Libya – Ngỡ ngàng rạng đông

Kỳ 13

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.

Đế quốc La Mã một thời rộng lớn trên cả ba châu lục nhưng thành quách toàn vẹn nhất còn tồn tại không phải ở Roma mà ở Leptis Magna, Libya

 

Bãi biển Libya 

Libya là một trong ba đất nước hoàn toàn trong tình trạng vô chính phủ vào đúng thời điểm tôi đặt chân qua biên giới. Tuy nhiên, không giống như Yemen nơi máy bay hạ cánh ngay tại thủ đô, hay như Ai Cập nơi dù chính trị có tí loạn lạc nhưng khách du lịch vẫn chất đầy những chuyến xe buýt từ biên giới heo hút, Libya bắt tôi chờ gần năm tiếng ở cửa khẩu vì hải quan Ai Cập nhất định không tin ở tít phía bên kia đường biên, nhân viên của công ty du lịch Libya đang chờ sẵn với visa nhập cảnh. Họ nhìn tôi và bốn bạn đường người Nhật rồi lắc đầu quầy quậy: làm gì có chuyện thời điểm này có ai xin được visa vào Libya? Ngay cả ở thời bình xin visa du lịch còn khó, phải đăng ký đi theo đoàn hoặc được người bản xứ viết thư mời nữa là lúc loạn lạc kiểu rắn mất đầu thế này.

 

Với vốn tiếng Ả Rập vừa ít vừa sai toe toét, tôi dùng cả tứ chi lẫn ngũ giác quan để giải thích rằng xin được cái visa này phải mất mấy tháng trời tìm môi giới trên mạng, rồi hết hơi tìm bạn đồng hành để giảm giá, rồi phải gửi đủ thứ giấy tờ bảo đảm, rồi cuối cùng mỗi đứa vẫn mất tới gần 200 đô cho một cái cộp dấu chưa biết có thật hay không.

Người hùng hay kẻ tội đồ?

Ít người biết rằng Libya từng là thuộc địa của Ý. Trong cuộc chạy đua chiếm hữu các vùng đất của châu Phi, Ý chậm chân hơn nhiều so với các “trùm sò” khác như Anh, Pháp, Hà Lan. Libya là mẩu Bắc Phi duy nhất còn sót lại mà Ý có thể chiếm đoạt với lý do là vùng đất này cách Ý chỉ vài trăm cây số đường biển. Vướng phải sự kháng cự quyết liệt của người bản xứ, quân đội Ý tàn phá hàng trăm xóm làng, đày ải hàng chục nghìn người trong các trại lao động và không ngần ngại dùng bom hóa học phá hủy mùa màng.

Nhiều người biết rằng Gaddafi là kẻ độc tài từng thống trị Libya suốt 42 năm và bị quân nổi dậy giết chết một cách thảm khốc trong mùa xuân Ả Rập năm ngoái. Nhưng Jamal, người đầu tiên tôi kết bạn tại thủ đô Tripoly (sau một hồi ngần ngại) đã thẳng thắn cho tôi biết rằng ông trung thành với Gaddafi. Jamal là quản đốc trong một công ty dầu lửa. Ông nói tiếng Anh lưu loát, từng tu nghiệp nhiều năm ở châu Âu. Lái xe đưa tôi vòng vèo qua những con phố còn đầy những hình vẽ graffiti chế nhạo và rủa xả Gaddafi, Jamal thả từng câu chậm rãi: “Đại tá Gaddafi chính là người khiến thủ tướng Ý Berlusconi phải hôn tay và xin lỗi vì 30 năm đô hộ và trả gần 4 tỷ đô la cho những thiệt hại xảy ra trong quá khứ. Cô có thể tưởng tượng được thủ tướng nước cô khiến tổng thống Pháp phải hôn tay, xin lỗi vì gần 100 năm đô hộ Việt Nam, rồi lại còn ngỏ ý đền bù cho dân nước cô hàng tỷ đô la?”
Tôi phì cười!

