Một gia đình có hai con gái vui chơi trong khuôn viên khu đô thị Eco Park, Văn Giang, Hưng Yên – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Dương Quốc Trọng – Ảnh: Việt Dũng
Nói về đề án thú vị này, ông Dương Quốc Trọng – tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) – cho biết:
– Hiện đề án đã hoàn thành ở mức độ xây dựng tại Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình và đang đệ trình Chính phủ, xin ý kiến các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch – đầu tư và Bộ Tài chính. Quan điểm của chúng tôi là phải có hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh hai con gái. Có mấy lý do: người dân muốn sinh con trai hơn con gái, chính sách an sinh xã hội của mình chưa tốt, 70% dân số VN sống ở nông thôn và người ta vẫn phải trông chờ vào con trai. Giải pháp chính là truyền thông, vận động nhưng vẫn phải có hỗ trợ về mặt kinh tế.
* Cụ thể là những hỗ trợ tài chính nào, thưa ông?
– Chúng tôi tạm đề xuất mấy hướng. Đối với các gia đình làm tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh con một bề là nữ thì có hỗ trợ tài chính một lần, kèm theo hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí khi các cháu đi học. Nếu ngân sách tốt hơn, các gia đình sinh con một bề gái mà cha mẹ không có sinh kế, không có lương hưu, khi hết tuổi lao động sẽ được hỗ trợ tài chính.
Không phải tự nhiên chúng tôi nghĩ ra đề án này, mà đây là vấn đề quốc tế đã làm. Một số nước do tỉ suất sinh giảm thấp, gia đình nào sinh con đều được nhà nước hỗ trợ tài chính, sinh càng nhiều con càng được hỗ trợ. Ở Trung Quốc có vấn đề tương tự VN là tâm lý ưa thích con trai thì các gia đình sinh con gái được hỗ trợ tài chính, khi đến tuổi học hành thì hỗ trợ học phí, thậm chí là cộng điểm cho thí sinh nữ, chia nhà với diện tích rộng hơn cho các gia đình sinh con một bề gái. Khi về già, cha mẹ sinh con gái không có sinh kế sẽ được hỗ trợ 600 tệ/người/tháng (khoảng 2 triệu đồng/người/tháng).
* Ba năm trước, một đề án nhằm giảm tỉ số giới tính khi sinh đã được triển khai. Nhưng kết quả tại Hà Nội có tới 93% gia đình sinh con thứ ba đã sinh được con trai như mong muốn. Với chính sách này, việc hỗ trợ liệu có ý nghĩa thật sự, hay chỉ là ý nghĩa tinh thần?
– VN có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chậm hơn một số nước. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, vấn đề này đã xuất hiện từ những năm 1980, còn VN thì đến năm 2006 mới bắt đầu. Quan điểm của chúng tôi là tiếp thu những kinh nghiệm thành công, mà đây là kinh nghiệm thành công của các nước để giảm tỉ số giới tính khi sinh. Chúng tôi thấy đây là kinh nghiệm hay, còn việc này có thành hiện thực hay không thì phải đợi phản hồi của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Nhưng chúng tôi hi vọng nhận được sự ủng hộ.
“Giá” phải trả cho việc hỗ trợ các gia đình sinh con một bề gái sẽ rẻ hơn nhiều so với việc chúng ta có đến 2,3-4,3 triệu đàn ông dư thừa, không thể lấy được vợ VN trong 20-30 năm tới. Còn về hỗ trợ có thật sự hay không, theo tôi, việc hỗ trợ này sẽ mang hai ý nghĩa: hỗ trợ thật sự và hỗ trợ về truyền thông, lan tỏa trong cộng động. Vừa rồi ở Thái Bình, nhân tổng kết công tác dân số năm 2012, ngành dân số ở đó đã tặng mấy chục cây quạt máy cho các gia đình sinh con một bề gái và thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình. Khi hai bố mẹ và hai con gái mang quạt về thôn, làng xóm hỏi thì họ bảo: “Tôi sinh con gái nên được thưởng”. Một cây quạt chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng ý nghĩa rất lớn.
* Trung Quốc còn có cả chính sách cộng điểm cho học sinh nữ. Theo ông, VN có nên xem xét chính sách này?
– Tôi không thiên về cộng điểm. Tôi ủng hộ bình đẳng giới thông qua nâng cao vị thế của nữ giới. Nếu nữ giới vì bận con nhỏ, sinh con… không đủ thời gian học hành thì hỗ trợ họ học hành thêm. Còn khi ngồi vào giảng đường, cơ quan thì lúc đó không phải nhờ hỗ trợ, nhờ vì họ là phụ nữ, mà là họ có năng lực thật sự và có thể làm việc ngang ngửa, thậm chí làm việc giỏi hơn nam giới. Việc cộng điểm cho họ, theo tôi, vô hình trung lại làm họ kém đi vì hỗ trợ để họ vào học, vào làm việc ở những vị trí mà năng lực chưa vươn tới, họ sẽ vất vả.
* Theo ông, nếu mọi việc suôn sẻ, bao giờ có thể đưa đề án này vào thực hiện, tức là các gia đình sinh con một bề gái được hỗ trợ chính thức?
– Tôi hi vọng mọi việc suôn sẻ thì giữa năm 2013 có thể có những quyết định cho chính sách này và sau đó có thể đưa đề án vào áp dụng. Với đề án này, quy mô có thể ở phạm vi quốc gia, ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương còn từ địa phương.
Trong các chỉ tiêu về dân số, lo ngại nhất là chỉ tiêu chỉ số giới tính khi sinh. Chỉ tiêu đặt ra ở mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015, nhưng tình hình này thì rất khó đạt. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn, cả về vận động, tài chính và thực thi pháp luật, đề án này cũng nằm trong những hoạt động “quyết liệt hơn” ấy.
Muốn giảm lại tăng, muốn tăng thì giảm Theo ông Trọng, năm 2012 vừa qua trong thực hiện công tác dân số có một điểm trái ngược: các chỉ tiêu muốn giảm lại tăng, chỉ tiêu muốn tăng lại giảm. Theo đó, chỉ tiêu giảm sinh là 0,2‰ thì thực tế tăng 0,22‰, phải phấn đấu 11 năm nữa mới quay được về mức năm 2011. Tỉ lệ sinh con thứ ba mục tiêu muốn giảm xuống 0,5%, nhưng thực tế tăng 1,27%, cán bộ đảng viên sinh con thứ ba cũng tăng mạnh so với năm 2011. Trong khi chỉ số giới tính khi sinh muốn giảm lại tăng, mục tiêu là 112 bé trai/100 bé gái nhưng thực tế lên tới 112,3 bé trai/100 bé gái. |
Theo Tuổi trẻ