Từ chuyện giá “múa”, đến chuyện cần thì dùng

Nước sạch có giá, và giá lại tăng từ 1-1, theo đà, đến hẹn lại lên. Lần này, như tại TPHCM, giá nước tăng thêm từ 400 – 1.700 đồng/m3 (tùy đối tượng dùng), tức tăng từ 4% – 17%.

Giá theo thị trường, theo chi phí sản xuất, theo lộ trình lên giá, tăng thì đành tăng dùng thì đành dùng. Thứ hàng hoá không bị “đóng băng” này làm ra bao nhiêu cũng hết, hàng chảy đi như nước chảy bèo trôi.

Đến hẹn, bốn năm nay (từ 2010), từ ngày đầu năm, giá nước lại lên. Sát sườn với đời sống, báo trước lộ trình cả vài năm, và năm nay là năm chót.

Dịp sát Tết, giá thường hay “nhảy múa”. Nước lên, giá xe buýt cũng lên, tới 50%, dù giá gas giảm nhẹ.

Nhưng giá gas giảm vẫn chưa bù lại so với mức tăng 126.000 đồng mỗi bình 12kg trước đó. Chuyển gas sang điện, điện cũng lại vừa tăng thêm 5%.

Giá nước, giá gas, giá điện… Ba thứ “lăng nhăng” khiến ta đau đầu. Bớt điện, bớt gas, khó bớt nước, nhưng vẫn phải bớt. Xiết thêm thắt lưng là biện pháp dễ nhất phải làm, dù cũng muốn “kích cầu” giúp các nhà sản xuất.

Tết này, lương thưởng còn đang “phập phồng”, nhưng cái đã chắc là phải khẩn trương “đi vào thực hành tiết kiệm”, cũng là một cách cảm nhận về gia sản, về tài nguyên đất nước.

Xứ sông nước xanh tươi, tài nguyên dồi dào, không có nghĩa là vô tận và đều “của chùa”. Nước, nguồn sống đầu tiên, tài nguyên cuối cùng. Giá lên, xuống là chuyện thị trường, và mỗi lần là dịp nghĩ về tài nguyên ấy.

Dùng hợp lý, không vung phí, cũng không nhất thiết ra sức ky bo. Cần đến đâu dùng đến đó, không cần thì tắt là một lối sống hiểu biết đáng trân trọng.

Trần Giang Phương


From the same category