Cứu bất động sản không phải là “giải cứu người giàu”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh: B.D).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh: B.D).

Trả lời báo chí tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc ra nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ không nhằm giải cứu người giàu mà vì mục đích chung của nền kinh tế.

“Chính phủ không bao giờ chỉ tập trung đi cứu người giàu. Điều hành của Chính phủ là để nền kinh tế phát triển. Trong điều hành, Chính phủ luôn luôn nhất quán ưu tiên cho những đối tượng khó khăn” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ông cũng đưa ra lập luận, trong quá trình giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chính phủ tạo ra cơ hội để giúp những người nghèo, những đối tượng có thu nhập trung bình mà trước đó không thể nào thể tiếp cận vốn vay, không đủ nguồn lực tài chính để mua nhà, căn hộ, bây giờ sẽ có nhiều điều kiện hơn.

Theo nhận định của Bộ trưởng, chắc chắn trong số các đối tượng được hỗ trợ, những người có thu nhập trung bình sẽ được hưởng nhiều hơn những người giàu.

Trên thực tế, trước khi đi đến quyết định về việc sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với các cơ quan bộ ngành liên quan, các ngân hàng thương mại và hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng như TPHCM.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, yêu cầu Bộ Xây dựng và các thành phố lớn khảo sát đánh giá lại thực trạng thị trường bất động sản.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 55.870 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 7.848 chiếm 14%. Trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197; số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngành xây dựng gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 19,4%), thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (30,4%). Đó là chưa kể đến 2.637 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012.

Theo Dân trí


From the same category