Tết Việt và những phong tục truyền thống

Tục chơi hoa Tết

Người Việt quan niệm mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, khởi đầu cho nhiều điều mới. Vì thế, hoa đã trở thành một phần quan trọng trong ngày Tết truyền thống, mang đến nguồn sinh khí mới cho con người. Tùy theo tiết trời từng vùng mà có những loại hoa đặc trưng riêng. Sắc đỏ của cành đào ẩn chứa những lời nguyện cầu và lời chúc phúc cho nhau một năm may mắn, tài lộc. Ở miền Nam, miền Trung thuận lợi cho mai, cúc và vạn thọ. Khoảng ngày 20 tháng Chạp, người ta bắt đầu ngắt lá mai để chuẩn bị cho cây đơm hoa vào đúng dịp Tết. Theo phong tục, cây mai của gia đình đó sẽ có một năm sung túc, hạnh phúc và hanh thông mọi sự.

 

Lễ đón Giao thừa

Lễ Trừ Tịch bắt đầu vào đúng thời khắc giao thoa giữa năm cũ, năm mới. Người chủ lễ cung kính dâng hương lên đất trời để tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho gia đình một năm bình an, thuận lợi. Mọi thành viên trong nhà cũng thành kính quây quần bên bàn thờ cùng nguyện cầu một năm mới an khang. Con người hy vọng lộc xuân sẽ tẩy trừ hết những buồn phiền, xui rủi của năm cũ. Không khí đêm giao thừa khiến con người tràn đầy hi vọng về tương lai tươi đẹp và ước nguyện được cùng gia đình sum vầy bên nhau. Không lúc nào những đứa con xa quê muốn được trở về nhà như lúc này. Họ muốn có mặt cùng gia đình để cả nhà bước qua một thời khắc mới, được hạnh phúc trong không khí đoàn tụ. Sự đầm ấm, sum họp tràn ngập cả không gian níu lòng người rời bỏ lo toan, hờn giận. Con người thật sự được quay về với gia đình và tình yêu thương. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết về thời khắc thiêng liêng ấy: “Giao thừa đã điểm! Khoảnh khắc thời gian tách ra làm đôi, lòng mỗi con người Việt Nam đang tìm đến nhau để sum họp…”

Mâm cỗ ngày Tết

Không ở đâu, tình yêu dân tộc, tình cảm gia đình lại đầm ấm, da diết như khi người Việt được nếm miếng dưa hành với bánh chưng xanh hay uống một ly rượu nghĩa tình trong ngày Tết ở lại quê nhà. Thịt đông là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Sau khi chế biến xong, người ta sẽ mang món thịt đông chân giò ra ngoài trời phơi sương đêm. Tục truyền, nhờ làm như thế, món thịt đông sẽ hấp thụ sương gió, khí trời tinh hoa của vũ trụ trong thời khắc giao mùa.

Người dân miền Trung đón xuân với các món ăn dân dã: tôm chua, dưa món, bò ngâm, nem lụi, ít dùng chả lụa mà là chả bò và giò thủ nhưng đặc biệt phải có thịt chua và tai heo… Ngoài ra, có các món đặc sản như bánh lá, bánh nộm. Đặc biệt ở Huế, dù món ăn có dung dị ra sao thì vẫn phải được trình bày trong những đĩa, chén nhỏ rất tinh tế, trang trí công phu.

Trong khi đó, nồi thịt kho nước dừa, bát canh khổ qua là món ăn đặc trưng của miền Nam. Nó thân thuộc đến mức chỉ cần nồi thịt kho dậy mùi là lòng người đã nao nao thấy Tết, biết rằng xuân đã về khắp cả không gian. Ẩm thực trong tiết đầu xuân vừa ngon ở hương vị đặc trưng quê hương, vừa đậm đà, ấm áp những nghĩa tình.

Lễ chùa đầu năm

Sau lễ Trừ Tịch, người Việt có tục đi lễ chùa để cầu bình an và hái lộc đầu năm. Trong mâm lễ của người miền Bắc thường phải có đủ cả hương, hoa, tiền vàng, và một tờ sớ ghi những điều cầu mong của gia đình cho năm mới vạn sự như ý. Đặc sắc trong sớ cầu nguyện của họ là cách viết rất cầu kỳ, phải có vần điệu, gieo thanh bằng trắc, chuẩn về âm luật. Người xướng lễ có thể ngân nga khi thể hiện. Lễ xong, họ phải xin nhà chùa một thứ gì đó như là lộc đầu năm.

Đối với người miền Trung và miền Nam, lễ chùa đầu năm đơn giản hơn. Người đi lễ thường không phải mang theo lễ vật như người miền Bắc mà chỉ cần ít hoa quả. Họ cũng không viết sớ mà chỉ khấn miệng bằng tấm lòng thành kính, không cần vần điệu. Cách khấn như thế người ta gọi là khấn nôm.

Đối với người miền Trung thì không có tục hái lộc. Tuy nhiên, sau khi lễ xong, nhà chùa hay ban tổ Đình sẽ tặng lại người đến dâng hương một chút hoa quả, bánh mứt để làm quà đầu năm mới cầu chúc may mắn, an lành.

Tặng quà Tết

Đây là một tập tục vô cùng đẹp của người Việt trong ngày Tết truyền thống. Con người không chỉ chăm lo, nguyện cầu cho cuộc sống của riêng mình mà còn dành tặng nhau những món quà thật ý nghĩa.

Những món quà thông dụng, rất được người Việt ưa chuộng dành tặng nhau là cành đào hay bầu rượu ngon tượng trưng cho sự phồn vinh trong năm mới, bánh chưng để cầu chúc nhau năm mới ấm no.

Có một số món quà mà người miền Bắc hay Nam đều rất ưa chuộng như tục tặng dầu ăn. Người Việt dí dỏm lại thông minh, đặc biệt trong cách chơi chữ. Chữ “dầu” khi phát âm rất gần với chữ “giàu”. Vì thế tặng dầu ăn là cách người Việt chúc tụng nhau một năm mới làm ăn khấm khá, sung túc, thịnh vượng. Đây là một món quà rất ý nghĩa lại vô cùng gần gũi, hữu dụng khiến người tặng gửi gắm được lời chúc tốt đẹp và người nhận thì hân hoan với món quà may mắn đầu năm.

Vy Khánh
Theo Thế giới gia đình 

From the same category