Không thể phủ nhận những ấn tượng mà vị đại tá kỳ quặc này để lại sau gần nửa thế kỷ cầm quyền: Gaddafi cho ra đời một chế độ xã hội độc nhất vô nhị trên đời nơi ông ta là kẻ độc tài nhưng núp dưới chiêu bài một nhà nước không có người đứng đầu và “mỗi người dân là một tổng thống”, nơi chỉ trong vòng 15 năm tỷ lệ biết chữ từ 10% tăng lên 90%, tuổi thọ bình quân từ 57 tăng lên tận 77. Đầu những năm 80, Libya trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới, đứng trên cả Thụy Sỹ, Ý, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Đối với những người chỉ nhìn thấy Gaddafi từ màn hình ti vi thì ít nhất đội vệ sĩ toàn phụ nữ của ông cũng đủ để lại một ấn tượng khó quên.

 

Một khu nhà bị bom phá hủy ở Benghazi 

Chạng vạng

Đất nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp hỗn mang, đường phố Libya cũng vì thế mà nguy hiểm hơn bởi sự đụng chạm giữa các nhóm quân nổi dậy khác nhau về vùng ảnh hưởng. Hai lần tôi và một người bạn bản xứ phải nhanh chóng rời qua phố khác vì bất thần có xung đột vũ trang. Đêm nằm trong khách sạn tôi và ông bạn đường người Nhật Kazuo đếm được hàng chục tiếng súng bắn xa gần.

Kazuo 50 tuổi là một phóng viên tự do, được tôi và ba tay du lịch bằng xe máy rủ nhập hội để giảm giá xin thị thực. Vượt qua được cửa khẩu, ba tay motorcyclist thả chúng tôi đi trước đến Tripoly bằng xe buýt. Như rất nhiều kẻ đi phượt bụi bặm khác, chúng tôi nghe theo sách hướng dẫn du lịch “Lonely Planet” nhằm thẳng Youth Hostelling International (YHI) – một thương hiệu khách sạn quốc tế giá rẻ sạch đẹp có dormitory giường tầng kiểu ký túc xá chung cho cả nam và nữ.

Chưa bao giờ tôi thấy một cái YHI nào bẩn và tồi tàn hơn thế. Khắp hai tầng toàn khách vãng lai nội địa mặt mũi khó đăm đăm, khác một trời một vực với các YHI trên thế giới toàn nam thanh nữ tú trẻ trung vui tươi từ bốn biển tụ về. Ở chưa được một ngày, chúng tôi bị một vài thanh niên sống quanh đó bắt ép quản lý YHI yêu cầu rời khách sạn với lý do Libya là đất nước Hồi giáo, không phải là vợ chồng không được ở chung phòng, dù là phòng dorm với cả chục cái giường một thiết kế cho nhiều khách ở chung.

Mới đầu viên quản lý còn ngọt nhạt giải thích rằng kiểu YHI toàn thế giới nó phải thế, sau bị đe dọa dữ quá lão ta chuyển hệ kiên quyết tống cổ chúng tôi ra đường cho yên chuyện. Tôi cũng không vừa, một tay lia máy quay phim, một tay khăng khăng chìa mảnh giấy bắt gã quản lý phải ký chứng nhận sự việc. Lời qua tiếng lại ỏm tỏi, thấy tôi thân con gái một mình mà gân cổ lên cãi không mệt mỏi, gã quản lý nắm tay đấm choang choang xuống bàn còn mấy gã thanh niên máu bốc lên tận mặt thì nhảy choi choi bẻ tay răng rắc, chắc chỉ thiếu chút nữa là nhảy vào nghiền tôi tan xác. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà lúc ấy tôi lại… cười khẩy rồi nói mỉa mai: “Còn trò gì giở nốt ra đi!”. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình ngu.

