Ít ai có ham muốn tìm hiểu về đàn bà mà không biết đến cái tên Beauvoir – nhà nữ quyền lừng danh của Pháp, một người đàn bà đam mê làm người với tất cả đầy đủ ý nghĩa của nó.
Nói về Beauvoir để học tập cái nhân vị đàn bà của con người này ư? Không đâu. Chuyện khó. Beauvoir là người đàn bà ngoại cỡ. Ngoại cỡ về tư tưởng nữ quyền. Ngoại cỡ về tình yêu và khoái lạc. Đàn bà trên cõi đời này khó ai có thể đạt đến tầm vóc của bà. Tuy nhiên, thái độ hiện sinh của Beauvoir là bài học cho bất kỳ phụ nữ nào muốn vươn đến sự tự do, xác lập một vị thế tự chủ trong cuộc sống.
Thông minh. Kiêu hãnh. Quyến rũ và kỳ dị. Đó là những gì có thể nói về người đàn bà này. Beauvoir đã trở thành một huyền thoại của nước Pháp. Lúc còn sống, bà là mối bận tâm đầu lưỡi của chốn dư luận Paris. Sau khi chết, bà lại càng được bàn luận xôn xao hơn, nhất là khi những chuyện tình riêng tư được công bố. Hàng loạt báo giới đã đặt lại các vấn đề liên quan đến con người kỳ lạ này. Đặc biệt, gần đây nhất, cuốn tiểu thuyết “Beauvoir trong tình yêu” của Irène Frain (2012) một lần nữa lại khuấy động lên chuyện tình con người huyền thoại này.
Trước lúc nói đến tình yêu và khoái lạc, phải hiểu rằng Beauvoir là một nhà văn đấu tranh hết mình cho tinh thần tự do của nhân loại. Bà thuộc vào thế hệ trí thức dấn thân thập niên 60, cùng thời với triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre. Beauvoir và Sartre là một cặp hoạt động sôi nổi trong phong trào chính trị – xã hội, cùng sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Algérie và Việt Nam. Hoạt động của họ đã tác động căn bản đến chính quyền Pháp vào thời bấy giờ. Không phải đơn giản mà tên Beauvoir được đặt cho một chiếc cầu trên sông Seine. Vinh dự này chỉ dành cho những vĩ nhân của nước Pháp.
Simone de Beauvoir
Sống để viết, hay viết để sống, cả hai đều đúng với Beauvoir. Chốn tình trường phong phú, sôi nổi như thế giới văn chương của bà. Bao nhiêu cuộc tình đi qua, chỉ bà và quỷ thần mới biết được. Nhưng hai người đàn ông ảnh hưởng sâu đậm nhất đến Beauvoir – đó là triết gia hiện sinh J.P.Sartre (1905 – 1980) và nhà văn Nelson Algren (1909 – 1981). Sartre là người bạn đời tri kỷ, còn Nelson là tình nhân say mê. Sartre tôn trọng trí tuệ, thấu hiểu tâm hồn của Beauvoir. Bên Sartre, Beauvoir có thể hiện thực hóa tư tưởng hiện sinh: bản chất của con người là tự do. Nhưng Nelson mới là người đánh thức những đam mê khoái lạc – cái nhân vị đàn bà của Beauvoir.
Vậy Nelson Algren là ai? Là một nhà văn Mỹ, gốc Do Thái, sống tại Chicago, nổi tiếng với tiểu thuyết L’Homme au bras d’or, 1950. Một tác phẩm được chuyển thể thành phim và tác động sâu xa đến đời sống văn hóa Mỹ. Cao to, đẹp trai, thích quyền anh. Sống đam mê và chết trong khốn cùng, túng quẫn. Một người đàn ông có những đặc tính phù hợp với tư tưởng điên cuồng của Beauvoir.
Đó là cú sốc ái tình vào năm 1947 khi Beauvoir đến Mỹ thuyết giảng cho sinh viên các trường đại học. 16 năm trời ròng rã kể từ khi hai người gặp nhau, Beauvoir đã viết những bức thư tình nồng nàn, say mê – trên 304, con số không nhỏ cho một cuộc tình. Sau khi chết, con gái nuôi của bà là Silvie Le Bon de Beauvoir đã dịch sang tiếng Pháp với tựa đề: Lettres à Nelson Algren: un amour transatlantique, Paris, Gallimard, 1997/ Thư gửi Nelson, một tình yêu xuyên Đại Tây Dương. Cuốn sách này đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của công chúng Paris, thậm chí, họ xem đây như một thể loại thư tín đặc biệt, có giá trị về mặt giới tính, tiểu sử và văn học.
