Đặng Minh Sang, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, đến thời điểm hiện tại công ty chưa nhận được phản hồi hay đơn thư chính thức của người tiêu dùng phản ánh về ảnh hưởng xấu của sữa dê Danlait. Ông Sang cho biết: “Chúng tôi đã biết trên diễn đàn lamchame va webtretho…, một số thành viên có đưa thông tin Danlait rởm từ trước Tết Nguyên đán. Đây có thể là sự hiểu lầm hoặc cạnh tranh không lành mạnh, hay đố kỵ của một cá nhân nào đó”, ông Sang nói.

Sữa Pháp nhưng không bán tại Pháp

Với tư cách là người đại diện nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm sữa dê Danlait tại Việt Nam, ông Sang khẳng định sữa dê Danlait là một trong những sản phẩm của Công ty F.I.T, một trong những nhà sản xuất sữa dê hàng đầu tại châu Âu. “Sản phẩm sữa dê được sản xuất, tiêu thụ tại thị trường châu Âu và xuất đi nhiều thị trường như Ả Rập Xê Út, Dubai, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam…”, ông Sang nói. Theo ông Sang, có thể sản phẩm không bán tại Pháp, chỉ xuất khẩu sang một số nước nên nhiều người chưa biết đến. Ông Sang cho biết, công ty cũng đã có có công văn gửi các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc nhằm làm rõ vụ việc để đưa thông tin tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo chị Hà, dù sự việc chưa rõ ràng, song với những bằng chứng mà cư dân mạng chỉ ra, rõ ràng doanh nghiệp lừa dối khách hàng khi quảng cáo quá lời về nguồn gốc xuất xứ và bán sữa với giá cắt cổ.

Còn PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, việc cần làm ngay là người tiêu dùng nên thông báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ chất lượng và chính xác thành phần hóa học có trong sữa.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm

Chiều qua, sau khi làm việc với Công ty TNHH Mạnh Cầm, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, các sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17.1.2012. Trong năm 2012, công ty đã nhập khẩu 4 lô hàng của 3 loại sản phẩm trên với tổng số 40.380 lon (1 lon là 400 gr).

Theo ông Trung, tất cả các sản phẩm nhập khẩu của Công ty Mạnh Cầm về Việt Nam đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đều đã có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng… Ông Trung xác nhận: hiện tại Cục chỉ xác định nguồn gốc sản phẩm từ Pháp. Về chất lượng, theo quy định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý kiểm tra theo hình thức hậu kiểm. Các giấy tờ liên quan đến chất lượng sản phẩm do nhà nhập khẩu cung cấp, không phải do Cục An toàn thực phẩm thực hiện. Theo quy chuẩn về chất lượng sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, sản phẩm được coi là sữa khi đạt 34% đạm. Nếu dưới mức này, thì được coi là thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng.

 (Theo TN)

Thực hiện: depweb

22/02/2013, 22:15