Ai cũng có quyền bảo tôi ngu, điếc không sợ súng. Đất nước đang không có chính quyền, không có cảnh sát, không có tòa án, nếu tôi có mệnh hệ gì thì chẳng ai thèm giải quyết. Chính vì tình trạng vô chính phủ như vậy mà những gã thanh niên vô công rồi nghề mới đột ngột trở nên hung hăng, đường phố mới bất an, và mới có những kẻ chẳng danh tính gì cũng tự cho mình quyền hành xóa bỏ và áp đặt các luật lệ đạo đức lên người khác.  

 

Các thánh đường Hồi giáo là nơi cầu nguyện và nghỉ ngơi của người mộ đạo 

Chân chất

Libya có lẽ là đất nước khiến tôi khổ sở nhất, nhưng cũng là đất nước khiến tôi ngỡ ngàng nhất bởi sự chân thành và hướng thiện của người dân bản xứ. Dù trong hoàn cảnh hỗn mang vô chính phủ nhưng tội ác không bao trùm đường phố, các phiến quân vũ khí đầy mình nhưng không làm hại đến người dân. Tận mắt tôi chứng kiến một người đàn ông hai tay xách đầy tiền, tiền phòi cả ra ngoài, hồn nhiên từ góc khuất ngã tư xuất hiện và bước vào nhà băng. Cảm giác yên ổn rõ nhất là khi bước quanh những phiên chợ đông đúc mà không bị cò chào mời, không bị người bán hàng níu kéo, không lo bị móc túi và không lo bị lừa hàng dỏm. Những tiệm vàng ở Tripoly không có cửa sắt, vòng vàng dài hàng mét mỗi nút to bằng miệng chén, vắt hàng chục hàng trăm chuỗi trên giá hệt như ở các siêu thị. Người dân Tripoly mỗi lần bước vào tiệm vàng mua hàng ký, hoặc là để chuẩn bị đám cưới, hoặc là để dành đầu tư. Thấy tôi lấp ló ở cửa, một anh chủ còn vui vẻ bắt tôi đeo một cái vòng to tướng quanh cổ để chụp ảnh.

Những tiệm vàng ở Tripoly

Hàng thủ công Libya
Khắp Trung Đông những phiên chợ như thế chỉ có ở Libya, nơi người dân có mức sống khá cao. Một lý do nữa để giải thích cho sự chân chất bỡ ngỡ của dân bản xứ là do hàng chục năm qua họ bị ngăn cấm giao du với người nước ngoài. Nghe nói dưới thời Gaddafi, 1/10 dân số Libya thuộc lực lượng chìm, theo dõi và báo cáo mọi khả nghi cho chính quyền nhà độc tài.

Tuy nhiên, những cảm nhận của tôi về Libya có lẽ không giống những cảm nhận của gần 10.000 người Việt Nam xuất khẩu lao động sang đây. Với những người bị buộc phải trở về nước sớm hơn thời hạn do cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập. Libya trong trí nhớ của họ có lẽ chỉ là những công trình xây dựng còn ngổn ngang, thiếu cơm thiếu nước khi bị mắc kẹt trong khói bom, và hơn hết là khoản nợ chồng chất để lo giấy tờ đi xuất khẩu lao động còn chưa kịp trả mà lương thì không được nhận.

Nhưng những người lao động Việt Nam đã bắt đầu trở lại Libya. Đất nước có hàng trăm phụ nữ tham gia tranh cử và chiếm tới gần 17% số ghế quốc hội, đất nước duy nhất mà ở đó các đảng bảo thủ Hồi giáo không thắng cử. Khách du lịch đã bắt đầu trở lại những thành quách La Mã đẹp nhất thế giới ở Sabratha, Leptis Magna và những bãi biển đẹp như mơ. Visa du lịch không còn là “điệp vụ bất khả thi”. Đất nước chào một rạng đông mới, với chút ngỡ ngàng và rất nhiều hy vọng.

Câu chuyện sau mùa xuân Ả Rập lúc nào cũng râm ran từng góc phố

Kỳ sau: Tunisia – Nơi dòng sông bắt đầu

 

Bài & ảnh: Phương Mai


From the same category