Sự xa cách về không gian, sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là sức hấp dẫn thân xác đã cuốn hút Beauvoir một cách kỳ lạ. Một cuộc trò chuyện, yêu đương, thậm chí faire l’amour/ làm tình bằng thư đã diễn ra hàng ngày. Đây là thời điểm Beauvoir ở vào tuổi nồng nàn nhất của người đàn bà: 39 đến 45 – độ đam mê của khoái lạc, theo các nhà tình dục học. Beauvoir yêu bằng tất cả tâm hồn và niềm đam mê thân xác. Không có gì đáng sợ hơn khi một người đàn bà bộc lộ những khát khao tình dục bị ẩn ức. Beauvoir đã viết bằng hơi thở, bằng cảm giác thân thể, như cách nói của Hélène Cixous: lối viết thân xác. Khoảng cách Paris và Chicago là cả một đại dương. Họ chỉ gặp nhau trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Vì vậy, lại càng dồn nén, khát khao hơn: “Em sẽ làm tình với anh mười lần trong một đêm và ban ngày cũng vậy, cho đến khi em mệt rã rời” (tr.345). Một nỗi khắc khoải trong đớn đau: “Em đã khóc, vì yêu anh và thiếu vắng anh; em đã nói với anh trong đêm dài; Xin anh đừng đi, hãy ở lại với em, hãy nói với em, như anh làm điều đó trong đêm tối và ánh sáng” (tr.300).
Có thể nói, sự bất lực trong niềm giao hoan đã khiến người đàn bà dồi dào tình dục này chuyển hóa vào tác phẩm. Từ năm 1947 đến 1954 là khoảng thời gian Beauvoir viết nhiều nhất, trong đó phải kể đến công trình triết học nổi tiếng “Giới thứ hai”, 1949. Tác phẩm phát hành đến con số kỷ lục: 22.000 bản trong tuần ra mắt đầu tiên. Tư tưởng nữ quyền tiến bộ/ nổi loạn đã khiến giáo hội Rome phải dè chừng. Đó là cuốn sách đặt nền tảng căn bản cho phong trào nữ quyền trên thế giới. Nó như một cơn sóng mạnh mẽ cuốn phăng mọi luật lệ của chế độ nam quyền. Còn về văn học, tiểu thuyết “Các vị quan” đã đoạt giải Goncourt, 1954 (đánh bại cuốn “Đập chắn Thái Bình Dương” khiến nữ tiểu thuyết gia M.Duras rất hậm hực).
Thiết nghĩ, sự say mê, điên khùng trong tình yêu không có gì lạ. Giới nghệ sĩ Paris không thiếu những cuộc tình gây scandal. Khi người ta lâm vào ái tình, tất cả đều trờ nên điên rồ. Những triết gia uyên bác lại càng điên rồ hơn. Và đời người sẽ mất đi sự thú vị nếu không có những khoảnh khắc điên rồ đó. Nó vô lý lẽ. Miễn luận bàn. Như Beauvoir viết trong một bài báo, có tựa đề: Vì sao người ta si tình? Điều đáng bất ngờ ở đây là: phản ứng của Beauvoir trước lời cầu hôn của Nelson. Khi Nelson đề xuất cùng nhau chung sống ở Chicago, Beauvoir đã lưỡng lự và rồi từ chối. Rõ ràng dù say mê đến đâu, nữ triết gia vẫn trung thành với lý thuyết hiện sinh của mình: tự do không hôn nhân. Ở điều này, có lẽ Sartre hiểu tận cùng Beauvoir hơn người tình nước Mỹ.
Simone de Beauvoir và Jean Paul Sartre
Beauvoir ở lại bên Sartre và tiếp tục cuộc hiện sinh cho tới khi Sartre qua đời năm 1980. Đến đây, mạn phép độc giả, đảo lại luận đề trên: Nelson là người tình nồng nàn, nhưng Sartre mới là người bạn đời tri kỷ. Và tri kỷ bao giờ cũng bền vững. Họ lặng lẽ nằm bên nhau trong nghĩa địa Montparnasse, mỉm cười ngạo nghễ: cuộc đời là một trò chơi hiện sinh thú vị.
Trần Huyền Sâm (theo SK&ĐS)