Bánh chưng và báo Tết
“Về ngữ nghĩa, giai phẩm tức là ấn phẩm hay và đẹp. Thể loại này thường được giới làm báo người Việt thích cùng nhau soạn và cho ra mắt độc giả vào mùa Xuân, vào dịp Tết âm lịch. Đó cũng là cách người cầm bút Việt thể hiện tâm lý đón Tết đón Xuân của dân tộc mình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn nhận xét. Với tâm lý “trang hoàng đón Tết”, báo Tết đầu tiên là một cuộc “cách mạng báo” về hình thức. Nhiều chục năm trước, khi những số báo thường được in đơn giản, thậm chí chỉ hai màu đen – trắng, thì báo Tết luôn nổi bật nhờ in màu, với màu sắc rực rỡ hơn hẳn bình thường – âu đó cũng là một tâm lý truyền thống của người Việt vất vả quanh năm đến ngày Tết thích se sua.
Nhưng khi các số báo thường cũng được in màu, ít nhất là ở cái bìa, thì vẻ rực rỡ không còn là một tín hiệu của báo Tết nữa. Khi đó, như quan sát của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tuấn, báo Tết dừng sự cách tân của mình lại ở yếu tố truyền thống. Điều ấy thể hiện qua hình ảnh in trên các bìa báo Tết thường khá giống nhau: hoặc hình thiếu nữ hoặc hình ông, bà cụ già với cháu nhỏ trong y phục cổ truyền, hoặc hình một vật gì đó gắn liền với ngày Tết: hoa, cây nêu, pháo, bánh chưng… Rất ít có sự thay đổi, mà theo ông Tuấn thì hình như người ta (người làm báo cũng như người đọc báo Tết) cũng ngại thay đổi. Tết đồng nghĩa với truyền thống. Bánh chưng vuông, bánh dày tròn vẫn luôn là hình ảnh gắn với Tết. Thì báo Tết cũng vậy.
Riêng học giả Phạm Quỳnh, chủ bút Nam phong tạp chí, ngay từ năm 1918, ông đã nhìn báo Xuân nsoi chung theo khuynh hướng vui vẻ. “Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui: vui ngày Tết là cái vui dễ “truyền nhiễm” vậy”. Cũng xin nhắc lại, Nam phong tạp chí ra đời giữa năm 1917 (Đinh Tỵ), chỉ một năm sau là Phạm Quỳnh đã tổ chức làm số Xuân, một ấn phẩm giải trí hướng đến cái đẹp hay và phổ quát.
Ai làm báo Tết đầu tiên?
Cũng có vài nghiên cứu cho rằng tòa soạn làm báo Xuân đầu tiên là tờ Công luận ở Sài Gòn những năm 1920. Lại có ý kiến cho tờ Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois), ra số Xuân năm Mậu Thìn – 1928, mới là đầu tiên. Vài tờ báo khác làm số Xuân khá sớm như Thần chung (Kỷ Tỵ – 1929, Phụ nữ tân văn (Canh Ngọ – 1930), Công luận (Tân Mùi – 1931)…
Giai phẩm xưa nhất từng ghi hai chữ “giai phẩm” có lẽ thuộc về tờ Đời nay, từ đầu thập niên 1940. Ngoài ra ngày trước còn loại ấn phẩm gọi là “sách chơi Xuân” (hay sách chơi Tết). Loại này để mọi người đọc giải trí vào dịp Tết, thường đăng thơ, truyện… liên quan đến Xuân. “Loại sách chơi Xuân xưa nhất mà tôi biết xuất bản vào thập niên 1930, do nhà Nam Ký, Mai Lĩnh đảm trách”, nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ cho biết.
Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác về gốc tích của báo Xuân, nhưng có thể nói, nó là sản phẩm “nằm gọn” trong thế kỷ 20, dù báo tiếng Việt thì đã có từ hơn nửa thế kỷ trước đó – tờ Gia Định báo ra đời từ 15/4/1865 tại Sài Gòn.
Nhà cách mạng văn hóa?
Quan hệ giữa văn hóa nói chung và văn hóa báo Tết quả có nhiều gắn bó mật thiết. Có không ít nét văn hóa là “sản phẩm độc quyền” của các số báo đặc biệt, trong đó có giai phẩm Xuân.
Ví dụ, nếu không có tờ Phong hóa thì áo dài chưa chắc đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam như hiện nay. Hay cả như nghệ thuật cải lương, ra đời tại Mỹ Tho từ thập niên 1910, nếu không có sự xiển dương của nhiều tờ báo ở Nam bộ thới bấy giờ, đặc biệt là các giai phẩm Xuân những thập niên năm sau đó, khi họ dành ra những vị trí đặc biệt để nhìn lại, định giá, cải lương còn lâu (?) mới đặt đến sự phổ biến như vậy.
“Đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hóa nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài”, Nguyễn Ngọc Tuấn.
Chính vì khả năng “nhìn lại” và “hướng đến”, nên nhiều vấn đề vốn trừu tượng đã được các giai phẩm Xuân cụ thể và điển hình hóa cho dễ nhận biết. Cách mà nhiều bài báo viết về phở hay áo dài (hai sản phẩm của đầu thế kỷ 20), đặc biệt là các hình vẽ áo dài trên bìa giai phẩm Xuân, không chỉ giúp quảng cáo, mà còn tạo nên xu hướng ăn/mặc cho phụ nữ noi theo. Chính vì vậy, đôi khi nhìn lại cũng là kiểu của làm “cách mạng”, vì các sự kiện và vấn đề vẫn luôn diễn ra, nếu không có sự nhìn lại kịp thời thì mọi người ít để ý. Ví dụ, sở dĩ mạng internet được xem là cuộc cách mạng, thực chất, cũng là vì các cuộc nhìn lại này. Nếu các báo và tạp chí không đề cập đúng lúc, thì còn lâu khái niệm cách mạng mới xuất hiện.
Còn nhà báo Lam Điền từng nhận xét: “Với những người quan tâm đến lịch sử ngành in ấn của Việt Nam, lần giở lại các trang báo Xuân ngày trước mới thấy đội ngũ làm báo bấy giờ thật sự nỗ lực để sáng tạo những maquette báo đặc sắc, hình ảnh đẹp và thật đáng quý là hầu hết đều hướng đến nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đó là bức tranh vẽ chú chích chòe đậu trên cành đào của tờ báo Mai số Xuân năm 1937, rất sinh động, là hình ảnh hai phụ nữ Nam bộ trong trang phục áo dài và cành mai vàng trên bìa tờ Điển tín số Xuân Kỷ Mão 1939, là hình ảnh cô gái miền Bắc in trên trang đầu tờ Mai, kèm theo bốn câu thơ mừng Xuân của Phan Bội Châu”, dẫn theo nhà báo Lam Điền. Nhìn lại các giai phẩm Xuân cũ, vì thế, cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu về lịch sử báo chí sau này.